Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thanh tra toàn diện thị trường bảo hiểm

Bộ Tài chính đang thanh tra hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm. Năm 2023, có 10 doanh nghiệp bảo hiểm bị thanh tra và sẽ tiếp tục thanh tra thêm 6 doanh nghiệp trong năm 2024.

thanh tra bao hiem anh 1

Bốn doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ được Bộ Tài chính chỉ ra sai phạm sau khi thanh tra.

Đầu tháng 1/2024, Bộ Tài chính hoàn thành thanh tra 10 doanh nghiệp bảo hiểm. Trao đổi với PV Tiền Phong, một lãnh đạo Cục Quản lý Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, đã hoàn thành kết luận thanh tra 2 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ. Những vi phạm của doanh nghiệp bảo hiểm tương tự 4 doanh nghiệp đã công bố trước đây.

“Sau khi thanh tra, đơn vị thanh tra sẽ hoàn thiện kết luận, trình Vụ Pháp chế, Thanh tra Bộ Tài chính và gửi lại doanh nghiệp bảo hiểm để trao đổi - giải trình trước khi công bố theo quy định”, lãnh đạo Cục Quản lý bảo hiểm cho biết.

Danh sách doanh nghiệp bảo hiểm thanh tra năm 2023 chờ công bố kết luận gồm: Công ty bảo hiểm nhân thọ Manulife Việt Nam (Manulife), AIA, Dai-ichi... Nửa đầu năm 2023, Bộ Tài chính hoàn thành thanh tra 4 doanh nghiệp bảo hiểm, Bộ Tài chính chỉ ra hàng loạt sai phạm của đại lý tư vấn bảo hiểm và yêu cầu tổng giám đốc doanh nghiệp bảo hiểm xử lý nghiêm, có văn bản báo cáo. Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, hiện nay chưa có quy định chi tiết về thời gian công bố kết luận thanh tra.

“Cuối tháng 11/2023, Bộ trưởng Tài chính đã ban hành kế hoạch thanh tra 6 doanh nghiệp, trong đó có 4 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ và 2 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ”, Bộ Tài chính cho biết.

Trong lúc cơ quan quản lý thanh tra doanh nghiệp bảo hiểm, nhiều khách hàng mòn mỏi chờ đòi quyền lợi. Chị Nguyễn Thanh Nga (Thanh Hoá) cho biết, khi đến gửi tiết kiệm tại một ngân hàng được nhân viên chào mời chuyển sang sản phẩm tiết kiệm linh hoạt, lãi suất cao, được tặng kèm hợp đồng bảo hiểm. Tin lời nhân viên, chị Nga đã chuyển 200 triệu đồng cho sản phẩm bảo hiểm nhân thọ.

“Nhân viên tự ý kê khai sai thông tin của tôi và người thân trong hợp đồng bảo hiểm. Thời điểm cấp hợp đồng, con gái tôi mới 16 tuổi, đang đi học nhưng nhân viên bảo hiểm kê khai sai thành đã kết hôn, làm chủ cửa hàng, thu nhập 50 triệu đồng/tháng. Khi phát hiện các lỗi sai, tôi đến ngân hàng khiếu nại, đại diện ngân hàng cho biết, nhân viên bảo hiểm nghỉ việc, có nhiều khách hàng đang khiếu nại như trường hợp của tôi. Tôi rất mong nhận lại khoản tiền của mình bị tư vấn sai lệch”, chị Nga chia sẻ.

Cùng cảnh ngộ, chị Hồ Ngọc Điệp (TP.HCM) chia sẻ, gia đình đã mất khoản phí gần 120 triệu đồng đóng hợp đồng bảo hiểm do nhân viên tư vấn sai. Theo chị Điệp, tư vấn viên giải thích, sau 10 năm rút ra được số tiền như gửi vào thậm chí nhiều hơn. Tư vấn viên bảo hiểm tự khai toàn bộ lịch sử bệnh không bị bệnh gì. Khi mẹ chị Điệp bệnh thật, nộp hồ sơ để bồi thường viện phí, công ty bảo hiểm từ chối với lí do “khai không trung thực” về hồ sơ sức khoẻ.

“Hành vi gian dối của tư vấn viên bảo hiểm xảy ra ở nhiều nơi, nhiều khách hàng như chúng tôi bị mắc bẫy. Tôi mong muốn cơ quan chức năng thanh tra và xử phạt nặng tư vấn viên, doanh nghiệp sai phạm và trả lời quyền lợi chính đáng cho khách hàng”, chị Điệp kiến nghị.

Chi phí bồi thường tăng vọt

Cùng với việc cơ quan chức năng đẩy mạnh thanh tra toàn diện thị trường bảo hiểm, năm 2023, nhiều doanh nghiệp đối mặt tình trạng số người mua bảo hiểm hủy bỏ hợp đồng tăng cao. Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2023, Công ty bảo hiểm nhân thọ Manulife Việt Nam cho biết, tổng chi phí bồi thường và trả tiền bảo hiểm lên đến hơn 8.800 tỷ đồng, tương đương mức tăng 45% so với cùng kỳ năm trước.

Tương tự, báo cáo tài chính bán niên 2023 của Cty bảo hiểm General cũng cho thấy, tổng chi bồi thường và trả tiền bảo hiểm lũy kế đến cuối quý 2/2023 ở mức hơn 555 tỷ đồng, tăng mạnh so với cuối quý 2/2022. Trong đó, bồi thường nằm viện và chi phí thuốc men chiếm 220 tỷ, việc hủy bỏ hợp đồng chiếm gần 154 tỷ đồng. Chi phí bồi thường khác chỉ từ vài tỷ đồng đến cao nhất 73 tỷ đồng.

Số liệu của Bộ Tài chính cho thấy, năm 2023, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 227.596 tỷ đồng, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ tăng 2%, thị trường bảo hiểm nhân thọ giảm khoảng 12,5% so với cùng kỳ năm 2022. Chi trả quyền lợi bảo hiểm ước khoảng 86.467 tỷ đồng, tăng 31,1% so với cùng kỳ năm trước.

Chuyên gia bảo hiểm Trần Nguyên Đán cho rằng, hiện nay, Bộ Tài chính đã có đường dây nóng tiếp nhận khiếu nại của người dân liên quan bảo hiểm. Thời gian tới, cơ quan quản lý cần cập nhật tiến độ thanh tra, quá trình xử lý khiếu nại về hợp đồng bảo hiểm.

“Thời gian qua, cơ quan chức năng bổ sung quy định xử phạt đại lý cá nhân, nhưng còn lỏng lẻo ở đại lý tổ chức (bao gồm ngân hàng). Do đó, cần có mức xử phạt mang tính răn đe, phạt theo tỉ lệ phần trăm doanh số. Khi số tiền phạt quá lớn so với khoản lợi bất chính thì đại lý cá nhân và tổ chức đều không dám làm sai”, ông Đán kiến nghị.

Cơ sở để cấm tuyệt đối nồng độ cồn với tài xế

Trong khi Bộ Công an cho rằng cần cấm tuyệt đối nồng độ cồn bằng 0 thì mới đây Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) lại có văn bản xin ý kiến các chuyên gia về nội dung này.

https://tienphong.vn/thanh-tra-toan-dien-thi-truong-bao-hiem-post1613999.tpo

Ngọc Linh/Tiền Phong

Bạn có thể quan tâm