“Tôi không biết nói gì hơn. Việt Nam quá đẹp. Chắc chắn trong năm nay, tôi sẽ đến Hà Giang để trải nghiệm cảm giác đón Tết cổ truyền Việt Nam như Amanda”, Emily (26 tuổi, sống tại Virginia, Mỹ) để lại bình luận sau khi xem A Tourist's Guide to Love.
Giống như Emily, hàng triệu người thích xê dịch trên thế giới đã phát hiện ra những cảnh sắc tuyệt đẹp ở đất nước châu Á thông qua tác phẩm của đạo diễn Steven Tsuchida.
Trước Steven Tsuchida, không ít nhà làm phim Âu Mỹ đến Việt Nam để khai thác các bối cảnh. Khán giả từng có dịp chiêm ngưỡng danh thắng Tràng An (Ninh Bình), đèo Đá Đẽo (Quảng Bình) trong Kong: Skull Island hay Hang Én (Quảng Bình), Vịnh Hạ Long trong Pan. Thế nhưng, chỉ đến A Tourist's Guide to Love, cảnh sắc Việt mới được trải dài trọn vẹn trong gần 100 phút trên màn ảnh.
Trong khi Việt Nam đã lọt vào tầm ngắm của nhiều đạo diễn Hollywood nhiều năm qua, các nhà làm phim nội địa vẫn chưa khai thác hết được tiềm năng, vẻ đẹp của cảnh sắc ngay trên chính quê hương mình.
Không quay ở Việt Nam, "A Tourist's Guide to Love" dễ chìm trong hạn chế kịch bản
8 năm trước, trong một cuộc hội thảo về sản xuất phim tại Hà Nội, ông Jon Kuyper, Giám đốc sản xuất của Mad Max: Fury Road chia sẻ: “Việt Nam đã được các nhà làm phim Hollywood để ý từ lâu. Đất nước các bạn có rất nhiều phong cảnh đẹp. Con đường ngắn nhất để phát triển du lịch chính là phim ảnh. Tôi khuyên các bạn, hãy đưa những phong cảnh tuyệt đẹp và văn hóa của đất nước mình lên phim”.
Đúng như dự đoán của ông Jon Kuyper, ngày càng nhiều nhà làm phim Mỹ tìm đến Việt Nam như một điểm lý tưởng để thực hiện các cảnh quay. Từ Pan (2015), Kong: Skull Island (2017), Rumbo a Vietnam ( 2017); Da 5 Bloods (2020), The Protégé (2021), gần nhất là Taxi Driver 2, A Tourist's Guide to Love (2023).
Không gian, văn hóa Việt hiện lên thật đẹp trong phim của Hollywood. Ảnh: Netflix. |
Đến A Tourist's Guide to Love, bối cảnh quay tại Việt Nam thực sự đã giải cứu cho kịch bản nhiều sạn cũng như khỏa lấp những hạn chế về diễn xuất của dàn diễn viên chính trong phim.
Qua lăng kính của đạo diễn Steven Tsuchida, nhiều danh thắng ở TP.HCM, Hội An, Đà Nẵng, Hà Giang, Hà Nội hiện lên nên thơ, mượt mà. Không dừng lại ở đó, những nét đẹp trong văn hóa truyền thống của Việt Nam như đón Tết cổ truyền, diện áo dài, gói bánh chưng, thắp hương, múa lân, múa rối nước… được nhà làm phim đan cài xuyên suốt trong tác phẩm mang lại những xúc cảm khó quên đối với người xem. Dù khán giả Việt có thể bắt lỗi do một số chi tiết hơi gượng, xong với khán giả quốc tế, vốn chưa biết nhiều về Việt Nam, những nét đẹp trong phim thu hút họ.
Trong bài viết đăng tải trên SCMP, nhà phê bình phim James Marsh cho rằng nếu không quay ở Việt Nam mà thực hiện tại quốc gia khác, tác phẩm có lẽ sẽ chìm nghỉm trong hàng loạt bộ phim hấp dẫn về đề tài du lịch khác.
