Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thất bại với cuộc chiến tiền lẻ

Hoạt động đổi tiền lẻ vẫn diễn ra công khai ở hầu hết các lễ hội, và cùng với dịch vụ đổi tiền là hành vi phản cảm tồn tại từ nhiều năm: Rải tiền lẻ tràn lan tại đình, chùa...

Tuyên chiến

Trong chuyến thị sát công tác quản lý, tổ chức lễ hội tại các tỉnh Hà Nam và Nam Định cuối tháng 1, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đặng Thị Bích Liên khẳng định: “Năm 2014, Bộ VHTTDL xác định khâu đột phá trong việc quản lý tiền giọt dầu, tiền lẻ. Bộ đề nghị các chính quyền địa phương quan tâm hơn về vấn đề này, hướng dẫn nhân dân đặt, để tiền lễ đúng nơi quy định, gọn gàng, văn minh, tránh phản cảm. Đồng thời, quản lý chặt không để xảy ra các hiện tượng đổi tiền lẻ có chênh lệch tại các điểm di tích, lễ hội”.

Đây có thể coi là một lời tuyên chiến với vấn nạn tiền lẻ tồn tại ở các lễ hội nhiều năm. Trên thực tế, hầu hết các địa phương đã thực hiện khá tốt chủ trương đúng đắn này trên... văn bản.

Người dân vẫn quan niệm tiền lẻ không thể thiếu trong lễ hội.

Tại Bắc Ninh, Sở VHTTDL ở đây đã đưa vào văn bản những quy định mới liên quan đến lễ hội Đền Bà Chúa Kho - nơi từng có hoạt động đổi tiền lẻ gây nhức nhối nhiều năm. Sở quy định đặt không quá 3 thùng công đức tại khu di tích, đĩa đặt tiền giọt dầu chỉ đặt trên ban thờ chính.  Phải dựng các bảng biển quy định rõ ràng, trong đó có nhắc đến việc đổi tiền lẻ. Quyết tâm là thế, nhưng lễ hội Bà Chúa Kho là một “đặc thù” dùng tiền thật để xin lộc, vay tiền, nên dịch vụ đổi tiền vẫn xuất hiện nhan nhản. Thậm chí, lấy lý do tiền lẻ năm nay hiếm, mức chênh lệch ở đền Bà Chúa Kho là đổi 100 ăn... 50.

Cũng tại Bắc Ninh, văn bản đưa ra là cấm các liền anh, liền chị ngửa nón “xin tiền” phản cảm trong lễ hội Lim, thì họ lại “sáng tạo” bằng cách mời trầu, bán trầu để... nhận tiền. Nghĩa là vẫn không... xin theo đúng chỉ đạo.

Vì sao thất bại

Bất chấp lời tuyên chiến với hiện tượng đổi tiền lẻ, rải tiền lẻ cầu lộc, ngay tại đền Trần (Nam Định), trong đêm phát ấn đã tái diễn hiện tượng hàng nghìn người tìm cách nhét đủ loại tiền lẻ vào kiệu rước ấn. Thậm chí khi không tiến gần tới kiệu, người đi lễ sẵn sàng ném tiền vào kiệu, tạo ra “cơn mưa tiền lẻ” khi kiệu rước ấn đi ngang qua.

Hình ảnh người đi lễ cầm cả xấp tiền lẻ (mệnh giá 500 đồng, 1.000 đồng, 2.000 đồng) kẹp vào hai tay, xì sụp khấn vái không phải là chuyện lạ. Dùng tiền lẻ cầu may, cũng có người đặt lễ, nhưng không biết làm gì. Đình Thanh - sinh viên năm thứ hai Đại học Hà Nội nói: “Thấy người ta làm vậy em cũng đặt lễ thôi”.

Việc sử dụng tiền lẻ ở các lễ hội vẫn còn phổ biến.

Cũng phải thừa nhận rằng, nhiều BTC cũng đã có những biện pháp nhằm hạn chế việc tiền lẻ tại các lễ hội, nhưng không thể giải quyết ngay. Tại Chùa Hương - nơi mà số lượng tiền lẻ hằng năm lên tới vài chục tỷ đồng, BTC cũng đã có những khuyến cáo, yêu cầu du khách đặt tiền đúng chỗ quy định. Thế nhưng, chỉ sau khi lễ khai hội chùa Hương diễn ra chưa được 1 tuần thì đã có hai đơn vị, là UBND huyện Mỹ Đức, Sở VHTTDL Hà Nội bị Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Thế Thảo phê bình, vì để tái diễn tình trạng nhếch nhác, phản cảm, trong đó có đề cập tới dịch vụ đổi tiền lẻ tràn lan trong khu vực tổ chức lễ hội.

Liệu có thể ngăn chặn vấn nạn tiền lẻ tại các lễ hội bằng cách ra các chỉ thị và lệnh cấm? Điều ấy cần, nhưng không đủ, nói như một chủ sạp đổi tiền lẻ ở đền bà Chúa Kho: “Sẽ không bao giờ hết, nếu người đi lễ vẫn có nhu cầu đổi tiền lẻ để đi lễ, cầu may. Chỉ khi không còn nhu cầu ấy, thì chúng tôi cũng sẽ không còn cơ hội đổi tiền như thế này”.

http://laodong.com.vn/xa-hoi/that-bai-voi-cuoc-chien-tien-le-180861.bld

Theo Lao động

Bạn có thể quan tâm