Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thầy bói, nhà tiên tri nói mò

Để biết được vận mệnh trong tương lai, hoặc giải hạn... người An Nam thường tìm đến những nhà tiên tri - thầy bói - những người dùng đồng xu, câu Kiều, chân gà để giải mật bí ẩn.

Ngồi xổm trên chiếu, không hề để ý tới tiếng ồn giữa chợ là ông thầy bói trầm tư mặc tưởng; nếu không thì đơn giản thôi, giống như nhiều người vùng Viễn Đông, những người có một tài năng tuyệt diệu đó là thấy hạnh phúc khi không làm gì cả mà không sốt ruột, ông ta chỉ đợi thời gian trôi qua và khách hàng đi tới.

Hơn nữa điều đó nói lên rằng, chẳng hề có ý xấu, mỗi người đều tự do để hiểu ý nghĩa cuộc đời theo cách của mình và luôn gặt hái được phần thưởng từ thái độ của mình, dù thế nào đi nữa, bởi vì nguyên lý của đạo Phật đã khẳng định: “Nghiệp sinh ra từ nhân quả, mỗi kết quả đến lượt nó lại trở thành nguyên nhân và phát sinh ra một loạt kết quả khác. Đã từng có những nghiệp như viên đạn bắn ra mà người bắn không thể thu nó lại được nữa, cũng không thể nào tác động tới đường đi của nó”.

Thầy bói ở Bắc Kỳ, là một phần của đời sống thường nhật, và nếu bài ca dao thường chế nhạo ông ta: “Nhà này có quái trong nhà/ Có con chó đực sủa ra đằng mồm” thì cũng không vì thế mà người ta lại ít thường xuyên đi hỏi thầy bói, bởi thương vụ của ông đáp ứng các nhu cầu thật nhân văn, đó là được biết và tin tưởng rằng mình là chủ vận mệnh của mình.

[...]

Ông thầy bói, nhà tiên tri đi rong, luôn là người mù, tới nhà, có nghĩa là ông đi qua phố và người ta gọi vào để xin quẻ bói. Một trong những thầy giò ngồi ở bên đình Nam Hương (phố Jules Ferry, nay là phố Lê Thái Tổ, Hà Nội) sẽ bói cho bạn bằng chân gà mái và ông thầy tướng, ở phố Panier hoặc phố Chanvre (phố Hàng Gai), rút lá số tử vi dựa trên đường nét gương mặt, những chỗ gồ ghề trên đầu hoặc dựa vào chữ viết.

Thay boi,  nha tien tri noi mo anh 1

Một thầy bói là nữ giới tại Hà Nội. Ảnh: Flickr.

Ở Chợ Lớn (chợ Đồng Xuân), đủ các loại thầy bói ngồi ở những khoảng còn trống đằng sau các bà bán hàng hoa và cây [cảnh], người thì ngồi trên ghế dài hoặc chõng tre, còn những ông khác ngồi ngay xuống đất trên một manh chiếu; có vài hình vẽ thô thiển làm bảng hàng, một chuỗi chân gà giò co quắp hoặc một chùm đũa làm thẻ bói (quẻ) thể hiện chuyên môn của mỗi người. Số lượng và mối quan tâm của họ thay đổi theo từng ngày: ông già uyên bác hiền lành, bọn mưu mô cáo già hoặc người bần cùng mà học thuật được gom lại trong vài việc mê tín dị đoan.

Mỗi người đều thu xếp chỗ ngồi nhỏ cho mình trên khoảng hai hoặc ba thước vuông: một ấm chè, một ống điếu, một cái quạt… - tất cả tiện nghi theo kiểu Á Đông - rồi đến cái hộp nhỏ sơn mài chứa đồ nghề, một bình hương đang cháy, một đĩa hoa và quả cau, vài cuốn sách gập nối kiểu Tàu và những cuốn sách ma thuật bụi bặm, nhiều khi có một nghiên mực, chiếc bút lông và con triện bằng gỗ khắc chạm dùng để làm bùa trên giấy vàng hoặc đỏ.

