Viết bài về Duras, lại nhớ đến Hiroshima mon Amour, bộ phim mà Duras là người chấp bút phần kịch bản, một bộ phim khiến tôi sửng sốt. Sửng sốt bởi nó khiến tôi yêu rất nhiều điều mà tôi chưa từng biết, về thành phố Hiroshima, và về nỗi quyến luyến không thể nào lý giải nổi giữa con người với con người.
Sách Hiroshima mon amour. Ảnh: Carousel. |
Hiroshima mon amour nổi bật lên với một vẻ buồn bã, đau đớn nhưng lại đẹp đến mức khiến người ta bã bời, thê thiết, câm lặng. Nó đúng với cái kiểu u hoài của phương Đông, của nắng, của gió, của cát, của những lặng lẽ nhưng mãnh liệt.
Nở hoa trên những mất mát ấy chính là tình yêu đầy mê hoặc của anh và em. Em là người phụ nữ Pháp đã trải qua tuổi dại với một mối tình đã mất, đầy cuồng sĩ, vì dang dở, chia lìa, vì chết chóc.
Mối tình bền chặt vì vĩnh viễn bí mật suốt 14 năm. Anh là người đã sống một phần tuổi trẻ của mình giữa làn bom đạn, giữa lằn ranh mỏng mảnh của sự sống và cái chết. Họ đã gặp gỡ nhau, cuốn hút vào nhau bằng lý lẽ tự nhiên nhất của xúc cảm.
Khi người đàn ông Hiroshima xa lạ bước vào, bí mật tình yêu xưa đã bị phá vỡ khi em cất lời, đó là khoảnh khắc em mở cánh cửa ngục tù đã giam cầm tâm trí em để một người khác bước vào, bí mật ấy chính là cách khiến em loãng tan ra trong nỗi nhớ - giữ em giữa ngột ngạt hiện thực ấy – chàng biến vào hư ảo. Chàng đã cách em trong không gian đất trời, và trong đằng đẵng mười bốn năm.
Hình ảnh trong phim Hiroshima mon amour, Marguerite Duras sáng tác phần kịch bản. Ảnh: Chụp từ phim. |
Trí nhớ của em đã không thể ghi nhớ mãnh liệt rõ ràng những hình ảnh của chàng, nhưng cảm giác khi ấy, cứ sống động nguyên vẹn ở đây.
Hành trình của con người khi đến với nhau chính là một hành trình xâm nhập, tìm hiểu và xây dựng. Trong một cuộc gặp gỡ đầu tiên, người ta tìm cách thâm nhập vào nhau bằng ngôn ngữ, nhưng họ bước vào trong nhau, chạm vào nhau bằng những lặng im.
Lặng im đắm chìm vào tâm trí của nhau, với kí ức, mê đắm, mất mát và thơ mộng.
Cặp tình nhân không có tên. Họ gọi nhau bằng nơi mà họ đã thuộc về. Rồi em sẽ nhớ mãi về Hiroshima, vì ở nơi đây có một tình yêu, một người đàn ông xa lạ mà cô ấy đã dốc hết lòng mình để giãi bày cho anh.
Thành phố. Thành phố vốn chỉ sống động khi nó gắn bền với con người, với những hoạt động của con người, với tình yêu, nỗi đau, chia lìa, hạnh phúc…
Cũng giống như người đàn ông Nhật Bản, người chưa từng biết đến Nerve nhưng sẽ luôn ghi nhớ về mảnh đất ấy, bởi nó có vết dấu để anh tìm kiếm người anh yêu. Ấy là sợi dây gắn kết. Tình yêu rồi cũng biến thành kí ức, được chôn chặt trong hầm mộ của kí ức. Và khi nó vẫn là bí mật của hai người, nó vẫn sẽ là nỗi nhớ mãnh liệt.
Sự chia cách, sự dang dở chính là điều khiến mọi thứ chảy trôi trong giấc mộng mà con người chỉ muốn nằm yên trong đó.
Nhà văn Marguerite Duras. Ảnh: Imdb. |
Trong phim Hiroshima mon amour, nàng thơ Emmanuelle Riva thật giống hình dung của tôi về Duras. Bí mật của nàng quyến rũ tôi ngay khi tôi nhìn thấy nàng. Nàng có cái bản năng mãnh liệt đã khiến lý trí cũng trở nên bất động. Đôi mắt nàng vừa u tối, vừa rạng ngời. Tôi thấy khuôn mặt Duras ở đó, khuôn mặt ngưng đọng trong từng chút đẹp đẽ của bộ phim.
Những khung hình của Alain đã được Duras thấu hiểu. Họ thâm nhập vào nhau, từng ngõ ngách để viết nên cùng nhau một thiên sử ái tình đau đớn nhưng đẹp, quá đỗi đẹp. Họ là một sự khít trùng vô cùng tinh tế và bền chặt (trong sự mong manh của cảm giác). Chữ nghĩa và ảnh hình hòa vào trong nhau, khơi gợi nên những vùng ái tình mênh mang trong tâm tư con người.
Duras luôn ngập đầy những hoài niệm về kí ức đau buồn, về sự chia lìa, nhưng tưởng như, cái dang dở ấy khiến người ta nhớ nhau hơn. Ấy cũng là cái khắc khoải mãi, tình tứ mãi trên những trang viết của Duras. Những cử động nhỏ, những khuôn hình đọng lại như thơ ảnh.
Câu chuyện thuần khiết đẹp đã tạo nên một bộ phim đẹp thuần khiết. Cái đẹp khiến tôi run rẩy trong từng khoảnh khắc.