Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hiếm tiền lẻ mới, nhân viên ngân hàng 'đánh quả'

Tiền lẻ mới khan hiếm, chợ đen đẩy chênh lệch lên 10 ăn 5. Một số nhân viên ngân hàng tranh thủ kiếm thêm bằng cách đổi chênh lệch thay vì miễn phí như mọi năm.

Chặt chém, phí đổi tiền lẻ “10 ăn 5”

Càng gần Tết nhu cầu đổi tiền lẻ đi lễ chùa, mừng tuổi … của người dân ngày càng cao.

Khác với mọi năm, năm nay tiền lẻ mệnh giá nhỏ dưới 5.000 đồng khan hàng khủng khiếp. Vin vào cớ này, các điểm đổi tiền lẻ thi nhau hét giá. Tỷ lệ đổi tiền lẻ mệnh giá nhỏ cũng được “đẩy” lên, từ mức “10 ăn 8” lên mức “10 ăn 6”, thậm chí là "10 ăn 5" tùy từng mệnh giá.

Dù bị cấm nhưng tại khu vực Đinh Lễ (Hà Nội) hay khu vực đền, chùa dịch vụ đổi tiền lẻ vẫn ngang nhiên hoạt động. Không rõ lệnh cấm của cơ quan chức năng được áp dụng ở đâu tại khu vực Đinh Lễ giáp đường Đinh Tiên Hoàng (Hoàn Kiếm - Hà Nội), chỉ cách Cục Quản lý thị trường vài bước chân nhưng hoạt động buôn bán đổi tiền lẻ vẫn diễn ra rất nhộn nhịp.

Vin vào cớ không in tiền mới, phí đổi tiền lẻ được hét với giá trên trời.

Còn tại khu vực Bưu điện Hà Đông (Quận Hà Đông - Hà Nội), người dân dễ dàng bắt gặp những bảng hiệu đổi tiền mới lì xì tết. Ghé vào một bàn đổi tiền lẻ tại khu vực Bưu điện Hà Đông, anh K. - chủ quầy nhanh nhảu: “Chị muốn đổi tiền mệnh giá nào cũng có, đổi bao nhiêu cũng sẵn sàng, nhưng nói trước là mức phí cao hơn nhiều năm trước đấy”. Nói cụ thể mức phí cao, anh K. cho biết: Tiền 500 đồng tỷ lệ đổi là “10 ăn 6”, mệnh giá 5.000 đồng, 10.000 đồng, 20.000 đồng tỷ lệ đổi là “10 ăn 9”, còn 2.000 đồng tỷ lệ đổi là “10 ăn 8”.

Anh K. cho hay, mệnh giá được mọi người hỏi và đổi nhiều nhất là 5.000 đồng, 20.000 đồng và 50.000 đồng, vì tỷ lệ đổi cũng không quá cao mà vừa dùng đi lễ, vừa dùng lì xì Tết được. Riêng mệnh giá tiền 1.000 đồng anh K. nói: “Thời điểm này không thể kiếm đâu nổi 1 cọc tờ 1.000 đồng mới nguyên sê ri như mọi năm vì Nhà nước không in nữa”.

Ngoài tiền đồng, trên “bàn” đổi tiền của anh K. còn có cả tiền 1 USD2 USD, tuy nhiên theo anh năm nay lượng người hỏi tờ đô la lẻ không nhiều như mọi năm mà chủ yếu là “săn” tiền Việt. “Năm nay đã bắt đầu không in nữa rồi, nếu không mua thì vài ba năm nữa không thể nào kiếm được tờ tiền lẻ mới cứng nữa. Nhiều người cũng có tâm lý muốn mua để làm kỷ niệm nên tìm tiền lẻ nhiều lắm” - anh K. chia sẻ.

Không chỉ diễn ra sôi động tại các điểm chuyên đổi tiền lẻ quanh khu vực Đinh Lễ, các đình chùa… dịch vụ đổi tiền lẻ online cũng “trăm hoa đua nở”. Tận dụng các kênh rao vặt, mạng xã hội, những người kinh doanh dịch vụ đổi tiền lẻ đưa ra những lời lẽ hoa mỹ, giá đổi cạnh tranh hấp dẫn để hút khách.

