Huấn luyện viên (HLV) Mikel Arteta nói ông rất buồn khi phải đưa ra quyết định tước băng đội trưởng Arsenal của Pierre-Emerick Aubameyang. Chân sút người Gabon vi phạm kỷ luật của "Pháo thủ" khi hội quân trễ sau kỳ nghỉ cuối năm 2021. Đó không phải lần đầu cựu tiền đạo Dortmund khiến HLV Arteta không hài lòng về kỷ luật.
Cuộc khủng hoảng của tấm băng đội trưởng tại Arsenal kéo dài hơn thập niên qua, bắt đầu từ thời điểm trung vệ William Gallas bị tước băng đội trưởng vì gây chia rẽ phòng thay đồ đội bóng vào tháng 11/2008. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến "Pháo thủ" có thành tích thi đấu không tốt. Họ chưa bao giờ tìm được thủ lĩnh xứng tầm.
Aubameyang bị tước băng đội trưởng Arsenal vì vi phạm kỷ luật. Ảnh: Arsenal. |
Vấn đề của Arsenal
Sau Gallas, 8 cầu thủ khác chính thức được trao băng đội trưởng Arsenal. Trong số này, chỉ Thomas Vermaelen, Mikel Arteta hay Per Mertesacker thật sự để lại ấn tượng tốt đẹp với người hâm mộ. Tuy nhiên, cả 3 cầu thủ kể trên đều chỉ nắm vai trò thủ lĩnh ở Arsenal trong thời điểm họ không đá chính nhiều để có thể tạo ra ảnh hưởng lớn lên đội bóng.
Cesc Fabregas, Robin van Persie bị gắn mắc phản bội khi chuyển sang Barcelona hay Man United trong lúc đang là thủ quân Arsenal. Laurent Koscielny mâu thuẫn với HLV Unai Emery và phải rời Arsenal bằng cửa sau.
Granit Xhaka mâu thuẫn với chính cổ động viên Arsenal tại Emirates và từng ném băng đội trưởng với thái độ thiếu tôn trọng. Vấn đề với Arsenal trong thập niên qua là họ không tìm ra người đủ năng lực về mặt chuyên môn lẫn tâm lý để đeo băng đội trưởng.
Koscielny, Vermaelen, Arteta hay Mertesacker là những cầu thủ mẫu mực và được đồng đội tôn trọng, nhưng họ không còn đủ năng lực chuyên môn ở thời điểm được trao băng đội trưởng. Gallas, Fabregas, Van Persie, Xhaka hay Aubameyang có chuyên môn, nhưng không phải mẫu cầu thủ sẵn sàng "sống chết" vì đội bóng.
Bóng đá hiện đại không còn xuất hiện nhiều mẫu đội trưởng kiểu "hầm hố" hay gào thét vào mặt đồng đội như Roy Keane hay Patrick Vieira. Những mẫu đội trưởng như Kevin De Bruyne (Man City), Hugo Lloris (Tottenham), Cesar Azpilicueta (Chelsea), Manuel Neuer (Bayern Munich) đều thiên về thủ lĩnh chuyên môn hơn là gào thét khích lệ đồng đội.
Trong bóng đá ngày nay, thủ quân có thể không cần có cá tính mạnh, nhưng phải đủ giỏi về mặt chuyên môn để là chỗ dựa cho cả đội bóng. Thậm chí, những HLV như Gareth Southgate hay Mikel Arteta không ngại chọn ra nhóm các cầu thủ luân phiên đeo băng đội trưởng đội bóng. Những mẫu đội trưởng kiểu như John Terry, Keane hay Vieira ngày một hiếm.
Ngày còn làm HLV Manchester United, Jose Mourinho từng nói cầu thủ ngày nay "mềm yếu" hơn so với thế hệ đàn anh. Sự lên ngôi của mạng xã hội và truyền thông thay đổi nhiều thứ trong bóng đá. Cá tính của các cầu thủ là một trong những điều đó.
