Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trách nhiệm các nền tảng mạng xã hội với bảo vệ quyền tác giả

Nhu cầu sửa đổi, bổ sung Nghị định số 131/2013/NĐ-CP nhằm phù hợp với quy định nội dung mới và tạo lợi thế cho ngành sản xuất nội dung của Việt Nam hội nhập quốc tế.

Quyen tac gia anh 1

Bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó cục trưởng Cục Bản quyền tác giả - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Ảnh: Thanh Trần.

Sau 10 năm triển khai thực hiện, Nghị định số 131/2013/NĐ-CP đã góp phần giúp các cơ quan thực thi pháp luật trong công tác thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh việc thực hiện các quy định pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan; mang tính răn đe, phòng ngừa các hành vi vi phạm, nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp.

“Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện Nghị định cũng phát sinh những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ. Hành lang pháp lý về quyền tác giả, quyền liên quan vẫn cần có bước phát triển, hoàn thiện để phù hợp với tình hình thực tiễn, đáp ứng yêu cầu các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, tham gia”, bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó cục trưởng Cục Bản quyền tác giả - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nhận xét.

Đó cũng là những nội dung được thảo luận trong Hội nghị tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị định số 131/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan, do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì vào sáng ngày 31/3 tại TP.HCM.

Mức xử phạt chưa đủ sức răn đe

Mạng xã hội là nền tảng vi phạm nghiêm trọng nhất hiện nay và cũng mang lại nhiều bất cập cho chủ sở hữu nội dung khi xử lý

Với nhiều hình thức cung cấp dịch vụ nội dung trên môi trường Internet, cùng với mức độ kỹ thuật đa dạng, việc xử lý hành vi vi phạm trên nhiều nền tảng như hiện nay tạo ra nhiều bất cập cho chính chủ sở hữu nội dung cũng như cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Những hành vi vi phạm phổ biến là sao chép, định dạng lại các nội dung số. Đối tượng chính của hành vi xâm phạm này thường là các tác phẩm điện ảnh đã được công bố, bản ghi âm ghi hình âm nhạc, các chương trình phát sóng, các gameshow, các xuất bản phẩm điện tử như sách, truyện tranh. Ngoài ra còn có những hành vi khác ít được phân biệt như xâm phạm Live streaming, review phim bằng nội dung cắt xén…

Đại diện Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) cho rằng bên cạnh những kết quả đạt được, đơn vị nhận thấy mức xử phạt hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền tác giả đã trở nên không còn phù hợp, không còn tương thích so với các khoản lợi bất chính thu được của người vi phạm cũng như những thiệt hại khôn lường gây ra cho các chủ sở hữu quyền.

Quyen tac gia anh 2

Luật sư Phan Vũ Tuấn trình bày đề xuất của mình tại hội nghị. Ảnh: Thanh Trần.

“Mức xử phạt thấp dẫn đến việc không đủ răn đe. Trong khi đó lợi nhuận từ các hành vi vi phạm lại lớn khiến nhiều người bất chấp quy định để kiếm lợi. Cứ mỗi lần xử phạt lại thay đổi tên miền, cho ra đời một website mới để đối phó, thậm chí có một trường hợp đến nay đã lên đến 100 website. Đây là một vấn đề rất khó khăn của các chủ sở hữu khi họ gặp phải”, luật sư Phan Vũ Tuấn chia sẻ.

Chẳng hạn, đối với hành vi biểu diễn trực tiếp tác phẩm trước công chúng mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định, hiện quy định chỉ áp dụng mức phạt đối với cá nhân là từ 5 đến 10 triệu đồng, đối với tổ chức là từ 10 đến 20 triệu đồng. Mức phạt được đánh giá là quá thấp so với quy mô và doanh thu của các chương trình biểu diễn hiện nay (từ vài tỷ đến hàng chục tỷ) và cũng nhỏ hơn so với giá trị tiền nhuận bút mà các đơn vị tránh né, không trả cho tác giả.

Việc này lâu dần sẽ dẫn đến tâm lý và thói quen coi thường nghĩa vụ luật định, công khai xâm phạm quyền tác giả để giảm chi phí, tăng lợi nhuận. Vì vậy, đại diện Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đề nghị cần có mức xử phạt cao hơn và đủ sức răn đe đối với hành vi xâm phạm thì mới có thể tạo được nề nếp, ý thức tuân thủ các quy định về quyền tác giả theo Luật Sở hữu trí tuệ, ngăn chặn hành vi xâm phạm và tái phạm.

