Cách đây 2,5 triệu năm, một thứ được gọi là thiên thạch cách chúng ta một trăm triệu dặm, có đường kính khoảng một dặm rưỡi, nặng 10 tỷ tấn, bay với vận tốc của âm thanh, đã rạch ngang bầu khí quyển, lao vào Trái Đất tạo thành lỗ sâu 3 dặm và rộng 20 dặm.
Đó là vụ va chạm Manson lớn nhất từng xảy ra trên lục địa. Một vụ va chạm như thế cứ trung bình xảy ra 1 triệu năm một lần.
Nhưng thay vì thế, chúng ta lại rơi vào bẫy-lo-lắng khi đứng trước vô vàn những chuyện khác trong đời sống này. Ảnh: Intagram. |
Những thảm họa như thế có thể xảy ra bất thình lình ngay trên bầu trời tươi sáng này vào bất cứ thời điểm nào, không dự báo trước và cũng chẳng có sự chuẩn bị nào đủ kịp thời.
Có lẽ nhiều người trong chúng ta đọc được đâu đó trong một cuốn sách những điều này. Một số ít người còn biết nhiều hơn thế về những nguy cơ như thế này. Chúng ta đang sống trên một hành tinh, ở đó nguy hiểm rình rập mỗi phút mỗi giây.
Chẳng có chuyện thiên thạch, sao chổi hay mấy tiểu hành tinh thích đi lạc kia thì mỗi ngày bước ra đường, chúng ta cũng chịu đủ nguy cơ rồi.
May mắn làm sao, đa phần trong chúng ta đủ khôn ngoan để “bơ đi mà sống”. Tất nhiên không dại gì ngồi lo lắng đến mức điên loạn chuyện bất thình lình một thiên thạch nào đó từ vũ trụ đâm sầm vào chúng ta.
Nhưng thay vì thế, chúng ta lại rơi vào bẫy-lo-lắng khi đứng trước vô vàn những chuyện khác trong đời sống này. Xét về bản chất thì những chuyện đó cũng chẳng khác gì chuyện thiên thạch. Nghĩa là hoàn toàn không lường trước được, bất thình lình, hoặc dù gì cũng xảy ra rồi, có lo lắng cũng vậy thôi.
Cũng không khó để nhận ra những biểu hiện của sự lo lắng, bồn chồn ấy. Nhưng lạ kì thay, chẳng mấy ai trong chúng ta nhận ra nguyên nhân thực sự đằng sau chúng.
Đáng nhẽ vào lúc làm việc A, chúng ta chỉ chú mục vào việc A thôi, giờ làm việc B thì hãy nghĩ việc B… Thế nhưng, lúc làm việc A thì ta nghĩ việc B, lúc làm việc B lại nghĩ việc C…
Đó là lý do vì sao chúng ta luôn cảm thấy mình vừa bận rộn tối mặt tối mũi, lại vừa trật nhịp với đời sống. Chúng ta trượt trên bề mặt của các sự kiện, trôi trên dòng thời gian tưởng tượng và thường xuyên cảm thấy mình không ăn nhập với bất kì ai, bất kì việc gì. Chúng ta tô vẽ điều đó thành nỗi cô đơn, đổ lỗi cho việc mình không thể may mắn tìm được một việc làm phù hợp với bản thân.
“Cách để vượt qua sự lo âu về những điều không dễ chịu là đi xuyên qua nó”. Ảnh: Pinterest. |
Thực ra, chúng ta nên thành thật hơn, bởi ta đâu có chú tâm vào việc mình đang làm. Cứ mải lo lắng những chuyện ngày mai, ngày kia, thậm chí cho nhiều chục năm sau nữa… Đầu óc chúng ta gần như luôn là một thứ tạp phế lù những lo lắng. Chúng ta tưởng vậy là rất bình thường chỉ bởi chúng ta chưa đến lúc phát điên.
Một người bạn của tôi, mỗi khi bắt đầu làm việc gì đều lo lắng rằng liệu chuyện có đạt được thành tựu hay không. Cô cũng thường xuyên rơi vào trạng thái hoài nghi bản thân: Nếu đã bỏ công sức, tiền bạc mà không làm được thì sao?
Bởi cứ thường xuyên “nếu” như thế, nên cho đến giờ cô vẫn sống nhờ nhạt qua ngày đoạn tháng và không thực sự dám nỗ lực hết mình vì một điều gì. Kết quả là lo lắng mỗi ngày một đầy lên, thành tựu lại chẳng thấy đâu.
Tôi thường xuyên tự nhủ: Có những điều dù thế nào cũng phải xắn tay làm ngay lúc này, kể cả là giải quyết một sự không may, một điều xui xẻo đã xảy đến. Dù chúng ta có sai lầm và lỡ gây ra hậu quả gì thì cũng chẳng còn cách nào khác là tìm cách giải quyết chúng, thay vì ngồi một chỗ và tự trách cứ bản thân.
“Cách để vượt qua sự lo âu về những điều không dễ chịu là đi xuyên qua nó”, Daniel Rutley - một nhà tâm lí trị liệu - đã nói như vậy.
Bởi thế, ngay lúc này, nếu bụng bạn đang sôi réo, thì chẳng còn việc gì quan trọng đáng làm hơn là ngay lập tức đi nấu một bữa cơm. Giải quyết cái bụng đói trước đã, dù sao thiên thạch cũng chưa lao vào Trái Đất lúc này.