Những người nhập cư bị kỳ thị trong 'khu ổ chuột' ở Đan Mạch
Thứ tư, 30/5/2018 19:11 (GMT+7)
19:11 30/5/2018
Tại những khu bị chính phủ coi là "ổ chuột" ở Đan Mạch, nhiều cư dân nhập cư cảm thấy họ bị phân biệt đối xử và tách biệt khỏi xã hội.
Đan Mạch không chỉ là đất nước của truyện cổ tích Andersen mà còn là quốc gia duy nhất chính thức phân loại một số khu dân cư là “ổ chuột”, qua các tiêu chí như có hơn nửa cư dân không đến từ các nước phương Tây hoặc có tỷ lệ thất nghiệp trên 40%.
Ông El-Chahabi, gốc Palestine, hiện là người điều phối thanh niên tại Mjolnerparken cảm thấy sự phân loại của chính phủ khiến dư luận có cái nhìn không chính xác về họ. “Khi các nhà báo đến đây, tôi muốn nói về những điều tốt đẹp. Nhưng họ không quan tâm và chỉ muốn biết về các băng đảng hoặc những mâu thuẫn. Điều này khiến tôi cảm thấy rất buồn”, ông El-Chahabi chia sẻ.
Việc có đông dân nhập cư sinh sống không biến một khu phố trở nên nguy hiểm. Batul và Jenan luôn cảm thấy vui vẻ và an toàn khi dạo chơi tại công viên trong Mimersparken vào mỗi buổi chiều. “Ở đây chỉ có một số thành phần nổi loạn, các cư dân còn lại đều là những người tử tế và hòa nhã. Thật đáng tiếc khi một số người đã làm hỏng mọi thứ cho chúng tôi”, ông Salim El-Chahabi nói.
Những khó khăn mà Zaynab (ngồi giữa) và các bạn cô phải đối mặt không đến từ khía cạnh vật chất trong cuộc sống mà đến từ ánh mắt kỳ thị của những người xung quanh. Đảng Nhân dân Đan Mạch, được biết đến với chủ trương chống đối người nhập cư, đã trở thành đảng lớn thứ hai trong quốc hội sau cuộc bầu cử vào năm 2015.
Sau các vụ xả súng hàng loạt và khủng bố tại thủ đô Copenhagen, cảnh sát liên tục đi tuần tại những khu vực có đông dân nhập cư sinh sống. Tháng 3/2015, Thủ tướng Lars Lokke Rasmussen thuộc đảng Dân chủ thông báo kế hoạch loại bỏ các "khu ổ chuột" và hợp nhất người nhập cư vào cộng đồng Đan Mạch vào năm 2030.
Kế hoạch loại bỏ những khu phố "hỗn loạn" đã nhận được phản hồi trái chiều từ cư dân khu Mjolnerparken tại trung tâm thủ đô Copenhagen. Một số cho rằng các biện pháp trên sẽ góp phần cải thiện cộng đồng bằng cách giảm thiểu tội phạm và thúc đẩy các cơ hội việc làm. Số khác lại lo sợ chúng sẽ dẫn tới sự gia tăng trong phân biệt đối xử đối với người nhập cư hoặc dân tị nạn. Thực chất, những khu vực như Mjolnerparken tương đối văn minh với lớp học zumba và những tòa nhà được thiết kế riêng cho người cao tuổi.
Trẻ em đến từ các quốc gia không phải phương Tây cũng bị ảnh hưởng bởi sự phân biệt đến từ chính phủ. “Sự mô tả của quan chức khiến những đứa trẻ tự bó buộc mình vào cuộc sống tội phạm và đồng tiền bất hợp pháp”, Khosrow Bayet, trưởng câu lạc bộ Sjakket dành cho trẻ em cho biết.
Theo sự diễn tả của chính phủ Đan Mạch về "khu ổ chuột", nhiều người sẽ tưởng tượng ra một khu dân cư với những ngôi nhà lụp xụp, bẩn thỉu, và là ổ chứa của các tệ nạn xã hội. Tuy nhiên, niềm vui trên những gương mặt của nhóm phụ nữ trẻ gốc Somalia khi đang chơi thể thao đã chứng minh họ đang sinh sống trong một môi trường trong lành và sạch đẹp. Chính sự kỳ thị dành cho người nhập cư đã khiến một bộ phận trong chính phủ có cái nhìn không đúng về những khu phố của họ.
“Tôi từng phải đến gặp bác sĩ để trị chứng đau lưng. Bác sĩ liền hỏi tôi có bị chồng đánh không. Tôi lập tức trả lời 'Không!'”, bà mẹ 2 con Umm-Meyounah nói. Tuy cô là người Đan Mạch, chồng của Umm-Meyounnah là một người nhập cư đến từ Trung Đông. “Đây là những vấn đề tôi phải liên tục đối mặt. Bạn dành tất cả thời gian chỉ để giải thích với mọi người rằng bạn không bị ai đánh và không phải là kẻ khủng bố”, cô nói.
Bức ảnh của Ivanka, con gái Tổng thống Trump, làm nhiều người phẫn nộ trong lúc cha cô siết chặt chính sách đối với người nhập cư, tách trẻ em khỏi gia đình vượt biên trái phép.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ghi nhận hành động anh hùng của Mamoudou Gassama và sẽ xúc tiến quá trình cấp quốc tịch Pháp cho chàng trai người nhập cư gốc Mali.