Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Thấy gì từ thông điệp cuối cùng của bà Harris trước ngày bầu cử

Trong bài phát biểu quan trọng trước ngày bầu cử 5/11, bà Harris tập trung khắc họa hình ảnh đối lập giữa bản thân và ông Trump: Một người mang đến sự thay đổi và một người ám ảnh quyền lực.

bau cu tong thong my anh 1

Trong bài phát biểu cuối cùng khép lại chiến dịch hôm 29/10, ứng viên đảng Dân chủ Kamala Harris không nói về lý do cử tri cần bầu bà làm tổng thống tiếp theo của nước Mỹ. Trên hết và trước hết, bà nói về tại sao không chọn ông Donald Trump, theo Guardian.

Bài phát biểu quan trọng này của đảng Dân chủ đề cập tới tên ông Trump 34 lần, trong khi tên ông Joe Biden chỉ một lần. Điều này chứng minh rằng ngay cả khi ứng viên đảng Cộng hòa không còn là tổng thống, ông vẫn có sức nặng với người Mỹ.

Dụng ý lựa chọn địa điểm

Một tuần trước ngày bầu cử, bà Harris đã cẩn thận lựa chọn địa điểm cho buổi vận động lần này: Công viên Ellipse nằm ở phía nam Nhà Trắng. Hôm 6/1/2021, ông Donald Trump cũng phát biểu tại địa điểm này, chỉ vài giờ trước khi hàng nghìn người ủng hộ cựu tổng thống xông vào Điện Capitol và ngăn chặn công nhận chiến thắng của ông Biden.

Gần 4 năm sau, một đám đông khác - với ước tính 75.000 người từ chiến dịch của bà Harris - cũng tập trung tại đây. Họ vẫy các biển hiệu "USA" (nước Mỹ) và đeo dây cổ tay phát sáng màu xanh hoặc đỏ. Khán giả hô vang “Kamala! Kamala!” và “Chúng ta sẽ không quay trở lại”. Xung quanh hiện diện đầy những biểu tượng của nền cộng hòa Mỹ, như Đài tưởng niệm Washington, Đài tưởng niệm Jefferson và Nhà Trắng.

Đứng sau lớp kính bảo vệ, bà Harris tiếp tục cảnh báo về việc ông Trump có một danh sách kẻ thù và ý định dùng quân đội Mỹ chống lại những người có lập trường trái ngược. Phó tổng thống khẳng định ông Trump không phải là một ứng viên tổng thống đang suy nghĩ về cách làm cho cuộc sống của người dân tốt đẹp hơn.

“Đây là một cá nhân không ổn định, bị ám ảnh bởi sự trả thù, luôn mang nỗi oán giận và khao khát quyền lực không bị kiểm soát”, bà Harris nói.

bau cu tong thong my anh 2

Bà Harris đưa ra thông điệp cuối cùng trong chiến dịch năm 2024 tại công viên Ellipse. Ảnh: USA Today.

Bà tiếp tục phác thảo về tiểu sử với tư cách là một công tố viên và quan chức thực thi pháp lực đấu tranh cho người dân. Tuy nhiên, bằng cách nào đó, vấn đề lại quay trở lại ứng viên đảng Cộng hòa.

“Trong vòng chưa đầy 90 ngày nữa, hoặc Donald Trump hoặc tôi sẽ vào Phòng Bầu dục”, bà chỉ tay về phía tòa nhà phía sau. “Vào ngày đầu tiên, nếu đắc cử, Donald Trump sẽ bước vào văn phòng đó với một danh sách kẻ thù. Còn tôi, khi đắc cử, tôi sẽ bước vào với một danh sách việc cần làm”.

Thiếu chất "thơ"

Theo Guardian, đây là cách tiếp cận khác xa so với khi bà Harris mới ra mắt, vốn bắt đầu với sự háo hức và vui vẻ cùng việc “phó tướng” Tim Walz khắc họa phe ông Trump bằng cụm từ “kỳ lạ”. Điều này tạo cảm giác như một liều thuốc bổ sảng khoái sau nhiều năm lo lắng và bất an dưới thời Trump. Tại Hội nghị toàn quốc đảng Dân chủ hồi tháng 8, nhiều diễn giả chế giễu ông Trump, thậm chí ông Barack Obama còn chế nhạo sự nam tính của cựu tổng thống.

Kể từ đó, bà Harris bắt đầu có thái độ nghiêm túc hơn về mối đe dọa từ ông Trump. Trong những tuần gần đây, bà còn chấp nhận việc các cựu quan chức gọi ứng viên đảng Cộng hòa là “phát xít” nhằm nhấn mạnh tham vọng của ông, mặc dù bà không sử dụng từ này trong bài phát biểu.

Sự kiện vận động tranh cử hôm 27/10 của ông Trump tại Madison Square Garden ở New York thậm chí còn được so sánh với một buổi mít tinh ủng hộ phát xít diễn ra tại đây vào năm 1939, xoáy sâu thêm lý do để bà Harris cảnh báo về xu hướng độc đoán của ông Trump.

