Hoàng vẫn hay nói, với cô, mưu cầu điều lớn lao trong cuộc sống này là sự bình yên. Vậy nên, nhìn người đàn ông của mình cứ hừng hực lao vào cuộc đua tranh những giá trị vật chất, những danh vị giữa sự nhiễu nhương cuộc đời này, Hoàng chán chường lặng im.
Chẳng biết tự bao giờ, Việt đã thay đổi cái nếp bình dị mà ngày xưa Hoàng đã vì nó mà đến với anh. Việt của ngày xưa, xù xì, mộc thô, chẳng đãi bôi và hào nhoáng như bây giờ. Việt của hồi ấy, chỉ biết sau những ngày mệt nhoài nơi công trường, lại ùa về với cô, mang theo những câu chuyện, những phận đời của mấy anh thợ hồ đầy cực khổ.
Hay những bận, hai đứa rong ruổi với đêm Sài Gòn hây hẩy gió, thể nào Việt cũng về lại cái góc ngã tư tối đèn, mua vài chai nước cho bà mẹ có con nhỏ bị bệnh thiểu năng, chuyện trò dăm câu, rồi để lại thêm ít tiền, như một sự sẻ chia.
Có lần Việt kể câu chuyện về anh giám đốc trẻ, chấp nhận đánh đổi cái rực rỡ tươi trong của thằng đàn ông, để về bên bà góa phụ lắm tiền, giờ nghiễm nhiên làm sếp lớn, đi ô tô bóng loáng.
Rồi Việt chặc lưỡi, mình cày cuốc cật lực hơn chục năm ở cái đất Sài Gòn này, dễ gì có được cuộc sống đó, ngoảnh đầu nhìn lại, chỉ vẫn là căn nhà trọ tuềnh toàng, trong cái xóm nhỏ ngập lút nửa bánh xe, mỗi mùa mưa dầu dãi. Cực thấu trời!
Hoàng thở dài, nghe gió lùa qua bàn tay chỏng chơ thiếu hơi nắm của người đàn ông mà mình yêu thương. Biết đâu đó, giữa cuộc đời này, vẫn còn một tình yêu chẳng vụ lợi.
Sách Mình gọi nhau là cưng. Ảnh: Q.M. |
[…]
Mẫn đâm sầm vào bà cô già khó tính ngay cổng công ty, khi tránh vội cơn mưa bất chợt. Nhìn cặp mắt tròn xoe nhíu lại, đôi môi nhỏ nhắn chuẩn bị mấp máy mớ bòng bong câu chữ thường dành cho mình, Mẫn nói vội:
- Đời tôi chỉ có hai lần tập chạy. Một là lúc nhỏ, hai là lúc chạy về phía bà.
- Mà nè, ngoài kia mưa tuôn xối xả, nhưng bà cũng chẳng thể ướt mưa được. Vì tôi là cơn mưa đó, còn bà, vẫn cũng chỉ mãi là bà.
- Mà nè...
Chưa kịp dứt câu, Mẫn đã bị bà cô già khó tính, giậm một phát ngay chân đau điếng, cùng lời tặng vô duyên. Mẫn đau không? Đau chứ, nhưng Mẫn khoái chí khi nhìn cái ánh mắt kia xoáy sâu vào mình. Cái ánh mắt to tròn đen láy, ươn ướt một nỗi niềm. Mẫn nghĩ vậy, khi lần đầu tiên Mẫn gặp Hoàng. Bà cô già khó tính chuyển lên hội sở từ chi nhánh quận.
Bà cô già, hơn Mẫn những bốn tuổi, nhỏ nhắn, nước da trắng ngần, cùng mái tóc dài mướt rượt đen nhánh, dịu dàng và trầm mặc.
Mẫn biết, một điều Mẫn rất biết, nhưng Mẫn vẫn cứ thích. Nghiệt ở cái chỗ, trái tim luôn có những nhịp đập riêng của nó. Chẳng lý lẽ nào có thể bao biện hay giải thích. Chỉ biết, từ khi gặp ánh mắt ấy, Mẫn đã đem nó vào những giấc mơ đêm, của một thằng con trai cằn cỗi, vốn đã chai sần từ một cuộc tình vụn vỡ xưa xa.
