"Chúng tôi hiểu về xã hội sau thất bại hơn nhiều lần so với chiến thắng", Reece James viết ngắn gọn trên trang cá nhân gần 20 giờ sau khi tuyển Anh nhận thất bại trước Italy trên loạt luân lưu tại chung kết Euro 2020.
Trong 20 giờ đó, James và nhiều cầu thủ Anh khác chứng kiến tận mắt những lời thóa mạ nhắm vào các đồng đội mình. Những người sút hỏng luân lưu bị chỉ trích, phân biệt chủng tộc, miệt thị không thương tiếc trên mạng xã hội.
Một bức tường in hình Marcus Rashford tại Manchester bị vấy bẩn bởi những ngôn từ tục tĩu, dù chỉ vài tháng trước tiền đạo này còn là hình mẫu cho nước Anh vì các hoạt động cứu đói trẻ em.
Marcus Rashford chịu những lời thóa mạ nặng nề trên mạng xã hội sau thất bại của tuyển Anh. Ảnh: Reuters. |
Họ còn thấy đám đông hỗn loạn đập phá đường phố từ trước khi trận đấu diễn ra, những cuộc ẩu đả khó tin bên ngoài sân. Rob Draper của Daily Mail mô tả không khí bên ngoài sân Wembley là "tồi tệ".
"Các cảnh sát không thể kiểm soát được đám đông", Draper viết. Một cây bút khác thì nhấn mạnh việc Wembley không xảy ra thảm kịch thiệt hại về người là điều may mắn sau những gì đã diễn ra.
Người Anh có một giải đấu tốt trên phương diện kết quả, nhưng thất bại cay đắng trên chấm luân lưu khiến nhiều vấn đề lộ diện.
Nghĩ tới thất bại
Nghĩ tới thất bại là điều nên làm trước mỗi trận đánh lớn. Đó không phải biểu hiện của sự yếm thế, mà đơn giản, nghĩ tới thất bại để chọn thái độ và dấn bước không sợ hãi. Các CĐV Anh có nghĩ tới thất bại của đội nhà trước khi trận chung kết bắt đầu? Có lẽ là không.
Mọi hoạt động để chuẩn bị cho chức vô địch đều được chuẩn bị sẵn sàng. Các cơ quan cho phép người lao động đi làm muộn mà không ảnh hưởng giờ lương. Trường học gửi thông báo cho phụ huynh xác nhận học sinh có thể đến trường vào lúc 10h30 sáng (giờ chính thức là 8h30) để tận hưởng trận chung kết và ăn mừng.
Nữ hoàng và Thủ tướng Anh đều gửi thư động viên tới đội tuyển. 55 năm đã trôi qua từ lần cuối cùng Anh vào chung kết một giải đấu lớn, người Anh tin tưởng họ sẽ đưa bóng đá trở về nhà.
HLV Gareth Southgate chọn đấu pháp thiếu hợp lý trước Italy. Ảnh: Reuters. |
Người hâm mộ và truyền thông Anh có thể không nghĩ tới thất bại của "Tam sư", nhưng các cầu thủ lẫn HLV Gareth Southgate thì có. Thậm chí họ nghĩ quá nhiều tới viễn cảnh này.
Sau hiệp 1 bùng nổ với bàn thắng ngay phút thứ 2, Anh vứt đi toàn bộ lợi thế để chơi co cụm trong hiệp 2, nhận bàn thua, trước khi phòng ngự lùi sâu đến tận phút bù giờ cuối cùng của hiệp phụ.
Họ có quyền dâng lên đá sòng phẳng với Italy? Có. Chất lượng của đội hình Anh không tồi, nhưng tư duy sợ thua làm hỏng tất cả.
Bi kịch càng tới khi Italy lại vứt đi lợi thế với cú đá hỏng của Andrea Belotti trên chấm luân lưu, nhưng tuyển Anh "tự hủy" với 3 cú đá hỏng liên tiếp. Cả 3 người đá hỏng đều được HLV Gareth Southgate đưa vào từ ghế dự bị.
Kịch bản thất bại kiểu "cầm vàng lại để vàng rơi" khiến người hâm mộ Anh không chịu nổi. Những cuộc ẩu đả diễn ra ngoài sân Wembley. Mạng xã hội là nơi CĐV Anh trút giận, với bia đỡ đạn là những cầu thủ Anh sút hỏng.
"It's coming home", câu khẩu hiệu vốn xuất phát từ bài hát "Three Lions" ra đời vào năm 1996, được hát đi hát lại trong gần hai năm qua đã khiến nhiều CĐV trung lập và cả chính đối thủ tuyển Anh cảm thấy nóng mắt.
Luka Modric nhấn mạnh các cầu thủ Anh không ngạo mạn, nhưng truyền thông, nhà báo và các CĐV nước này thì có, khi Croatia đối đầu "Tam sư" ở vòng bảng. Leonardo Bonucci thì nhấn mạnh họ phải "nghe đi nghe lại" câu khẩu hiệu này từ sau trận bán kết Anh thắng Đan Mạch, đủ nhiều để người Italy lấy đó làm động lực và mang chiếc cúp về Rome.
