“Hòa bình thế giới đi xuống dần trong 10 năm trở lại. Nguyên do cho sự sụt giảm này nằm ở xung đột Trung Đông và Bắc Phi ảnh hưởng lan tới nhiều khu vực khác”, Steve Killelea, chủ tịch Viện Kinh tế và Hòa Bình (IEP) có trụ sở tại Australia, nói với Reuters.
Người sáng lập IEP Steve Killelea tại Diễn đàn Chính trị Quốc tế tại Dresden, Đức hồi tháng 2. Ảnh: Twitter. |
Sau chiến tranh tại Libya và Syria, châu Âu bắt đầu đối mặt với khủng hoảng di cư từ năm 2015. Hơn một triệu người từ châu Phi và Trung Đông đã cố gắng vượt biển hoặc qua Thổ Nhĩ Kỳ để tới châu Âu.
Sau khi phân tích dữ liệu từ các viện nghiên cứu, trường đại học và chính phủ, IEP ước tính năm 2017, bạo lực khiến nền kinh tế thiệt hại 14,8 nghìn tỷ USD, tức gần 2.000 USD mỗi người.
Theo báo cáo Chỉ số Hòa bình Toàn cầu thường niên do IEP công bố ngày 6/6, nếu những quốc gia “loạn lạc” như Syria, Nam Sudan và Iraq có thể ổn định như các nước bình yên nhất, ví dụ Iceland hay New Zealand, thì mỗi người dân sẽ đóng góp được thêm 2.000 USD cho nền kinh tế của đất nước đó.
Iraq diễu binh mừng toàn thắng trước phiến quân IS hồi tháng 12/2017. Ảnh: Twitter. |
“Có thể thấy, hòa bình nằm trong mối quan hệ chặt chẽ với sự thịnh vượng của nền kinh tế”, Killelea nhận định. Ông cho biết đây là nghiên cứu duy nhất đo lường ảnh hưởng của bạo lực về mặt kinh tế.
Châu Âu được cho là khu vực hòa bình nhất thế giới, trong khi Trung Đông và Bắc Phi xếp hạng cuối.
Hồi tháng 5, Liên Hợp Quốc cho hay khủng hoảng nhân đạo tại Syria năm nay tồi tệ hơn bất kỳ thời điểm nào trong 7 năm nội chiến. Tại nước láng giềng Iraq, Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đặt ra mối đe dọa dọc biên giới Syria, mặc dù nước này tuyên bố chiến thắng IS vào tháng 12/2017.
Báo cáo từ Trung tâm Giám sát Di dân Nội bộ cho thấy năm ngoái, 11,8 triệu người phải chuyển chỗ ở trong nước vì bạo lực và xung đột, một nửa trong số này là người dân thuộc khu vực châu Phi hạ Sahara.