Việc HLV Akira Nishino bị FAT sa thải có lẽ không làm nhiều người bất ngờ. Sau thất bại ở vòng loại thứ hai World Cup 2022, chỉ số niềm tin vào nhà cầm quân người Nhật Bản đã giảm sút thê thảm. Việc ông bị sa thải là không thể tránh khỏi.
HLV Nishino đã được cảnh báo sẽ không thành công ở Thái Lan. Ảnh: Quang Thịnh. |
Thất bại đã được cảnh báo
Ngay khi tuyển Thái Lan chính thức “hết cửa” ở vòng loại World Cup 2022, những lùm xùm liên quan đến chiếc ghế của HLV Nishino đã liên tục nổi lên. Trên tờ Thairath, cựu giám đốc kĩ thuật FAT Witthaya Laohakul chua chát: “Tôi biết ngay từ lần đầu gặp mặt, ông Nishino sẽ không thể trụ lại tuyển Thái Lan quá lâu”.
Ông Laohakul nhớ lại: “Ông ấy chẳng mang trợ lý nào đến đây cả. Tôi từng đề nghị ngài chủ tịch FAT không nên ký hợp đồng với ông Nishino. Có rất nhiều lý do nhưng hai vấn đề lớn nhất là mức lương quá cao và việc ông ấy đến đây một mình, không hề có trợ lý nào”.
Ông Laohakul là người có tiếng nói không thể xem thường với bóng đá Thái Lan. Nhà cầm quân này từng dẫn dắt tuyển Thái vào giai đoạn 1997-1998. Ông cũng là Giám đốc Kỹ thuật FAT từ năm 2016 đến năm 2018. Khi còn là cầu thủ, Laohakul còn thi đấu cho đội bóng danh tiếng Hertha BSC tại Bundesliga.
Nhận định của chiến lược gia lão làng này hoàn toàn chính xác. Không dễ để tuyển Thái Lan tìm ra những trợ lý nội tốt nhất. Kiatisuk sau khi chia tay đội tuyển hiển nhiên không thể đi “giúp việc” cho người kế nhiệm. Dusit Chalermsan có một công việc “ngon lành” ở Thai League. Ngay cả Tawan Sripan từng là “cánh tay phải” của ông Nishino cũng rời tuyển quốc gia về làm việc cho CLB Bangkok United với mức lương ngất ngưởng.
Đã không mang trợ lý riêng đến Thái Lan, đến những trợ lý bản địa cũng có lựa chọn tốt hơn, dễ hiểu tại sao có nhiều thời điểm HLV Nishino tỏ ra cô độc. “Thuyền trưởng” của tuyển Nhật Bản tại World Cup 2018 đã không có sự chuẩn bị tốt nhất cho các trận đấu trên đất UAE.
Vấn đề này được chính ông Laohakul chỉ rõ: “Ông Nishino sẽ phải trả lời nhiều vấn đề. Ông ấy xem rất nhiều trận đấu tại Thai League 1 nhưng rồi mang quá nhiều người đến UAE. Chúng ta cần biết mình cần cầu thủ nào, ai quan trọng”.
Huyền thoại bóng đá Thái Lan Witthaya Laohakul nêu nhiều bất ổn về cách FAT làm việc với Nishino. Ảnh: Quang Thịnh. |
HLV ngoại rất cần trợ lý riêng
Điều này hoàn toàn trái ngược với câu chuyện của HLV Park Hang-seo. Khi thầy Park nhận lời dẫn dắt tuyển Việt Nam, trợ lý Lee Young-jin đã ở bên cạnh. Sau đó là sự xuất hiện của nhiều thành viên khác trong ban huấn luyện tuyển Việt Nam đến từ Hàn Quốc.
Trong đó, vai trò của trợ lý Lee là quan trọng nhất. Không ai còn lạ lẫm với hình ảnh ông Lee Young-jin có mặt trên khắp sân cỏ cả nước để “đãi cát, tìm vàng” thay cho HLV Park Hang-seo. Một số cầu thủ được lên tuyển do chính tay ông Lee “chấm” như A Mít, Trọng Hùng, Y Êli Niê...
Sự san sẻ ấy là rất cần thiết. Bởi không một HLV nào có thể tự mình làm tất cả công việc. Ngược lại, bản thân các trợ lý cũng cần có trình độ khác biệt và sự thấu hiểu về cách sống, cách làm việc của mỗi HLV trưởng.
Ông Alen Tupajic, người từng là trợ lý cho HLV Ljupko Petrovic tại Thanh Hoá năm 2017, chia sẻ với Zing: “Việc một HLV mang thêm trợ lý cùng quốc tịch khi làm việc tại châu Á là cần thiết. Đôi khi, các HLV trưởng rất cần trợ lý có khả năng thích nghi tốt, hiểu về bóng đá, hiểu về cuộc sống và dễ hoà đồng với đất nước mới".
“Tất nhiên, một trợ lý giúp đỡ HLV trưởng trên sân vẫn là quan trọng nhất. Tôi có thể cùng HLV ngoại xây dựng kế hoạch. Sau đó, tôi sẽ chỉ đạo các bài tập, HLV trưởng có thể yên tâm và theo dõi cầu thủ. Nhưng ở ngoài sân cỏ, vai trò của trợ lý đồng hương cũng rất quan trọng. Chúng tôi có thể ăn trưa, uống cà phê cùng nhau, chia sẻ những điều vui buồn trong cuộc sống mà trợ lý bản địa không đồng điệu được”, ông Alen nói thêm.
Thành công của ông Park có sự đóng góp lớn từ dàn trợ lý hùng hậu cả người Việt Nam và Hàn Quốc. Ảnh: Quang Thịnh. |
Thực tế chứng minh nhiều HLV với bản lý lịch hoành tráng nhưng đã thất bại ở V.League vì “tay không bắt giặc” ví dụ Ricardo Formosinho, người từng là trợ lý cho HLV Mourinho tại Porto. Hai năm ở Việt Nam, ông chỉ có thể giúp Long An trụ hạng. Bình Dương thậm chí thẳng tay sa thải Formosinho khi họ chỉ thắng có 3/13 trận đầu mùa.
Năm 2018, HLV Marian Mihail đến Thanh Hoá với phong cách đầy lịch lãm. Lãnh đạo đội bóng xứ Thanh tin rằng đây là lựa chọn đúng đắn bởi ông từng làm Giám đốc Kỹ thuật Liên đoàn Bóng đá Romania. Nhưng thất bại tan nát sau 4 vòng đấu tại V.League và bị loại sớm khỏi AFC Cup khiến HLV Mihail “bật bãi”.
Đáng nói hơn, khi chia tay Thanh Hoá, nhà cầm quân này để lại một mớ hỗn độn ở đội bóng. Nhiều người đánh giá rằng chính việc đến Việt Nam một mình, thiếu hiểu biết về V.League và không hoà nhập được với văn hoá Việt là nguyên nhân khiến ông Mihail thất bại.
Mang theo ê-kíp riêng chưa chắc đã giúp các HLV ngoại thành công ở châu Á. Nhưng khi đến một mình, tỷ lệ thất bại chắc chắn sẽ cao hơn. HLV Nishino tài năng, nhưng nhiều rào cản khách quan đã ngăn cản thành tựu của ông ở tuyển Thái.