Những người mù mặc áo dài và đội khăn đen, thường đeo kính che đôi mắt mù khốn khổ; họ nói nhỏ trong khi tay sờ soạng khoảng không và nhẫn nhịn làm sáng tỏ những bí mật vô nghĩa. Rồi có những người đàn bà cũng làm nghề bói toán ngồi xổm trước hộp đựng trầu đặt một cái gương nhỏ, một đĩa hoa và một bình cắm những nén nhang - nói chung là những mụ trùm vẻ tinh ranh với những lời tiên đoán giống như chuyện ngồi lê đôi mách.

Nhưng đẹp mắt hơn là những ông già, hình ảnh cụ đồ có râu cằm và kính mắt, vị đạo sĩ mặc áo dài tím hoặc áo khoác ngoài màu vàng nghệ, kiểu nhà thơ Trung Hoa gợi nhớ Lý Bạch ham vui; tất cả những người đó diễn giải với vẻ uyên bác, nhồi trộn một cách bí ẩn những lá số, bởi vì mỗi một thẻ đã in dấu ấn một con số tương xứng với một lời phán truyền của cuốn sách tử vi vốn rất thông thái; những lời khuyên nhủ hợp lý hay mỉa mai, chuyện hiển nhiên, những suy ngẫm được gợi ý từ lẽ thường hoặc những câu nói bóng gió mà tâm lý giữ vai trò chủ yếu.

Phải chăng bao giờ cũng có chút gì đó có thể vận dụng vào trường hợp riêng biệt của bạn khi có câu trả lời như thế này: “Khởi đầu sẽ tốt, kết thúc xấu; sau khi ấm tiếp theo là lạnh; mùa đông tới sau mùa hè. Bông hoa trên cây trở thành quả rồi rụng xuống, thối rữa rồi khô héo chỉ để lại cái vỏ, nhưng cái vỏ này chứa đựng lượt gieo mầm". (dịch lại theo ông Dumoutier).

Đó cũng là kiểu triết lý kết lại bằng sự nhẫn nại và lý thuyết định mệnh từng thẩm thấu trong tất cả văn chương Hán Việt, cũng như cuốn Lục Vân Tiên (truyện thơ rất nổi tiếng của Nguyễn Đình Chiểu) khi người học trò trước khi rời xa người thầy, hỏi làm thế nào để tiên đoán tương lai, ông thầy đã chỉ tay lên vầng trăng mà trả lời: “Việc người chẳng khác việc trăng trên trời / Tuy là soi khắp mọi nơi / Khi mờ, khi tỏ, khi vơi, khi đầy”.

Và làm sao lại có thể thất vọng với công thức này: “Để được việc thì khả năng thôi chưa đủ, mà còn phải gặp được vận. Hai vợ chồng có thể rất thương yêu nhau; nhưng nếu sống xa nhau và không gặp nhau bao giờ, thì làm sao sinh con đẻ cái được?”.

Song có thể kiểu minh triết này chỉ hợp với… những nhà hiền triết, còn đối với những người bị khuấy động bởi những thèm khát nhỏ mọn và thường nhật lại trở thành khó nghe. Nhiệm vụ của thầy bói là uốn nắn những công thức bất di bất dịch cho hợp với thước đo mỗi người, chuyển cái điều tưởng như chỉ hiểu được trong lĩnh vực tinh thần sang bình diện vật chất; vậy là người thầy bói chỉ có thể bước đi rất thận trọng mà thi hứng dân gian đã giễu nhại trong bài ca dao này:

“Số cô chẳng giàu thì nghèo

Ngày ba mươi Tết thịt treo trong nhà

Số cô có mẹ có cha

Mẹ cô đàn bà cha cô đàn ông

Số cô có mẹ có chồng

Sinh con đầu lòng chẳng gái thì trai”.

Hilda Arnhold / NXB Kim Đồng

SÁCH HAY