Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thấy gì từ việc chủ tịch Samsung tới Việt Nam

Việc xây dựng trung tâm R&D cho thấy doanh nghiệp Hàn Quốc coi trọng thị trường Việt Nam. Năm nay, Hàn Quốc đang là đối tác đầu tư lớn thứ 3 với số vốn 4,1 tỷ USD sau 11 tháng.

Chủ tịch Samsung Electronics Lee Jae-yong lên đường sang Hà Nội vào ngày 21/12. Ảnh: Reuters.

Ngày 21/12, Chủ tịch Samsung Electronics Lee Jae-yong lên đường sang Hà Nội. Ông dự kiến tham dự lễ khánh thành trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) của Samsung tại Việt Nam vào ngày 23/12.

Tập đoàn Hàn Quốc có kế hoạch nâng vốn đầu tư tại Việt Nam lên 20 tỷ USD, tập trung vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn. Thông tin này được ông Han Jong-hee - Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Samsung Electronics - tiết lộ trong buổi tiếp Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ở Seoul hồi đầu tháng 12.

Tính đến nay, tổng số vốn đầu tư tại Việt Nam đã lên tới 18 tỷ USD với xuất khẩu đạt 65,5 tỷ USD trong năm 2021.

Coi trọng thị trường, nhân lực tại Việt Nam

Trung tâm R&D của Samsung tại Việt Nam được khởi công từ tháng 3/2020 ở khu đô thị phía tây Hồ Tây. Với quy mô đầu tư khoảng 220 triệu USD, đây là trung tâm R&D lớn nhất của Samsung tại khu vực Đông Nam Á.

Trung tâm dự kiến thuê khoảng 3.000 nhân sự, tập trung nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo, mạng 5G, dữ liệu lớn, các sản phẩm di động như smartphone và tablet.

"Các trung tâm nghiên cứu của Samsung chủ yếu được đặt ở những quốc gia phát triển. Tuy nhiên, tập đoàn đã quyết định xây dựng Trung tâm R&D tại Hà Nội với quy mô nhân lực lên đến 3.000 người", ông Hong Sun, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Korcham Việt Nam), bình luận trong một cuộc phỏng vấn với Zing.

tan Chu tich Samsung anh 1

Ông Hong Sun - Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam. Ảnh: Việt Linh.

Ngoài Samsung, nhiều công ty Hàn Quốc tại Việt Nam cũng có những trung tâm R&D riêng. Theo ông Hong Sun, điều đó cho thấy doanh nghiệp Hàn Quốc rất coi trọng thị trường, đất nước và nguồn nhân lực của Việt Nam.

"Một phần nguyên nhân là dân số Hàn Quốc khá ít, chúng tôi cần tới lực lượng lao động dồi dào, tài năng và trẻ trung của đất nước các bạn", vị phó chủ tịch hiệp hội chia sẻ.

"Chúng tôi cũng sử dụng 99% lao động Việt Nam. Những người lao động này sẽ không làm việc cho các doanh nghiệp Hàn Quốc mãi. Họ có thể học hỏi, rút kinh nghiệm, sau đó khởi nghiệp và áp dụng những bài học đó cho công ty của riêng mình", ông nói thêm.

Đối tác FDI lớn thứ 3

Theo ông Hong Sun, ở thời điểm hiện tại, Việt Nam là một trong những quốc gia được các nhà đầu tư Hàn Quốc quan tâm nhất. 2 quốc gia có nhiều điểm tương đồng về văn hóa, con người, ẩm thực, nhân sinh quan.

"Nhà đầu tư Hàn Quốc sang Việt Nam sinh sống và làm việc nhưng không có cảm giác sống ở nước ngoài, mà thấy dễ chịu như sống trong nước", ông khẳng định.

tan Chu tich Samsung anh 2

Sản phẩm Galaxy Z Flip4 của Samsung. Ảnh: Quỳnh Danh.

11 tháng năm 2022, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần tại Việt Nam đạt hơn 25,1 tỷ USD, tăng 0,4% so với 10 tháng và 10,3% so với 9 tháng. Trong đó, Hàn Quốc là đối tác đầu tư đứng thứ 3 với số vốn đầu tư đăng ký hơn 4,1 tỷ USD, chiếm 16,4% tổng vốn đầu tư.

Trong số các tập đoàn lớn, Tập đoàn Lotte đã đầu tư tổng cộng gần 5 tỷ USD vào Việt Nam và coi đây là thị trường lớn thứ 3 chỉ sau Hàn Quốc và Nhật Bản. Tập đoàn Hyosung đầu tư 3,5 tỷ USD vào nhiều lĩnh vực như may mặc, cơ sở công nghiệp, tạo việc làm cho 10.000 lao động.

Các trung tâm nghiên cứu của Samsung chủ yếu được đặt ở những quốc gia phát triển. Tuy nhiên, tập đoàn đã quyết định xây dựng Trung tâm R&D tại Hà Nội với quy mô nhân lực lên đến 3.000 người

Ông Hong Sun, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam

Trong cuộc gặp mới đây với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, các tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc như LG, Deawoo, Hyundai Motor và GS E&C cũng cam kết tăng cường đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, ông Kwon Bong Seok - Phó chủ tịch kiêm CEO Tập đoàn LG - bày tỏ mong muốn đưa Việt Nam thành trung tâm sản xuất máy ảnh cho điện thoại của LG trong tương lai.

Nói với Zing, ông Hong Sun tại Korcham Việt Nam cho rằng các doanh nghiệp Hàn Quốc rất quan tâm tới lĩnh vực sản xuất, vốn là nền tảng để phát triển đất nước.

"Những tập đoàn lớn như Samsung, LG đã đầu tư hàng chục tỷ USD cho sản xuất nhằm phục vụ thị trường Việt Nam và xuất khẩu sang nước ngoài. Điều đó tạo lợi ích cho cả hai bên. Chẳng hạn, riêng các công ty phụ trợ cấp 1, cấp 2, cấp 3 của Samsung đã lên đến 1.000 công ty", ông chia sẻ.

"Chúng tôi kỳ vọng Chính phủ Việt Nam sẽ duy trì các chính sách ưu đãi và tạo điều kiện cho doanh nhân nước ngoài đầu tư một cách hiệu quả và toàn diện", ông Hong Sun nói với Zing.

Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...

Lý do chủ tịch Samsung sang Việt Nam

Ông Lee Jae-yong lên đường sang Hà Nội từ ngày 21/12 để tham dự lễ khánh thành trung tâm R&D lớn nhất của công ty tại Đông Nam Á.

Những thách thức của tân Chủ tịch Samsung

Ghế chủ tịch bị bỏ trống hai năm của Samsung đã có chủ. Nhưng ông Lee Jae-yong sẽ phải lèo lái gã khổng lồ công nghệ trong một giai đoạn không dễ dàng.

Giá dầu sẽ vọt tăng vào năm sau?

Chuyên gia quốc tế liệt kê những kịch bản đối với thị trường dầu vào năm sau. Trong đó, giá dầu sẽ vọt tăng nếu nhu cầu tại Trung Quốc bùng nổ.

Thảo My

Bạn có thể quan tâm