Nhu cầu tại Trung Quốc có thể đẩy giá dầu tăng vọt. Ảnh: Reuters. |
Theo CNBC, ông Dan Yergin - Phó chủ tịch S&P Global - tin rằng giá dầu có thể chạm mốc 121 USD/thùng sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại hoàn toàn. Đất nước 1,4 tỷ dân là quốc gia nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới.
Ông dự đoán 3 yếu tố lớn ảnh hưởng tới thị trường. Đó là quyết định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), nhu cầu tại Trung Quốc và phản ứng từ phía Nga đối với việc áp trần giá dầu.
"Chúng tôi tin rằng giá dầu Brent sẽ duy trì quanh ngưỡng 90 USD/thùng vào năm sau, nhưng vẫn cần tính đến các kịch bản khác", ông nhận định.
Nhu cầu tại Trung Quốc sẽ bùng nổ?
"Nhu cầu sẽ bùng nổ khi Trung Quốc hoàn toàn thoát khỏi dịch bệnh", vị chuyên gia nói với CNBC. Theo ông, đó có thể là cú hích lớn và đẩy giá vọt lên 121 USD/thùng, sát với mức cao hồi tháng 3 năm nay sau khi Điện Kremlin phát động cuộc chiến ở Ukraine.
Những căng thẳng về nguồn cung do thiếu hụt đầu tư vào dầu khí khiến giá dễ dàng tăng cao khi cầu đẩy.
Nhu cầu sẽ bùng nổ khi Trung Quốc hoàn toàn thoát khỏi dịch bệnh
Ông Dan Yergin - Phó chủ tịch S&P Global
Trong 3 tuần trở lại đây, chính quyền Trung Quốc đã nới lỏng một số biện pháp chống dịch. Theo dự báo mới nhất của S&P, nhu cầu dầu tại nước này có thể đạt 15,7 triệu thùng/ngày vào năm sau, cao hơn khoảng 700.000 thùng so với năm 2022.
Ở chiều ngược lại, giá dầu Brent chuẩn toàn cầu có thể rớt xuống khoảng 70 USD/thùng trong thời kỳ suy thoái. Những thị trường hàng hóa, bao gồm dầu, chịu sức ép từ quan điểm "diều hâu" của các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới.
Trong cuộc họp chính sách tháng 12, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm, đưa lãi suất quỹ liên bang lên 4,25-4,5%, mức cao nhất trong vòng 15 năm.
Mức tăng này chấm dứt chuỗi 4 lần liên tiếp tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 6, tháng 7, tháng 9 và tháng 11. Nhưng trong cuộc họp báo diễn ra ngay sau cuộc họp, chủ tịch Fed nhấn mạnh "vẫn cần nhiều bằng chứng hơn để tin rằng lạm phát đang trên đà đi xuống bền vững".
Các thành viên FOMC - cơ quan hoạch định chính sách của Fed - dự kiến giữ lãi suất ở mức cao trong năm tới và không giảm lãi suất cho đến năm 2024.
Kịch bản suy thoái
"Rủi ro suy thoái đã tăng lên sau khi Chủ tịch Fed Jerome Powell cảnh báo về 'sự gia tăng liên tục' của lãi suất", ông Edward Moya - chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại hãng tư vấn Oanda (có trụ sở ở Mỹ) - giải thích với Zing.
Theo một khảo sát của CNBC với các triệu phú đầu tư, 60% trong số đó dự đoán nền kinh tế Mỹ sẽ suy yếu vào cuối năm 2023.
Theo dữ liệu mới được S&P Global công bố, PMI (chỉ số quản lý thu mua) theo dõi các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ của Mỹ đã giảm từ 46,4 điểm vào tháng 11 xuống 44,6 điểm trong tháng này.
Đây là tháng thứ 6 liên tiếp chỉ số này trượt về vùng suy giảm, tức dưới 50 điểm.
Giá dầu trồi sụt trong vòng 24 giờ qua. Ảnh: Trading Economics. |
Trên thực tế, lệnh cấm vận của Liên minh châu Âu (EU) đối với dầu được vận chuyển qua đường biển của Nga, và mức giá trần áp lên dầu Nga đều có hiệu lực trong tháng này. Nhưng trái với những lo ngại trước đó, các thay đổi này đến nay vẫn chưa tạo tác động lên giá dầu.
Nhưng vào năm sau, thị trường dầu có thể chịu tác động từ các động thái trả đũa từ phía Moscow. Hôm 19/12, giới chức EU đã thống nhất kích hoạt mức giá trần khí đốt 180 euro (tương đương 191,11 USD) mỗi megawatt giờ.
Tuy nhiên, Ủy ban châu Âu cảnh báo kế hoạch này có thể bị ngừng lại nếu "rủi ro lớn hơn lợi ích".
Theo dữ liệu của Trading Economics, giá dầu Brent (chuẩn toàn cầu) trồi sụt mạnh trong vòng 24 giờ qua. Giá liên tục lên xuống quanh ngưỡng 80 USD/thùng, có thời điểm giảm mạnh về 78,5 USD/thùng.
Mời độc giả đón đọc gợi ý về các cuốn sách kinh tế thế giới tại Tủ sách kinh tế thế giới. Các cuốn sách cung cấp các thông tin hấp dẫn về các doanh nhân, triết lý kinh doanh, quy luật kinh tế, khủng hoảng tài chính, tiêu dùng cá nhân...