Đối đầu giữa Israel và Iran bước sang giai đoạn mới khi hai bên sẵn sàng đụng độ trực diện, làm dấy lên lo ngại về cuộc chiến có nguy cơ gây bất ổn cả khu vực.
"Họ cần nhớ là nếu họ trút mưa lên Israel, chúng tôi sẽ mang bão tố tới với họ", Bộ trưởng Quốc phòng Israel Avigdor Lieberman đưa ra lời tuyên bố cứng rắn hôm 10/5 sau khi quân đội Do Thái triển khai 28 máy bay xâm nhập và không kích hàng chục vị trí mà Israel cáo buộc là cơ sở quân sự - tình báo của Iran tại Syria.
Hai mươi năm "chiến tranh lạnh" giữa Israel và Iran, rốt cuộc, đã bén lửa và ngày càng "nóng" hơn trong những ngày gần đây. Pháo kích của Iran vào các vị trí của Israel tại cao nguyên Golan, và sau đó là màn không kích trả đũa ồ ạt mà quân đội Do Thái thực hiện hôm 10/5, đánh dấu bước chuyển được nhận định là "nguy hiểm" trong cuộc đối đầu Iran - Israel.
S
au 7 năm khói lửa, cuộc chiến Syria đang đi về hồi kết. Tehran hiểu mình phải nhanh chóng thúc đẩy các mục tiêu quân sự - chính trị bởi một khi chính quyền trung ương tại Damascus đã ổn định, Nga và Tổng thống Bashar Al Assad sẽ không để Iran cùng các nhóm vũ trang Shia nước này hậu thuẫn tự do hoạt động như trong bối cảnh nội chiến.
Cựu đại sứ Mỹ tại Israel Martin Indyk tin rằng Tehran đã chuyển dần từ chiến tranh ủy nhiệm, thông qua các nhóm vũ trang Shia, sang giai đoạn mới, trực diện đối đầu Tel Aviv. "Điều khiến tình thế hiện nay khẩn cấp hơn trước nhiều lần là nay lực lượng của hai bên đang đối đầu trực tiếp, và thương vong của Iran đang tăng lên".
Các chuyên gia nhấn mạnh điểm đáng lo ngại trong diễn biến gần đây ở chỗ cuộc tấn công hôm 10/5 là lần đầu tiên lực lượng Iran trực tiếp nổ súng về phía Israel, động thái lâu nay Tehran luôn tránh, nhằm kiềm chế một cuộc chiến tranh trực diện với quân đội Do Thái có khả năng vượt khỏi tầm kiểm soát.
Ở trong nước, chính quyền Tổng thống Iran Hassan Rouhani đang đứng trước nhiều sức ép do nền kinh tế rơi vào suy thoái với mức thất nghiệp cao kỷ lục. Quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân của Washington, tức tái khởi động các biện pháp trừng phạt Iran, càng gây sức ép lên nền kinh tế ốm yếu của Tehran.
"Việc phóng rocket về phía Israel chỉ một ngày sau quyết định của Tổng thống Trump có thể coi là một đòn đáp trả, cũng đồng thời là một sự giải tỏa sức ép của chính quyền Tổng thống Rouhani", giáo sư Ian Hobbs, trưởng khoa chính trị toàn cầu Đại học Newcastle, Anh, nhận định.
Ở chiều ngược lại, người ta đã thấy Israel đáp trả với quy mô chưa từng có khi phóng tổng cộng 70 tên lửa vào hàng chục vị trí mà nước này cáo buộc là cơ sở quân sự và tình báo của Tehran ở Syria. Nhìn rộng ra, đây là cuộc không kích thứ 2 của Israel trong tháng 5 và là lần thứ 3 quân đội Do Thái nhắm vào Iran cùng các đồng minh Shia chỉ trong 1 tháng.
"Những cuộc tấn công với cường độ và quy mô tăng dần thời gian qua cho thấy Israel sẵn sàng ra tay trước để giành lợi thế. Quân đội Do Thái đã học được nhiều bài học trong quá khứ, họ sẽ không ngồi chờ có người dí dao vào cổ", chuyên gia Dror Michman từ Trung tâm Chính sách Trung Đông của Viện nghiên cứu Brookings đánh giá.
Ông Michman lo ngại sự quyết liệt của Israel, gia tăng cùng số lượng các cơ sở quân sự và tình báo Iran lập ra tại Syria, có thể đẩy cuộc xung đột giữa hai nước leo thang tới ngưỡng không thể kiểm soát và bùng nổ thành cuộc chiến tranh khu vực.