Hành lang pháp lý để bảo vệ sản phẩm trong nước

Theo luật sư Phan Vũ Tuấn, trong Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung có quy định trách nhiệm của những nhà cung cấp dịch vụ trung gian (ISP) thông qua việc thực hiện đầy đủ những nguyên tắc, tuy nhiên vẫn chưa có quy định cụ thể trong trường hợp những nhà cung cấp này không thực hiện hết nghĩa vụ của mình.

Từ thực trạng trong nhiều năm qua, mạng xã hội trở thành nơi các chủ sở hữu dễ bị chiếm đoạt quyền mà không cách nào xử lý được vì cơ sở pháp lý quá ít đối với các nền tảng.

Quyen tac gia anh 3

(Từ trái sang) Ông Hà Văn Luân - Phó Chánh Thanh tra Bộ VHTTDL, bà Phạm Thị Kim Oanh - Phó cục trưởng Cục Bản quyền tác giả - Bộ VHTTDL và ông Nguyễn Thanh Sơn - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ VHTTDL lắng nghe ý kiến về những khó khăn và đề xuất tại Hội nghị. Ảnh: Thanh Trần.

“Chúng tôi rất mong muốn trong Nghị định 131 sửa đổi sẽ có quy định cụ thể đối với điều 198B về trách nhiệm của các nhà cung cấp dịch vụ trung gian. Các nền tảng phải có nghĩa vụ tuân theo quy định và pháp luật của Việt Nam. Để làm được việc đó thì ngoài việc đặt sever tại Việt Nam, họ có nghĩa vụ phải cung cấp các thông tin theo yêu cầu quản lý của Nhà nước”, luật sư Phan Vũ Tuấn đề nghị.

Ông cũng đề xuất một số cơ sở pháp lý của các nước khác như Mỹ, Anh, Australia, Trung Quốc… về quyền tác giả. Bởi nhiều trường hợp, các chủ sở hữu Việt Nam có sản phẩm bị vi phạm ở nước ngoài đã được hỗ trợ và xử lý.

“Ngay cả các tổ chức quốc tế còn có thể can thiệp được, thì nếu chúng ta có những quy định phù hợp, chúng ta có thể đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của mình ngay tại Việt Nam. Hiện tại, khả năng sản xuất các nội dung hợp với thị hiếu quốc tế của chúng ta là rất tốt, thu được lợi nhuận về cho chủ sở hữu bản quyền. Vậy nếu có cơ chế bảo vệ tốt hơn ở chính Việt Nam, điều này mang lại nhiều lợi ích cho ngành sản xuất nội dung của Việt Nam khi đi ra quốc tế”, ông lý giải.

Bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó cục trưởng Cục Bản quyền tác giả - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đồng ý rằng mức phạt hiện nay còn nhiều bất cập. “Việc thực thi Nghị định 131 không chỉ là biện pháp xử phạt, mà còn nhằm để ngăn chặn, răn đe mọi người không vi phạm pháp luật”, bà nói.

Qua quá trình thảo luận về vấn đề bản quyền, bà Kim Oanh cho rằng sẽ cần sửa đổi, bổ sung Nghị định 131 để đảm bảo phù hợp với sự thay đổi của quy định pháp luật nội dung, đồng thời chú trọng đến quá trình thực thi quyền tác giả trong cuộc sống. Trong đó, cần tập trung vào các điều khoản, các hành vi liên quan tới xâm phạm bản quyền trên môi trường Internet, trách nhiệm của các nhà cung cấp dịch vụ trung gian.

“Đây cũng là một trong những biện pháp để Việt Nam có thể thực thi một cách nghiêm túc các điều ước quốc tế, đặc biệt là hai điều ước quốc tế về bản quyền trên Internet một khi chúng ta đã cam kết sẽ tham gia vào sân chơi chung”, bà nói thêm.

Liên minh Kinh tế sáng tạo Mỹ hướng tới bảo vệ giới xuất bản

Theo tin từ AP, các tổ chức đại diện cho nhà xuất bản sách, đơn vị bán sách và tác giả Mỹ đã thành lập một liên minh để bảo vệ bản quyền và phản đối một đạo luật tại nước này.

Vấn đề bản quyền trong thời đại AI

Theo tác giả Tomoe Ishizumi trong tương lai gần, luật bản quyền cũng sẽ được cập nhật để đón đầu thời đại mà AI được áp dụng trong nhiều tình huống khác nhau.

Thanh Trần

Bạn có thể quan tâm