Có một số logic chính trị cho sự lựa chọn này: Bà Harris muốn biến cuộc bầu cử trở thành một cuộc trưng cầu dân ý về ông Trump, khiến cử tri nhận ra ông Trump là người chịu trách nhiệm cho các vấn đề, còn bà là người dẫn tới sự thay đổi.

“Đây là thời điểm bước sang trang mới, để lại xung đột, nỗi sợ hãi, chia rẽ phía sau. Đây là thời điểm cho một thế hệ lãnh đạo mới ở Mỹ”, bà Harris nói.

Cách tiếp cận này giải thích lý do phó tổng thống đang giữ khoảng cách với ông Biden và được cho là đã từ chối lời đề nghị vận động tranh cử chung. Mặc dù sự kiện hôm 29/10 vẫn mang phong cách Biden với những lời cảnh báo nghiêm trọng về ông Trump, bài phát biểu chỉ nhắc tới “dân chủ” - cụm từ tổng thống ưa thích - một lần. Thay vào đó, từ “tự do” được viết trên 3 biểu ngữ màu xanh khổng lồ, cùng với "USA".

bau cu tong thong my anh 3

Biển hiệu USA (nước Mỹ) lấp kín các khán đài. Ảnh: USA Today.

Một số đảng viên Dân chủ cũng vui mừng khi bà Harris đang xa cách với ông Biden trong vấn đề xung đột Dải Gaza. Một khán giả đã hét lên: “Ngừng cung cấp vũ khí cho Israel! Cấm vận vũ khí ngay bây giờ!” và bị đưa ra ngoài. Nhưng bà Harris không đưa ra bất kỳ nhượng bộ hay lời đáp nào cho phong trào hòa bình trong bài phát biểu.

Trong khi ông Biden ca ngợi những thành tích tăng trưởng việc làm và kinh tế, bà Harris lại đưa ra một số cam kết thực tế: Cắt giảm thuế cho người lao động và tầng lớp trung lưu, giá trần cho insulin và hỗ trợ người mua nhà lần đầu.

Tuy đề cập đến những điều quan trọng có thể thu hút cử tri, bà Harris lại thiếu một tầm nhìn vĩ mô, một thông điệp truyền cảm hứng. Thông thường, các chiến dịch tranh cử cần ngôn ngữ bay bổng để khơi dậy cảm xúc cử tri. Tuy nhiên, bài phát biểu của bà Harris thiếu đi chất hùng biện mạnh mẽ này.

Dẫu vậy, phó tổng thống đã đưa ra một hình ảnh đáng nhớ vào cuối bài phát biểu, nhắc lại lịch gần 250 năm trước, khi người Mỹ đấu tranh thoát khỏi ách áp bức và nhiều thế hệ đã bảo vệ nền tự do đó.

“Họ không đấu tranh và hy sinh chỉ để chứng kiến chúng ta từ bỏ các quyền tự do cơ bản của mình, để chứng kiến chúng ta khuất phục trước ý chí của một kẻ bạo chúa nhỏ nhoi khác. Mỹ không phải là phương tiện cho những âm mưu của những như vậy”, bà nói.

Từ nỗi sợ, bà Harris vẽ nên bức tranh hy vọng: “Mỹ là một quốc gia đủ lớn để ôm trọn mọi giấc mơ, đủ mạnh mẽ để chống chịu mọi vết rạn nứt và khó khăn giữa chúng ta, và đủ can đảm để vẽ ra một tương lai đầy hy vọng”.

Doug Emhoff - chồng bà Harris - đã lên sân khấu ôm và hôn vợ khi đám đông reo hò. Vào ngày 5/11 tới, họ sẽ quay trở lại Washington để theo dõi cuộc bầu cử tổng thống sít sao nhất kể từ cuộc đối đầu giữa George W Bush và Al Gore vào năm 2000.

Khoảng cách mong manh chỉ vài nghìn phiếu bầu ở một hoặc hai bang dao động cũng có thể quyết định thông điệp cuối cùng của bà Harris sẽ mang dáng dấp của một chiến lược thông minh hay là một tính toán sai lầm.

Tiết lộ về tổng thống Mỹ

Mục Thế giới xin giới thiệu tủ sách về tổng thống Mỹ, cung cấp cho độc giả thông tin về các đời tổng thống Mỹ cùng những người thân của họ, qua đó cho phép chúng ta có cái nhìn sâu sắc hơn không chỉ vào cuộc đời của những nhà lãnh đạo xứ cờ hoa mà còn là vào nền chính trị Mỹ.

Bà Harris ra thông điệp cuối gần khu vực xảy ra bạo loạn Điện Capitol

Bà Kamala Harris hôm 29/10 đã có buổi vận động tranh cử tại công viên Ellipse, nơi ông Donald Trump phát biểu trước khi xảy ra vụ bạo loạn Điện Capitol ngày 6/1/2021.

Chuyện gì đang xảy ra giữa bà Harris và ông Biden

Các sự kiện chung với một tổng thống không còn được ưa thích được cho là sẽ "chỉ gây tổn hại" cho phó tổng thống vào giai đoạn này của chiến dịch. Nhưng ông Biden không muốn ra rìa.

Phương Linh

Bạn có thể quan tâm