Ephraim Kam, chuyên gia Trung Đông từ Viện Nghiên cứu An ninh quốc gia Israel, cho rằng quyết định của Tổng thống Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran là một cú hích cho phe diều hâu tại Tel Aviv và sẽ khiến cuộc đối đầu giữa Israel - Iran ngày càng trở nên khó lường.
"Israel nay không cần để tâm châu Âu sẽ phản ứng thế nào khi nước này mạnh tay chặn đứng tham vọng của Iran", ông Kam nói. Những tham vọng này, hiển nhiên, là sự bành trướng ảnh hưởng của Iran tại khu vực, đe dọa tới không gian sinh tồn của nhà nước Do Thái.
“C
uộc nội chiến Syria là món quà mà Tehran sẽ không bao giờ có lại một lần nữa. Iran sẽ làm mọi cách để thiết lập và duy trì ảnh hưởng tối đa tại Syria trước khi mọi chuyện đi vào trật tự”, Columb Strack, chuyên gia từ Cơ quan Nghiên cứu chính sách IHS Markit, London, nói với Zing.vn.
Iran có mặt từ rất sớm sau khi phe nổi dậy chiếm một nửa đất nước Syria. Đầu tiên, tổ chức vũ trang Hezbollah, được Iran giúp đỡ thành lập trong cuộc chiến tranh Israel - Lebanon thập kỷ 80, vượt qua biên giới Lebanon - Syria tiến vào sát cánh chiến đấu cùng chính quyền Tổng thống Bashar Al Assad.
Không dừng lại ở đó, Iran đưa thêm hàng chục nghìn tay súng Shia vào Syria, thành lập các nhóm vũ trang khác trực tiếp dưới sự chỉ huy của Tehran. Tình báo Israel tin rằng khoảng 20.000-50.000 tay súng Shia do Iran chỉ huy hiện chiến đấu trên chiến trường Syria.
Cuối cùng, lực lượng tác chiến nước ngoài Quds của Vệ binh Cách mạng Iran được triển khai tại Syria trong nhiệm vụ xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng quân sự, đào tạo các chiến binh Shia, cũng như trực tiếp tham chiến. Chỉ huy lực lượng Quds là Trung tướng Qassem Soleimani, sĩ quan có liên hệ với phái bảo thủ cực đoan thường xuyên đe dọa “xóa sổ dân tộc Do Thái”. Quds đứng sau vụ bắn rocket về phía Israel hôm 10/5.
"Sau hai cuộc chiến Iraq và Afghanistan do Mỹ phát động, Iran rơi vào thế bị kìm kẹp giữa vòng vây các chính quyền thân phương Tây và Saudi Arabia. Nay, Iran đứng trước cơ hội phá thế cô lập, giành lại quyền chi phối cuộc chơi tại Trung Đông", ông Strack nói.
Tham vọng của Iran là thiết lập một hành lang an toàn từ Tehran, đi qua Iraq, xuyên qua Syria, với hai điểm kết thúc: một là thành phố Latakia bên bờ Địa Trung Hải, hai là Lebanon, quê hương của tổ chức vũ trang Hezbollah. Ngoài ra, Tehran cũng làm chủ hàng trăm cơ sở quân sự và bán quân sự trải dọc từ miền Trung tới miền Nam Syria.
"Các cơ sở ở miền Nam Syria giúp Iran tạo lập thế đứng vững chắc cả về chính trị và quân sự tại vị trí được coi là trọng yếu trong chiến lược của nước này. Từ đây, Iran có thể hỗ trợ hiệu quả cho tổ chức Hezbollah ở Lebanon, đồng thời uy hiếp luôn biên giới phía Bắc của Israel, và tạo mối đe dọa thường trực tới quân đội Do Thái ở cao nguyên Golan", bà Breanna Heilicher, chuyên gia an ninh quốc tế từ Trung tâm Chính sách quốc tế, Mỹ, nhận định.
Giáo sư Ian Hobbs cho biết Iran đã đầu tư quá nhiều tiền bạc, công sức và cả máu vào canh bạc Syria. Những lợi ích từ việc có chỗ đứng vững chắc cả về chính trị lẫn quân sự, từ đó gây sức ép trực tiếp lên các đối thủ truyền kiếp như Saudi Arabia và đặc biệt là Israel, khiến giới chóp bu tại Tehran sẵn sàng chấp nhận rủi ro một cuộc xung đột lan rộng.
"Iran đang có cơ hội giành lấy vị thế người chơi chủ chốt tại bàn cờ Trung Đông. Khó có chuyện Iran dễ dàng chấp nhận lùi bước, bất kể đe dọa và thậm chí đòn trả đũa từ Israel có thể ở quy mô lớn như cuộc không kích hôm 10/5.", giáo sư Hobbs đánh giá.
