Tranh sơn dầu Chân dung Mẹ tôi là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của họa sĩ Nguyễn Nam Sơn. Ảnh: Drouot. |
Tối qua, nhà đấu giá Drouot giao dịch bức tranh lịch sử của Nguyễn Nam Sơn, Chân dung Mẹ tôi.
Theo nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi, cháu ngoại của họa sĩ Nam Sơn, có rất nhiều câu hỏi được đặt ra với buổi đấu giá này.
Tác phẩm tranh sơn dầu Chân dung Mẹ tôi là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của họa sĩ Nguyễn Nam Sơn. Với vai trò họa sĩ tiên phong nền Mỹ thuật Việt Nam, mức giá khởi điểm của bức tranh được dự kiến 200.000-300.000 euro.
Tuy nhiên, trước giờ đấu giá đã xảy ra lỗi kỹ thuật hiếm thấy, đường link mất khiến những người đấu giá online phải loay hoay tìm cách liên hệ nhà đấu giá để hỏi, một số người không vào được phiên đấu giá online.
"Người điều khiển phiên đấu giá trước cũng kéo dài thời gian một chút, nhưng cũng đành gõ 200.000 euro. Người gõ búa cũng trong tâm trạng ngỡ ngàng nhưng bà có lẽ không biết lỗi kỹ thuật này khó khắc phục được nhanh đối với một số người đấu giá online chưa có nhiều kinh nghiệm", nhà sưu tập Phạm Hoàng Việt mô tả lại phiên đấu giá.
Chia sẻ với Zing, nhà sưu tập Phạm Hoàng Việt cho biết người mua được tác phẩm là người có mặt trực tiếp tại sàn đấu giá. Thông tin về người đấu giá thắng cuộc không được công bố.
Bức tranh Chân dung mẹ tôi được đấu giá thành công với giá 200.000 euro. Ảnh: FB Lê Kim-Khôi. |
Theo nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi, tất cả diễn ra "trong một thoáng chốc", bắt đầu bằng giá 150.000 EUR. Theo bước giá mười nghìn, nhảy lên 200.000 EUR trong vòng chưa đến 30 giây. "Thong thả, đắn đo ở mức giá này rất lâu, tưởng như vô tận, mà thật ra chỉ hơn một phút sau đó, không thấy ai đưa mức giá cao hơn… “Adjugé !” cùng tiếng búa gõ xuống vang lên dư âm khô khan…", ông chia sẻ sự nuối tiếc trên trang cá nhân.
Nhiều người sau đó cũng bày tỏ sự nuối tiếc bởi lỗi kỹ thuật lần này khiến bức tranh được bán với giá "quá tốt", "quá hời với một bức tranh của danh họa có nguồn gốc rõ ràng như thế".
Theo nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi, tuy là đồng sáng lập trường Mỹ Thuật Đông Dương, nhưng tác phẩm của Nam Sơn rất hiếm hoi, thuộc về các sáng tác được truy tìm gay gắt trong giới thưởng ngoạn cũng như các nhà sưu tập.
Trong phần giới thiệu của nhà đấu giá Drouot, Chân dung Mẹ tôi là bức tranh sơn dầu và mạ vàng trên canvas thể hiện chân dung mẹ của họa sĩ, bà Nguyễn Thị Lân. Ký tên phía dưới bên phải cho biết địa điểm Hà Nội và năm 1930. Trên cùng bên phải chữ Hán "Gia từ cận tượng" (chân dung mẹ tôi). Phía dưới bên trái chữ Hán “Nam tử Nguyễn Văn Thọ bái họa" (Con trai Nguyễn Văn Thọ lạy vẽ).
Chân dung bà Nguyễn Thị Lân được diễn tả trang trọng và uy nghi. Bà ngồi trên một chiếc ghế, mặc áo tràng với tay rộng, cổ áo chéo trên ngực. Bà đội mũ khăn và khoác áo theo Phật giáo truyền thống. Quanh cổ là chuỗi tràng hạt, ngực đeo Kim Khánh "Tiết hạnh khả phong" do vua Bảo Đại ban năm 1927 (dưới thời Phụ chính Đại thần Tôn Thất Hân). Đặt trên gối là quyển kinh được bà cầm bằng cả hai tay, một ngón tay tinh tế len vào giữa những trang sách cho thấy có thể bà đang đọc dở.
Bức tranh từng được trưng bày trong dịp Triển lãm Thuộc địa ở Paris vào năm 1931. Năm sau, bức tranh được triển lãm tại Salon des Artistes Français tổ chức ở Grand Palais. Tại đây, Nguyễn Nam Sơn đã được trao huy chương bạc vì dù rất nhiều tranh và điêu khắc trong triển lãm này, nhưng “bức chân dung mẹ tôi” để lại một ấn tượng sâu sắc kỷ niệm đáng nhớ cho nhiều du khách của triển lãm này.
Yvonne Pierre Laurens, họa sĩ và nhà điêu khắc, thành viên của Salon des artistes Français, đã xúc động trước bức tranh và viết cho họa sĩ: "Nó gây ấn tượng bởi vẻ uy nghi của nó, sự quý phái của các khối cân đối đáng chú ý, màu sắc. Nó là một tác phẩm nghệ thuật”.
Trong cuộc triển lãm này tại Grand Palais, bức tranh đã được mua bởi Henri Sambuc.
Nam Sơn hay còn gọi là Nguyễn Nam Sơn, tên thật Nguyễn Văn Thọ (1890-1973), quê gốc ở Vĩnh Yên, sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, là một trong những họa sĩ Việt Nam đầu tiên của nền hội họa đương đại.
Trường Mỹ thuật Đông Dương do Victor Tardieu và Nguyễn Nam Sơn thành lập đã đánh dấu một bước ngoặt thực sự trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam khi đào tạo nhiều thế hệ sinh viên Việt Nam theo truyền thống hội họa phương Tây như Lê Phổ, Lê Văn Đệ, Mai Trung Thứ, Vũ Cao Đàm, Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Gia Trí...