“Từ sự nhộn nhịp của TP.HCM đến những bãi biển ngập nắng của Đà Nẵng hay con đường dài được thắp sáng bằng đèn lồng ở phố cổ Hội An, bộ phim như một bức tranh hoàn hảo về Việt Nam. Hàng triệu người trên thế giới có dịp chiêm ngưỡng vẻ đẹp say đắm lòng người của đất nước này nhờ sự lồng ghép câu chuyện tình lãng mạn và những nét truyền thống lâu đời tại đây”, James Marsh bình luận.
Việc A Tourist's Guide to Love nhiều ngày liên tiếp đứng top 1 tác phẩm được xem nhiều nhất trên thế giới cùng những hiệu ứng tích cực mà bộ phim để lại cũng là mong muốn của biên kịch Eirene Tran Donohue.
Kong: Skull Island quay nhiều bối cảnh tại Việt Nam. Ảnh: Warner Bros. |
Trước đó, tại buổi họp báo ra mắt bộ phim tại Việt Nam, biên kịch Eirene Tran Donohue của A Tourist’s Guide To Love cho hay đối với bà, Việt Nam là mảnh đất của tình yêu, niềm vui cùng nhiều vẻ đẹp mà bà cùng ê-kíp muốn chia sẻ với người dân ở nhiều quốc gia trên toàn thế giới.
Theo Eirene Tran Donohue, trước đây, các bộ phim Hollywood khi nhắc tới Việt Nam thường đề cập đến chiến tranh. Tuy nhiên, nữ biên kịch cho rằng Việt Nam có nhiều cảnh đẹp, ẩm thực phong phú cần được lan tỏa rộng rãi hơn nữa, thông qua phim ảnh, âm nhạc.
“Điều khiến cho câu chuyện của hai nhân vật trở nên đặc biệt chính là sự phát triển trên chuyến hành trình xuyên suốt Việt Nam. Như khi ở TP.HCM, các nhân vật luôn đi trên vỉa hè, mang theo sách hướng dẫn du lịch, làm một danh sách cho riêng mình. Sau đó họ lại đến một vùng đồng quê để ăn Tết và thấy được những điều chưa từng thấy trước đây", bà chia sẻ.
Eirene Tran Donohue hy vọng thông qua tác phẩm, nhiều du khách từ mọi nơi sẽ được truyền cảm hứng đến Việt Nam để trải nghiệm cảnh sắc, văn hóa, thưởng thức các món ăn địa phương.
Việt Nam đẹp trong phim Hollywood nhưng trong phim Việt vẫn chưa tỏa sáng
Những năm qua, một số nhà làm phim trong nước cũng cố gắng trong việc khai thác các danh thắng Việt để đưa lên màn ảnh rộng. Khán giả yêu phim chắc chưa quên được cảnh đẹp Tây Bắc với núi non hùng vĩ, cánh đồng hoa tam giác mạch, hoa cải vàng bát ngát trong Chuyện của Pao (2006); khung cảnh Phú Yên đẹp lung linh trong những thước phim của Victor Vũ với Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (2015); trường Quốc học Huế, đồi sim tím thơ mộng, cây cô đơn tại Huế trong phim Mắt biếc (2019); con đèo Thẩm Mã (Hà Giang), Tràng An trong 578 của Lương Đình Dũng, gần nhất là khung cảnh làng chiếu cổ Định Yên (Đồng Tháp) trong Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh của Lý Hải.
Song số lượng những bộ phim tạo ra dấu ấn rõ rệt, thỏa mãn khán giả yêu phim, mê du lịch, chỉ đếm trên đầu ngón tay. Các cảnh đẹp không được xem như “nhân vật chính” trong phim mà chỉ dừng lại ở bối cảnh, để phát triển đường dây câu chuyện tác phẩm. Đáng chú ý, một số tác phẩm điện ảnh khai thác về đề tài du lịch Việt lại đi vào lối mòn hoặc không tạo được hiệu ứng truyền thông.
Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh của Victor Vũ đưa cảnh đẹp Phú Yên đến gần với công chúng. Ảnh: ĐPCC. |
Không thiếu những bộ phim khai thác đề tài lịch sử, văn hóa nhưng bối cảnh thiếu đầu tư, tìm hiểu khiến cho tác phẩm trở nên lệch lạc, bị khán giả quay lưng. Đơn cử, bộ phim Huyền sử vua Đinh của Anthony Võ phát hành vào cuối năm 2022 từng nhận nhiều chỉ trích khi bối cảnh lọt các chi tiết hiện đại như cột điện, bóng đèn, căn nhà cấp 4 thời mới, không phù hợp với thời đại, lịch sử.
Trao đổi với Zing, đạo diễn Võ Thanh Hòa cho hay nhà làm phim chính là người làm văn hóa. Nếu bộ phim làm tốt việc khai thác danh thắng của đất nước sẽ có ý nghĩa lớn trong việc kích cầu du lịch cũng như quảng bá văn hóa nước nhà đến toàn cầu.
Vì thế, hơn ai hết, nhiều đạo diễn Việt mong muốn đưa cảnh đẹp quê nhà vào điện ảnh thay vì dàn dựng cảnh giả tại phim trường. Tuy nhiên để có những thước phim, cảnh quay đẹp đòi hỏi nhà làm phim phải chấp nhận và đánh đổi nhiều thứ, về tài chính, nguồn lực, đầu tư kịch bản cùng sự nỗ lực, hết mình của ê-kíp, diễn viên.
Theo nam đạo diễn, khó khăn lớn nhất phải kể đến là nguồn tài chính khi quyết định chọn bối cảnh phim là những địa điểm đẹp nhưng xa trung tâm. Anh viện dẫn từ trường hợp của Siêu lừa gặp siêu lầy, ban đầu, ê-kíp tính chọn quay ở Vũng Tàu. Nhưng sau đó, để có những thước phim đẹp nhất, anh và đoàn phim đã quyết định đổi sang Phú Quốc, dù chi phí đội lên khoảng 70.000 USD.
“Khi thực hiện các cảnh quay ở tỉnh xa, đoàn phim phải chấp nhận mạo hiểm và chịu chi, tốn kém nhất là chi phí di chuyển cho hàng chục người gồm bộ phận quay, diễn viên, trang điểm, vận chuyển máy móc… Nhưng cảnh đẹp là một chuyện. Quan trọng là nội dung phim phải hài hòa với bối cảnh để phục vụ tổng thể chất lượng của tác phẩm”, đạo diễn Võ Thanh Hòa chia sẻ.
Chung quan điểm, đạo diễn Lương Đình Dũng cho rằng những thập kỷ qua, điện ảnh Hollywood, Trung Quốc, Hàn Quốc hay các nước lân cận như Thái Lan đã làm rất tốt trong việc quảng bá du lịch, văn hóa thông qua điện ảnh. Theo đạo diễn, ở trong nước, cơ quan quản lý Nhà nước, Cục Điện ảnh cần có những chính sách giúp nhà làm phim trong việc xin giấy phép, kết nối với các địa phương, khai thác chất liệu văn hóa bản địa, hỗ trợ truyền thông, quảng bá.
“Tôi nghĩ để thúc đẩy ngành điện ảnh nước nhà và cả du lịch, cần có chính sách tổng thể từ cơ quan Nhà nước. Chúng ta không thể chờ những cú hích ăn may từ một vài tác phẩm điện ảnh. Về phía nhà làm phim, biên kịch nên tăng cường việc khám phá, trải nghiệm để tìm ra những cảnh quan đẹp làm bối cảnh cho phim. Ở khâu marketing, PR, nhất thiết phải đưa cảnh đẹp Việt làm nội dung để truyền thông đến với công chúng”, đạo diễn phim 578 với nhiều cảnh đẹp Việt Nam nhấn mạnh.
Tủ sách Điện ảnh - Truyền hình giới thiệu những cuốn sách hay và mới nhất về nền công nghiệp điện ảnh, công nghệ truyền hình của Việt Nam cũng như thế giới. Ngoài ra, tủ sách còn giới thiệu các tác phẩm đáng đọc về các bộ phim, diễn viên, MC... nổi tiếng ở Việt Nam và thế giới.