"C
húng ta không cho phép Iran đưa thòng lọng khủng bố siết vào cổ Israel. Chúng ta sẽ ra tay, nếu cần thiết, không chỉ nhắm vào các tổ chức do Iran hậu thuẫn, mà nhắm vào chính Iran", Thủ tướng Benjamin Netanyahu tuyên bố trong bối cảnh hoạt động của các tổ chức do Iran hậu thuẫn tăng mạnh tại khu vực gần biên giới Israel.
Nằm giữa vòng vây các quốc gia Arab, nhà nước Do Thái từ lâu theo đuổi cách tiếp cận răn đe và phủ đầu với các mối đe dọa an ninh quốc gia. Israel đang cho thấy nước này không nói suông với những lời đe dọa của mình. Quân đội Do Thái hiếm khi nhận trách nhiệm cho các vụ không kích trong khu vực, nhưng trên chiến trường Syria, người ta đang thấy một ngoại lệ.
"Israel đã phát đi thông điệp rất rõ ràng rằng họ không chấp nhận sự hiện diện của Iran, dù dưới bất cứ hình thức nào, tại khu vực gần biên giới. Tel Aviv lo ngại tình hình hiện tại ở Syria có thể biến chuyển theo chiều hướng không thể kiểm soát với một tổ chức khác tương tự như Hezbollah ở Lebanon", chuyên gia Natan Sach từ Trung tâm Chính sách Trung Đông của Viện Brookings nhận xét.
Sau cuộc nội chiến tại Lebanon mà Israel trực tiếp can dự, tổ chức Hezbollah đã lớn mạnh không ngừng dưới sự bảo trợ của Iran. Tổ chức này hiện có hơn 120.000 quả tên lửa có khả năng tấn công biên giới phía Bắc Israel. "Hezbollah là một sai lầm mà Israel sẽ không bao giờ cho phép lặp lại tại Syria", nhà phân tích Thomas Friedman của New York Times nhận định.
Sau cuộc không kích hôm 10/5, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Avigdor Liberman tuyên bố đã phá hủy gần như hoàn toàn tất cả các mục tiêu mà Israel coi là cơ sở tình báo - quân sự của Iran và Hezbollah ở Syria. Dù chưa rõ tuyên bố của ông Liberman chính xác bao nhiêu phần trăm, việc máy bay Israel ra vào không phận Syria để tiến hành hàng trăm phi vụ không kích trong vài năm qua cho thấy năng lực cũng như quyết tâm của Tel Aviv chặn đứng bước tiến của Tehran.
“Israel luôn và sẽ hành động như ở thế không có đường lui. Nếu nhà nước Do Thái cho phép Iran đặt một con dao ở Syria, sẽ có nhiều con dao khác được cài vào xung quanh Israel trong tương lai”, Sima Shine, cựu sĩ quan chỉ huy của cơ quan tình báo Israel Mossad, đánh giá.
Quyết định rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran của Tổng thống Trump được coi là một chiến thắng chiến lược cho Israel trong bối cảnh căng thẳng giữa Tel Aviv và Tehran ngày càng leo thang. Người ta thấy rõ bóng dáng của Israel, mà tiêu biểu là bài thuyết trình đầy số liệu của Thủ tướng Netanyahu, phía sau quyết định từ Washington.
Chuyên gia Columb Strack nhận định động thái vừa qua từ Nhà Trắng dường như tiếp thêm sự tự tin cho Israel trong đáp trả những động thái khiêu khích của Iran. “Việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran giúp cởi trói cho nhà nước Do Thái trong đối phó với các tham vọng của Tehran. Cuộc không kích hôm 10/5 ở quy mô chưa từng có là một chỉ dấu cho thấy Israel sẽ ngày càng mạnh tay”.
C
hiến tranh trực diện giữa Iran và Israel là kịch bản tồi tệ nhất truyền thông quốc tế liên tục đề cập sau khi máy bay của quân đội Do Thái phóng hàng chục tên lửa vào các vị trí của Iran và đồng minh. Sau cuộc nội chiến Syria, một cuộc chiến tranh khác đang trên bờ vực bùng nổ.
Giáo sư Benedict Brown từ Viện Nghiên cứu chiến lược HEC Paris đánh giá nguy cơ nổ ra chiến tranh phụ thuộc vào giới hạn của các bên cũng như liệu Tel Aviv và Tehran sẵn sàng đi xa đến đâu trong cuộc đối đầu. Dưới bất cứ kịch bản nào, chiến tranh Israel - Iran nếu nổ ra sẽ chứa đựng những diễn biến khó lường nhất trong nhiều thập kỷ Trung Đông phải đối mặt.