Gọi tới số điện thoại quảng cáo “dịch vụ đổi tiền giá hấp dẫn nhất Hà Nội”, PV được một phụ nữ tên B. tiếp chuyện. Giá hấp dẫn nhất mà người phụ nữ này đưa ra là đổi “10 ăn 7” với tiền mệnh giá 5.000 đồng, “10 ăn 6” với tiền 2.000 đồng … Theo chị B. mức giá chị đưa ra đã rẻ hơn so với các nơi đổi tiền lẻ khác một giá. “Năm nay tiền lẻ khan lắm, đặc biệt là tiền mệnh giá nhỏ không được in mới nên kiếm được cọc tiền nguyên seri hơi bị khó. Do chị om hàng từ lâu nên giờ mới có, em không đổi bây giờ mai mốt giá lại cao thêm mà không có đổi đâu”, người phụ nữ này giữ khách.

Cũng theo chị B. hiện giá đổi bình quân trên thị trường là “10 ăn 6” đối với tiền 5.000 đồng; “10 ăn 5,5” đối với mệnh giá 2.000 đồng và “10 ăn 5” đối với 1.000 đồng. “Dù giá đổi cao nhưng vẫn rất nhiều người đổi, có người lấy cả chục triệu một lúc ý chứ. Tiền mới không còn nhiều đâu, cứ chần chừ là hết”.

Đổi trong ngân hàng cũng mất phí

Choáng với phí đổi tiền lẻ ngoài thị trường, nhiều người nhờ cậy mối quan hệ thân, quen làm trong các ngân hàng nhưng không phải ai cũng được giúp đổi miễn phí như mọi năm.

Chị Thùy - công tác tại một ngân hàng trên đường Lý Thường Kiệt (Hà Nội) than thở, cuối năm thưởng chưa thấy đâu mà cả đến tiền lẻ cũng không có mà đổi. "Mọi năm chỉ cần nhờ cậy các giao dịch viên quen mặt hoặc í ới bạn bè làm kho quỹ là có thể đổi được, thế nhưng năm nay tình hình hoàn toàn trái ngược", chị Thùy nói.

Nhưng theo tìm hiểu của PV, đang có một “thị trường ngầm đổi tiền lẻ trong hệ thống ngân hàng”. Một nhân viên ngân hàng tiết lộ, tiền lẻ năm nay tuy khó đổi nhưng cũng không phải là không có nếu người đổi chịu mất phí. “Mọi năm thì nhờ thân quen là có thể đổi được, nhưng năm nay vì quá hiếm nên mới phải mất phí đổi. Tỷ lệ phí đổi nhẹ nhàng hơn nhiều so với ngoài thị trường”- nhân viên này tiết lộ.

Nếu đổi cả cọc loại 2.000 đồng, 10.000 đồng, 20.000 đồng thì “10 ăn 9”, tiền 5.000 đồng phí đổi là 14%, 50.000 đồng phí 9%.... Riêng tiền mệnh giá 1.000 đồng thì hoàn toàn không còn tiền mới nguyên seri mà chỉ còn tiền đã qua sử dụng một lần. Tết năm nay là năm đầu tiên ngân hàng Nhà nước quyết định không in thêm tiền lẻ mới mệnh giá dưới 2.000 đồng để tiết kiệm ngân sách và hạn chế hiện tượng phản cảm tiền lẻ “rải kín” các đền chùa, thay vào đó tận dụng lại số tiền lẻ mới qua sử dụng một lần trong kho quỹ.

Lý giải của ông Đào Minh Tú - Phó thống đốc ngân hàng Nhà nước, nhu cầu tiêu dùng tiền mới mệnh giá nhỏ của người dân tăng mạnh vào các dịp lễ, Tết, nhưng lại chủ yếu dùng vào đi lễ đền, chùa. Như thế rất lãng phí, vì mục đích sử dụng của đồng tiền khi được in ra đã không được dùng đúng chức năng.

Ngoài ra, theo thống kê của NHNN, riêng chi phí in ấn loại tiền mệnh giá 2.000 đồng và đưa ra lưu thông mỗi dịp Tết là 300 tỷ đồng, chưa bao gồm các chi phí phát sinh như kiểm đếm, bảo quản... Trong điều kiện ngân sách Nhà nước còn khó khăn, thì 300 tỷ đồng còn dùng vào nhiều mục tiêu khác mang lại lợi ích dân sinh hơn như xây trường học, bệnh viện ở vùng nông thôn khó khăn.

http://infonet.vn/hiem-tien-le-moi-nhan-vien-ngan-hang-danh-qua-post115497.info

Theo Infonet

Bạn có thể quan tâm