Mẫn thích quá, nên cái bận liên hoan cuối năm, Mẫn ngà ngà cơn say, vẫn như lệ thường len lén chẳng để ai thấy, trước mặt bà cô già khó tính, Mẫn nói:
- Thất tình, hãy đến yêu tôi.
Nói rồi Mẫn cũng chẳng đợi người ta la rầy mình câu nào, hay có thể tát một bạt tai vào mặt mình, cũng là đáng tội. Mẫn lẩn khuất dần vào đám liên hoan đang rộn ràng tưng bừng như để che giấu một lời thật của người đang say.
[…]
Việt rời khỏi cái tình yêu bình yên này, khi đã thôi không còn chịu nổi cái cơ cầu phố thị phồn hoa. Với Việt, thứ ánh sáng lấp lánh đầy hào nhoáng kia, vẫn luôn là hấp lực.
Những căn hộ cao cấp với tiện nghi bậc nhất luôn là khao khát. Hay, giản đơn lướt ngang phố với chiếc xe bóng bẩy khiến thiên hạ trầm trồ, thích thú biết nhường nào.
Một khi tâm hồn đã được thắp lên ánh sáng, dẫu thứ ánh sáng chỉ chợt lóe lên khoảnh khắc nào đó, rồi cũng lụi tàn, thì con người ta, vẫn miệt mài dấn thân với nỗi đam mê bất chấp.
Giữa những ngày gắng gượng, ráo hoảnh với tổn thương này, Mẫn tựa thể như cơn gió mát, nhẹ nhàng ghé đến, phả vào đời Hoàng những niềm vui bất chợt.
Đôi lần Hoàng tỏ ra khó chịu, để Mẫn rút lui. Thế mà, cậu chàng vẫn cứ mãi chẳng chịu buông. Hoàng vẫn còn sợ lắm, cái cảm giác yêu thương rồi chia xa, hụt hẫng và hoang hoải.
Dù, cố mạnh mẽ vượt qua, tự vỗ về bằng mớ nghĩ suy nhẹ nhàng nhất, nhưng chỉ khi về lại với đêm và bốn bức tường quanh phòng, Hoàng mới hiểu, nước mắt chảy ngược vào trong, là lúc mà lòng mình như ai găm từng vết dao. Đau nghiệt ngã.
[…]
Đêm, một đêm tháng sáu tạm xa Sài Gòn oi nồng. Một đêm biển rộn ràng, lửa bập bùng của tiệc kỷ niệm thành lập công ty, Mẫn thấy Hoàng say.
Trộm nhìn bà cô già khó tính qua ánh lửa đỏ vờn màn trời thẫm đen. Cô cười, nụ cười làm chết giấc thằng Mẫn khắc giây ấy. Là cô cười với Mẫn đó. Mẫn nghe nhịp tim mình thình thịch. Ánh mắt ươn ướt ấy, vốn luôn biết nói lên nhiều điều mà chẳng cần lời.
Mẫn đẩy về phía cô tách cà phê, mà cô đã nhờ anh lấy giùm, để giải bớt cơn say đang chếnh choáng. Mọi người rút dần về phòng, chỉ còn lác đác vài nhóm dạo biển đêm. Trên cái ghế gỗ dài sát bờ cát trắng phẳng lì, Hoàng ngồi một bên, Mẫn ngồi một bên. Sóng ngoài kia vỗ bờ rào rạt.
- Mẫn có thể cười xíu không? Cà phê này, nãy quên bỏ đường rồi!
Mẫn ngơ ngẩn. Thường mấy câu bông đùa này của Mẫn mà...
Hoàng lại lặng im, nhìn những con sóng tung bọt trắng xóa ì ầm ngoài xa. Không gian đặc quánh, chẳng có lời nào thốt lên. Mẫn nghe biển hát những thanh âm rộn ràng trong tim mình. Đôi khi, những khắc giây này, cứ lặng im mãi mãi, chỉ cần vậy thôi, đã là quá đủ đầy cho một đóa hoa duyên vừa chớm nở.
Rất lâu sau, Hoàng quay sang nhìn Mẫn đang vò đôi chân mình dưới nền cát mịn. Hoàng nhoẻn miệng cười, bước vội về phòng. Trong tiếng sóng biển, Mẫn nghe âm vọng lời Hoàng rõ mồn một: “Thất tình, hãy đến yêu tôi”.