Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thay đổi cách uống nước để bảo vệ môi trường

Mỗi chiếc cây được cứu sống nhờ tái chế hay tái sử dụng cốc đều sẽ đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Ảnh: Umweltbundesamt.

Phát triển sản phẩm mới thường là một công việc phức tạp, cần đến rất nhiều cuộc thử nghiệm, vô số những bước khởi đầu sai và nhiều giờ làm việc kéo dài để xử lý các chi tiết. Nếu như việc tái sáng tạo chiếc cốc giấy không phải khó khăn đến vậy, thì hẳn là cả McDonald’s và Starbucks đều đã tự tìm ra giải pháp được rồi.

Đối với đội ngũ chúng tôi ở Closed Loop Partners, điều ngạc nhiên lớn nhất mà cuộc thi mang lại là nó cho thấy vấn đề sử dụng cốc giấy quả thực phức tạp ra sao. Cốc giấy phải đáp ứng rất nhiều tiêu chuẩn nghiêm ngặt. Chúng phải chứa được chất lỏng đang ở những mức nhiệt độ rất cao, nhưng đồng thời vẫn phải tạo được sự thoải mái cho người cầm. Nắp đậy phải chắc chắn để tránh rò rỉ nước bên trong.

Kate làm việc với các đối tác đến từ IDEO, Starbucks và McDonald’s để đánh giá tất cả những thách thức về hiệu suất hoạt động và độ an toàn của sản phẩm, còn chúng tôi tham vấn các công ty tái chế về bài toán logistics hóc búa liên quan đến việc thu hồi cốc và khả năng nghiền chúng trở lại thành bột giấy. Nhưng ngay cả khi tất cả những vấn đề trên đều được giải quyết, thì phản ứng của người tiêu dùng đối với các thiết kế này vẫn hoàn toàn là một ẩn số - đây là một thực tế thường gặp đối với các ý tưởng đổi mới sáng tạo.

Hiệp hội NextGen triển khai các cuộc thử nghiệm sản phẩm trên thị trường - ở đây là trong các cửa hàng cà phê xung quanh San Francisco - đối với một số ý tưởng của các công ty ứng viên lọt vào vòng chung kết. Sau khi có được kết quả từ các cuộc thử nghiệm trên, NextGen hiện nay đang bước vào giai đoạn hỗ trợ các thương hiệu ứng dụng các giải pháp tiềm năng và mở rộng quy mô của chúng.

Gần đây, sau hai năm làm đối tác và hợp tác với Hiệp hội NextGen, hai nhà máy sản xuất giấy lớn đã đồng ý chấp nhận cốc giấy tái chế làm nguồn nguyên liệu thô của mình. Thay thế các loại cốc khó tái chế sẽ là một quá trình kéo dài nhiều năm, nhưng thành quả mà nó mang lại sẽ xứng đáng với công sức mà chúng ta đã bỏ ra.

Như Colleen, phó chủ tịch ban Tác động Xã hội Toàn cầu của Starbucks, nhận định: “Có thể ví đây là một chuyến phóng tên lửa lên mặt trăng đối với lĩnh vực phát triển bền vững".

Điều đặc biệt đáng mừng ở đây là sự hợp tác giữa hai thương hiệu đẳng cấp thế giới, thực chất là hai đối thủ cạnh tranh lớn. Chúng tôi cũng đã được chứng kiến biểu hiện này trong một sáng kiến khác nhằm thúc đẩy việc tái chế nhựa mà tôi sẽ trình bày ở phần sau, sáng kiến này đang đưa PepsiCo và Coca-Cola, hai đối thủ lớn đầu ngành luôn cạnh tranh sát sao với nhau, xích lại gần nhau để cùng giải quyết các thách thức ở giai đoạn tiền cạnh tranh.

Việc IDEO, công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, cũng tham gia là một dấu hiệu rõ ràng khác cho thấy chúng ta đã đạt tới một điểm then chốt trong các hoạt động đổi mới sáng tạo về mô hình tuần hoàn. Nhiều bộ óc đột phá nhất của thời đại đang tập trung phát triển các sản phẩm và dịch vụ lấy sự tuần hoàn làm chiến lược cốt lõi.

Lúc này chúng tôi vẫn chưa biết phương án cốc uống nước nào sẽ giành chiến thắng, hay liệu sẽ có nhiều giải pháp khác nhau cho cả vấn đề tái chế và tái sử dụng không. Mỗi chiếc cây được cứu sống nhờ tái chế hay tái sử dụng cốc đều sẽ đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Dĩ nhiên, toàn bộ sản phẩm bằng giấy đều cần được tái chế.

Một trong những dòng đầu tư phải được gấp rút thực hiện nhằm thúc đẩy các giải pháp tuần hoàn là dòng đầu tư vào các nhà máy tái chế giấy tiên tiến; khối lượng giấy mà chúng ta tiêu thụ, đặc biệt là với sự bùng nổ của trào lưu sử dụng các loại thùng hộp để đóng gói sản phẩm trong lĩnh vực thương mại điện tử, chắc chắn sẽ không có sự sụt giảm đáng kể nào trong thời gian trước mắt.

Ron Gonen/NXB Công thương & Thaihabooks.

SÁCH HAY