Chưa chín
Người Anh thay đổi tư duy làm bóng đá trong gần một thập kỷ qua và đã gặt hái được quả ngọt. Lò đào tạo St George's Park tạo ra những măng non nổi bật như Phil Foden, Mason Mount, Jack Grealish...
Bóng đá Anh cũng "nhập khẩu" những chiến lược gia hay nhất thế giới như Pep Guardiola, Juergen Klopp, Thomas Tuchel. Làm việc với những chiến lược gia hàng đầu giúp các cầu thủ trẻ Anh tiến bộ nhanh chóng.
Song bóng đá không phải môn thể thao cứ thay đổi tích cực là sẽ gặt hái được thành công. Người Anh không đi một mình trong công cuộc đào tạo bóng đá trẻ với các tư tưởng cấp tiến. Pháp, Tây Ban Nha, Đức hay Bỉ đã đi trước họ từ lâu. Và Italy khi phải tự làm mới mình cũng đã chứng tỏ họ xuất sắc như thế nào.
Những ngôi sao của tuyển Anh vẫn còn chặng đường dài trước mắt. Ảnh: Reuters. |
Anh có thể thay đổi công thức đào tạo để cho ra lò những ngôi sao mới, nhưng họ không tiêm được ý chí chiến thắng cho nhóm cầu thủ này.
Đội hình tuyển Anh dự Euro 2020 còn khá trẻ. Họ thiếu kinh nghiệm chiến thắng và cả chiến bại. Thủ quân của Anh, Harry Kane, chưa từng giành danh hiệu lớn nào trong sự nghiệp. Thủ lĩnh hàng phòng ngự Harry Maguire cũng vậy.
Chỉ 4 trong 26 cầu thủ của tuyển Anh dự Euro 2020 từng vô địch Champions League. Chỉ 1 người từng nếm mùi chiến thắng và cả thất bại ở chung kết Champions League (Jordan Henderson). Với phần lớn cầu thủ Anh trước trận chung kết Euro 2020, cay đắng trong bóng đá không phải bạn đồng hành.
Bên kia chiến tuyến, Italy có Leonardo Bonucci và Giorgio Chiellini là những biểu tượng lớn ở khía cạnh nếm trải thăng trầm. Bộ đôi này đã thua 2 trận chung kết Champions League cùng Juventus, thua chung kết Euro cách đây 9 năm, bị loại từ vòng bảng World Cup 2014, không giành nổi vé dự World Cup 2018, tóm lại là những thất bại với đủ cung bậc cảm xúc.
Cú kéo ngã Bukayo Saka bên đường biên của Chiellini là biểu tượng cho sự chênh lệch về kinh nghiệm và độ quái của Italy trước người Anh. Với kinh nghiệm của những nghị sĩ trong đội hình như Chiellini hay Bonucci, Italy chắc chắn đã nghĩ nhiều hơn một lần về thất bại.
Chính tư duy ấy khiến họ mạnh mẽ, lỳ lợm để lật ngược thế cờ: Bonucci đã ghi bàn gỡ hòa cho Italy trong tình huống Chiellini cực kỳ tinh quái khóa chặt John Stones dù đã ngã ra sân.
Sau thất bại trước Italy, nhiều cầu thủ Anh tháo phăng tấm huy chương bạc. Họ không muốn là kẻ về nhì.
Sau trận chung kết Champions League 2020/21 thất bại trước Chelsea, Pep Guardiola, người đã 3 lần vô địch châu Âu cả trên cương vị cầu thủ lẫn HLV hôn lên tấm huy chương bạc và hứng chịu nhiều chỉ trích từ các CĐV. Họ coi đó là hành động thật thảm hại, và chỉ là cử chỉ cho kẻ thất bại.
Giáo hoàng Francis không nghĩ như vậy. Ông không nói đích danh Pep nhưng nhắc thế này về hành động hôn lên tấm huy chương bạc của nhà cầm quân người Tây Ban Nha khi gặp gỡ đội tuyển bóng rổ Italy tại Vatican: "Ta biết gần đây có một người chiến thắng và một người về nhì. Và người về nhì ấy đã hôn lên tấm huy chương. Thường là khi chỉ đứng thứ hai, chúng ta rất buồn bã. Nhưng người này lại hôn lên tấm huy chương. Điều này dạy rằng, ngay cả thất bại cũng là một thắng lợi”.
Tư duy tôn trọng thất bại để học hỏi từ nó, từ đó giành chiến thắng, là điều Chiellini hay Bonucci đã làm xuyên suốt cả sự nghiệp. Antonio Conte mô tả bộ đôi này là những cầu thủ có ADN chiến thắng. "Cả hai đã kinh qua cả nghìn trận, nhưng luôn ngửi thấy mùi máu tươi", Conte nói.
Những cầu thủ trẻ của Anh vẫn còn tương lai dài trước mắt. Thất bại ngày hôm nay có thể là bản lề cho chiến thắng vinh quang cho ngày mai. Nhưng trước hết, họ phải trân trọng kết quả này, ghi nhận những gì mình đã làm được và dám nghĩ về điều xấu nhất.
Không ngôi sao nào sinh ra đã trở thành nhà vô địch. Trước chiến thắng thường là thất bại.