25 năm sau bình thường hóa quan hệ Việt Mỹ, có thể thấy rõ bước tiến tích cực trong quan hệ song phương, theo giáo sư Carl Thayer của Học viện Quốc phòng Australia. Hai nước từ kẻ thù trong chiến tranh đến quan hệ đối tác vì an ninh khu vực và toàn cầu.
Hai bên đã giải quyết các vấn đề tìm kiếm người Mỹ mất tích trong chiến tranh (MIA) và khắc phục vấn đề chất độc da cam/Dioxin. Hiệp định thương mại song phương cũng được ký kết và Mỹ đã dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí. Các quan chức cấp cao hai bên cũng có những chuyến thăm qua lại.
Tuy nhiên, theo ông Thayer, không có thành tựu nào quan trọng bằng việc thiết lập quan hệ đối tác toàn diện. Thỏa thuận này bao gồm chín lĩnh vực hợp tác và bộ trưởng Ngoại giao hai bên họp thường niên để xem xét tiến độ, đặt ra các mục tiêu mới trong quan hệ hai nước.
Việt Nam là đối tác ưu tiên cao của Mỹ
Một điểm đáng chú ý là tất cả các chính sách quốc phòng và an ninh lớn được chính quyền Tổng thống Donald Trump thông qua đều xác định Việt Nam là đối tác có tầm chiến lược ưu tiên cao ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Các tài liệu này bao gồm Chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ (NSS), Chiến lược quốc phòng của Mỹ (NDS) và Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPSR).
Tàu sân bay USS Carl Vinson neo đậu trong vịnh Đà Nẵng hôm 5/3/2018 trong chuyến thăm Việt Nam. Ảnh: Hải An. |
Những điều này cho Mỹ cơ hội hỗ trợ Việt Nam trong các lĩnh vực cụ thể để nâng cao nhận thức và năng lực trên biển, đóng góp cho an ninh hàng hải.
Bên cạnh đó, cả Việt Nam và Mỹ đều có chung quan điểm về luật quốc tế. Hai nước đều bác bỏ cơ sở yêu sách quyền lịch sử và yêu sách phi lý với các thực thể khác trên Biển Đông.
Đại dịch là cơ hội cho quan hệ
Covid-19 đã khiến Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt Mỹ - ASEAN tại Las Vegas bị hủy bỏ. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã cho Việt Nam cơ hội cung cấp 450.000 bộ quần áo bảo hộ TYVEK cho Mỹ. Đơn đặt hàng thứ hai cũng đang trên đường tới Mỹ. Điều này được Tổng thống Donald Trump nhắc đến trong một bài đăng cám ơn trên Twitter.
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng ngày 31/5/2017. Ảnh: Chính phủ Việt Nam. |
Một mặt, Mỹ sẽ bận rộn trong một năm hoặc hơn nữa để cố gắng kiểm soát đại dịch. Điều này có nghĩa là nền kinh tế Mỹ sẽ bị chậm trễ trong việc trở lại đúng hướng. Phục hồi kinh tế sẽ là ưu tiên của tổng thống Mỹ tiếp theo.
Ông Trump sẽ tập trung vào các quốc gia có thặng dư thương mại với Mỹ và điều này sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam. Còn ông Biden thì đang xúc tiến một kế hoạch yêu cầu tất cả cơ quan chính phủ phải “mua sản phẩm của Mỹ trước”.
Giáo sư Carlyle Alan Thayer cho rằng quan hệ Việt - Mỹ sẽ đạt được các bước tiến mới trong tương lai. Ảnh: Diplomat. |
Mặt khác, bất kể ai là tổng thống Mỹ, Việt Nam sẽ tiếp tục được cả ông Trump và ông Biden xem là đối tác chiến lược có giá trị ở Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Ông Thayer dự đoán Mỹ và Việt Nam sẽ nối lại các cuộc thảo luận và cuối cùng đạt được thỏa thuận về quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2021.
Đó là thời điểm hai bên có cơ hội giải quyết các vấn đề chính sách đối ngoại, thúc đẩy quan hệ song phương lên một tầm cao mới. Hai bên sẽ hợp tác nhiều hơn để vực dậy nền kinh tế và giữ cho Biển Đông hòa bình và ổn định.
Nhưng trước tiên, ông Thayer lưu ý, hai bên phải giải quyết một số vấn đề tồn đọng như Mỹ áp thuế lên tôm, cá da trơn, nhôm và thép của Việt Nam và vấn đề cán cân thương mại song phương.