"Chiến tranh có thể lôi kéo cả Saudi Arabia, Lebanon, Jordan, hay thậm chí cả Mỹ vào cuộc chơi. Syria là một bài học nóng hổi cho thấy những xung đột tại Trung Đông có thể biến chuyển và leo thang nguy hiểm đến nhường nào", ông Brown nhận định.
Trong khi đó, chuyên gia Heilicher cảnh báo về nguy cơ bất ổn lâu dài mà cuộc chiến tranh có thể gây ra. "Điều nguy hiểm là cuộc chiến Israel - Iran tạo cơ hội cho các tổ chức Hồi giáo cực đoan trỗi dậy. IS sinh ra từ tro tàn của nội chiến tại Syria. Vì thế, chúng ta có lý do để lo ngại thêm nhiều IS nữa sẽ xuất hiện trong tương lai", bà Heilicher nhận định.
Mặc dù tỏ ra bi quan về viễn cảnh cuộc chiến tranh trực diện Israel - Iran, các chuyên gia đều nhận định tình hình hiện tại chưa đủ để các bên đẩy cuộc xung đột đi quá xa mức có thể cứu vãn.
"Chiến tranh không thể giải quyết rốt ráo vấn đề mà Israel phải đối mặt. Israel không có cách nào đảm bảo loại bỏ hoàn toàn các chân rết của Iran tại Syria. Điều khả thi nhất là đạt được một thỏa thuận chính trị, theo đó các cơ sở của Iran sẽ phải cách biên giới Israel một khoảng cách đủ xa", ông Shine nói.
Giáo sư Yoram Schweitzer từ Đại học Tel Aviv cho rằng cuộc chiến tranh với Iran sẽ khiến đối đầu giữa nhà nước Do Thái với các láng giềng Arab trở nên ngày càng gay gắt. "Hezbollah từ Lebanon sẽ nhanh chóng tham chiến cùng Iran. Hamas cũng sẽ nhân cơ hội thổi bùng ngọn lửa giận dữ tại Gaza".
Ở bên kia chiến tuyến, tình thế của Iran không cho phép chính quyền Tổng thống Rouhani bước vào cuộc chiến tranh tổng lực với Israel. Ngoại tệ Iran thu được nhờ việc làm ăn với nước ngoài sau khi ký thỏa thuận hạt nhân với nhóm P5+1 sẽ sớm cạn kiệt. Nền kinh tế trì trệ của Iran vốn đang chao đảo bởi thất nghiệp cao kỷ lục không thể kham nổi phí tổn do cuộc chiến với Israel gây ra, đặc biệt trong bối cảnh Iran cũng đang tài trợ cho phiến quân Houthi ở Yemen.
"Đó sẽ là màn tự sát chính trị với Rouhani. Muốn đánh nhau, người ta phải có tiền, nhưng ai có thể nhiều tiền hơn người Do Thái? Dân số Iran có thể lớn gấp 10 lần Israel nhưng ngân sách quốc phòng thì chưa bằng một nửa", ông Sachs đánh giá.
Mặc dù vậy, xung đột lợi ích giữa Iran và Israel vẫn còn đó, gay gắt hơn bao giờ hết. Cả hai chưa cho thấy dấu hiệu nhượng bộ, dường như vẫn muốn thử thách giới hạn và sự kiên nhẫn của đối phương.
Hôm 9/5, Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã dành 9 giờ đồng hồ làm việc cùng Tổng thống Nga Vladimir Putin. Không rõ hai nhà lãnh đạo thảo luận những gì, nhưng sau đó Nga đã không phản đối cuộc không kích của Israel vào các vị trí của Iran ở Syria. Theo New York Times, Moscow cũng hoãn kế hoạch chuyển giao một số hệ thống vũ khí tối tân cho chính quyền Syria.
"Phản ứng nhẹ nhàng hơn mức thông thường của Nga tiếp thêm tự tin cho hành động của Israel. Điều này có nguy cơ thúc đẩy Tel Aviv mạnh tay hơn trong các chiến dịch quân sự tại Syria", ông Ofer Zalzberg, chuyên gia từ Viện nghiên cứu chính sách ICG, Mỹ, nhận định.
Mùa hè tại miền Nam Syria năm nay sẽ nóng bỏng, không chỉ bởi sự khắc nghiệt của khí hậu sa mạc, mà còn bởi cuộc đối đầu chưa có hồi kết giữa Iran và Israel. "Những tính toán sai lầm có thể biến các cuộc tấn công xuyên biên giới giữa hai bên leo thang thành chiến tranh toàn diện và đẩy cả khu vực vào tương lai bất định", John Duchak, chuyên gia Trung Đông từ cơ quan tư vấn chính sách Atlantic Council, Mỹ, cảnh báo.