Ở trận bán kết lượt đi SEA Games 32, U22 Việt Nam hai lần bị Indonesia dẫn trước từ những quả ném biên trời giáng nhưng đều san bằng được tỷ số nhờ cú đánh đầu ngược của Nguyễn Văn Tùng và pha phản lưới của hậu vệ đối phương.
Trong lợi thế về quân số và đang hướng tới thời gian hiệp phụ, thầy trò ông Troussier bất ngờ bị quật ngã bởi cú sút xa của Taufany Muslihuddin, buồn bã nói lời tạm biệt giấc mơ bảo vệ màu vàng của tấm huy chương.
Hàng thủ U22 Việt Nam sẽ có thêm bài học sau SEA Games 32. Ảnh: Bảo Ngọc. |
Bài học nào cho phòng thủ?
U22 Việt Nam hành quân đến Campuchia với “gia tài” trống rỗng sau 5 trận đá tập và giao hữu toàn thua. Không ai muốn xoáy vào nỗi đau, nhưng ban huấn luyện chắc chắn đều hiểu, điểm yếu chí mạng nằm ở hàng phòng ngự.
Những cảnh báo đã có từ rất sớm vì ngay cả một đội đang chật vật ở V.League như TP.HCM hay CLB hạng Nhất Bà Rịa Vũng Tàu cũng thắng U22 Việt Nam. Tuy nhiên, phản ứng từ thượng tầng đội tuyển dường như khá chậm chạp.
HLV Troussier không còn những trung vệ đẳng cấp như thời ông Park Hang-seo, thậm chí còn phải tận dụng các đối thủ yếu như U22 Lào, Singapore để vừa đá giải vừa “chốt” phương án tối ưu. Nhưng khi các chướng ngại vật hóc búa dần lên, những đứt gãy lộ ra, nhà cầm quân người Pháp lại không kịp có giải pháp nào hàn gắn.
Khi thủ thành Quan Văn Chuẩn mắc lỗi cơ bản để thủng lưới trước U22 Malaysia, khi Lương Duy Cương trượt chân đầy nghiệp dư để U22 Thái Lan thoải mái ghi bàn, chúng ta may mắn chưa bị trả giá quá đắt. Nhưng ở một trận bán kết mà thua liên tiếp hai bàn đều xuất phát từ ném biên thì thực khó chấp nhận.
Ông Troussier ở khu kỹ thuật tỏ rõ sự không hài lòng với các học trò, nhưng lặp đi lặp lại một lỗi phòng ngự thì chắc chắn có phần trách nhiệm của ban huấn luyện. Trách nhiệm đó nằm ở khâu nghiên cứu đối thủ và chuẩn bị “tác chiến”. Người HLV khi lâm trận cần hiểu đối thủ mạnh ở những “bài” gì, hoá giải bằng cách nào, từ đó quyết định sử dụng cầu thủ của mình ra sao, trao cho họ những nhiệm vụ cụ thể...
U22 Indonesia đã dùng bài ném biên của Arhan từ vòng bảng. Vậy nên, cách đối phó của chúng ta rõ ràng là một thất bại. Bàn thua đầu tiên, ít nhất 4 hậu vệ tham gia tranh chấp nhưng người chạm bóng dứt điểm lọt thỏm ở giữa lại là Komang Trisnanda. Bàn thứ hai, Quan Văn Chuẩn có chủ động hơn lao ra đấm bóng nhưng vẫn bị hạ gục bởi cú đá ngoài vòng cấm đập chân đổi hướng.
Vấn đề nằm ở cách theo người trong các tình huống cố định và sự hỗ trợ của tiền vệ đánh chặn trong những tình huống sút bồi. Điều này lại xảy ra một lần nữa nhưng là ở phút bù giờ thứ 5 và U22 Việt Nam không còn cơ hội sửa sai. Chúng ta hơn hẳn về quân số phòng thủ nhưng Huỳnh Công Đến bị thả trôi một cách dễ dàng, tạo ra khe hở cho Taufany sút bóng “lấp mặt” thủ môn.
Và dù rất đau xót, vẫn phải khẳng định thầy trò HLV Troussier đã chẳng sửa được cái sai nào từ chuỗi “bầm dập” thời kỳ tiền SEA Games.
Văn Tùng, điểm sáng hiếm hoi của hàng công của U22 Việt Nam tại SEA Games 32. Ảnh: Y Kiện. |
Năng lực thực chiến ở đâu?
U22 Việt Nam non nớt trong phòng ngự, điều ấy đã đành. Nhưng chúng ta có hy vọng gì ở hàng tấn công hay không? Câu trả lời là chỉ có mỗi điểm sáng Nguyễn Văn Tùng.
Tất cả trận được vào sân, Văn Tùng đều ghi bàn và là những bàn quan trọng. Tuy nhiên, 4 trong 5 bàn ấy đến từ khoảnh khắc loé sáng cá nhân, có được bằng những kỹ năng tự thân hoặc tích lũy ở CLB.
Nếu không nói đến hai trận đầu quá dễ dàng, U22 Việt Nam hầu như bất lực trong việc biến những lợi thế mười mươi thành kết quả. Đá với U22 Malaysia chỉ còn 9 người, các học trò của ông Troussier vẫn có những thời điểm bị ép ngược. U22 Indonesia cũng bị đuổi một cầu thủ từ phút 60 nhưng trong nửa giờ còn lại cộng thêm cả 8 phút bù giờ, chúng ta chỉ kịp ghi được một bàn gỡ 2-2 nhờ hậu vệ đối phương phản lưới.
HLV người Pháp là người say mê triết lý kiểm soát bóng. Nhưng các học trò của ông hoặc rất khó khăn để giữ được quả bóng sau nhiều nhịp chạm, hoặc giữ được bóng nhưng cũng không biết làm gì sắc sảo hơn để tiếp cận khung thành. U22 Việt Nam chỉ có đúng hai bài tủ để khoan phá hàng thủ U22 Indonesia, hoặc rót bóng bổng cho Văn Tùng, hoặc căng ngang chờ băng cắt. Trong những thời cơ tạm coi là thuận lợi, Nguyễn Văn Trường, Lê Văn Đô, kể cả Khuất Văn Khang là niềm hy vọng rất lớn ở khâu dứt điểm, cũng vội vã phung phí đầy đáng tiếc.
HLV Indra Sjafri không quá khó khăn để duy trì thế trận 10 chống 11. Họ phản công rất ít nhưng chỉ trong một lần duy nhất tràn sang sân chúng ta tới 4 người, họ đã có bàn thắng định đoạt trận đấu.
U22 Indonesia xứng đáng giành vé vào chung kết, đơn giản vì họ đá thực dụng hơn, mạch lạc hơn và cũng vì U22 Việt Nam còn thiếu quá nhiều kỹ năng thực chiến.
Mục Thể thao giới cuốn sách nổi tiếng viết về bóng đá châu Phi mang tên "Bàn chân của tắc kè hoa" xuất bản vào năm 2010 của tác giả Ian Hawkey. Chân dung của tân HLV trưởng tuyển Việt Nam, Philippe Troussier, cũng sẽ hiện lên phần nào trong cuốn sách này.