Bản thân Mourinho dù là bậc thầy tâm lý, cũng từng gặp vấn đề trong việc kiểm soát phòng thay đồ Man United. Chỉ 3 tháng trước khi bị MU sa thải, "Người đặc biệt" tước băng đội trưởng của Paul Pogba, điều gây ra nhiều hệ lụy sau đó.
MU chưa tìm ra thủ lĩnh xứng tầm kể từ khi Mourinho tước băng đội trưởng của Pogba năm 2018. Ảnh: Reuters. |
Cái khó của việc thay thủ quân
Kể từ khi Pogba đánh mất tấm băng đội trưởng MU dưới thời Mourinho, "Quỷ đỏ" cũng rơi vào cuộc khủng hoảng thủ lĩnh như Arsenal. Antonio Valencia, Ashley Young là những người thay thế tiền vệ người Pháp để đeo băng đội trưởng MU sau đó.
Cả hai không đeo băng đội trưởng "Quỷ đỏ" lâu vì sự hạn chế về mặt chuyên môn. HLV Ole Gunnar Solskjaer sau đó chọn Harry Maguire làm thủ quân, chỉ hơn nửa năm sau khi cầu thủ cập bến Old Trafford.
Truyền thông Anh tiết lộ nhiều cầu thủ MU không phục quyết định của chiến lược gia người Na Uy. Việc Maguire chơi tệ kể từ đầu mùa khiến nhiều người tin đến lúc MU nên thay đội trưởng.
Tuy nhiên, Paul Ince, người từng có hơn 200 trận chơi cho Man United, tin không HLV nào muốn đột ngột thay đội trưởng CLB. Ngay ở thời điểm Maguire vướng vào lùm xùm đánh nhau ở Hy Lạp tháng 8/2020, anh vẫn tiếp tục là đội trưởng MU.
Ngoại trừ trường hợp Maguire không còn có suất đá chính tại MU, HLV Ralf Rangnick chắc chắn không có lý do gì để tước băng đội trưởng của trung vệ người Anh. Và cũng chưa chắc trong đội hình "Quỷ đỏ" hiện tại, có cầu thủ nào làm tốt vai trò đội trưởng hơn Maguire.
Ở trận thua Wolves 0-1, Ronaldo đeo băng đội trưởng MU khi Maguire vắng mặt. Tuy nhiên, bản thân siêu sao người Ronaldo nhận không ít lời chê vì cử chỉ và thái độ với các đồng đội trong trận.
"Nếu là Rangnick, tôi thà trao băng đội trưởng cho McTominay", Ince nói. "Bởi vì đội trưởng phải là tấm gương mẫu mực cho cả đội. Ronaldo thì sao? Cậu ta hay tỏ thái độ với đồng đội và luôn bực tức ra mặt khi chơi kém".
Thế nhưng, bản thân McTominay cũng bị chỉ trích nhiều vì chơi kém ở tuyến giữa Man United. HLV Rangnick sau đó lý giải ông muốn sự ổn định về tấm băng đội trưởng của "Quỷ đỏ".
"Tôi chọn Ronaldo đeo băng đội trưởng MU (thay Maguire - PV) vì cậu ta là người giàu kinh nghiệm nhất. Nếu không là Ronaldo sẽ là De Gea", chiến lược gia người Đức tiết lộ. "Tôi muốn giới hạn một số lượng nhất định các cầu thủ có thể đeo băng đội trưởng đội bóng".
Phát biểu của Rangnick có lẽ là lời lý giải hợp lý nhất cho việc Maguire vẫn sẽ tiếp tục đeo băng đội trưởng, dù Rio Ferdinand hay nhiều cựu cầu thủ "Quỷ đỏ" khác đã lên tiếng đòi HLV người Đức thay thủ quân MU.
Bản thân HLV Arteta có lẽ cũng không muốn tước băng đội trưởng của Aubameyang nếu chân sút người Gabon không nhiều lần vi phạm kỷ luật. Việc tước băng đội trưởng của cầu thủ vẫn đá chính có thể khiến phòng thay đồ đội bóng gặp nhiều tổn hại.