Bộ Công an đang lấy ý kiến về báo cáo giải trình một số nội dung mới trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6.
Một nội dung đáng chú ý của dự luật là việc cấm tuyệt đối người điều khiển phương tiện giao thông khi trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
Lý giải đề xuất này, Bộ Công an phân tích, hành vi sử dụng rượu bia khi lái xe là vấn đề xã hội không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới. Hiện nhiều quốc gia khác đã có quy định xử lý rất nghiêm khắc với người lái xe có nồng độ cồn.
Theo Bộ Công an, với điều kiện văn hóa và giao thông ở Việt Nam hiện nay, thực tế rất cần quy định nồng độ cồn bằng 0 khi lái xe. Lý giải, Bộ Công an nhấn mạnh điều kiện giao thông ở Việt Nam hiện tồn tại nhiều đặc thù.
Trong khi đó, văn hóa ẩm thực của người Việt có nhiều đặc thù, mang tính cả nể. Do vậy, nếu quy định nồng độ bằng 0 thì không uống, trong khi nếu có một hạn mức nào đó thì lái xe có thể gặp trường hợp bị ép uống.
Cũng liên quan đến vấn đề này, vào đầu tháng 1, Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có văn bản gửi các chuyên gia, một số đơn vị chuyên khoa, đề nghị nghiên cứu, đề xuất về vấn đề nồng độ cồn trong máu hoặc khí thở của người điều khiển phương tiện giao thông.
Việc đề xuất được căn cứ từ khía cạnh y tế như nồng độ cồn phát hiện trong cơ thể không do sử dụng rượu, bia; giới hạn nồng độ cồn trong máu hoặc khí thở của người điều khiển phương tiện giao thông.
Bộ Công an đề xuất cấm tuyệt đối nồng độ cồn bằng 0 khi tham gia giao thông. Ảnh: Đình Hiếu. |
Cục đề nghị các chuyên gia, đơn vị nghiên cứu, cho ý kiến và gửi những đề xuất nội dung quy định về Cục trước ngày 20/2, để tổng hợp, báo cáo lãnh đạo Bộ Y tế. Đây sẽ là cơ sở để nghiên cứu, đề xuất quy định nồng độ cồn trong máu hoặc trong khí thở lái xe. Hiện nay, các văn bản quy phạm pháp luật không có quy định về cồn tự nhiên trong cơ thể.
Trước đó, tại Luật Phòng chống tác hại rượu bia quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn trong máu khi tham gia giao thông.
Từng trả lời PV VietNamNet, PGS. TS. Phạm Việt Cường (Trung tâm Nghiên cứu chính sách và phòng chống chấn thương, Đại học Y tế Công cộng) cho rằng, quy định không được phép có nồng độ cồn trong máu với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông ở nước ta là hợp lý.
Bởi qua những chiến dịch của lực lượng CSGT thực hiện việc kiểm tra nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông cho thấy tác động của Luật rất tốt. Người dân đã thay đổi hành vi, tỷ lệ người uống rượu bia lái xe đã giảm rõ rệt, tai nạn giao thông do rượu bia gây ra cũng giảm.
Từng tham gia một số hội thảo do Bộ Công an tổ chức, ông Cường cho biết các báo cáo đều khẳng định chưa gặp trường hợp nào ăn hoa quả hay thực phẩm lên men mà bị xử phạt tương tự như vi phạm nồng độ cồn do uống rượu bia.
“Do đó tôi cho rằng quy định tài xế không có nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông là hợp lý. Về mặt khoa học, khi anh đã có nồng độ cồn trong người là đã bắt đầu bị tác động lên hệ thần kinh. Không riêng Việt Nam, nhiều nước trên thế giới cũng thực hiện xử phạt người điều khiển phương tiện tham gia giao thông có nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở”, ông Cường nhấn mạnh.
Về lâu về dài khi người dân có ý thức chấp hành nghiêm túc quy định về nồng độ cồn thì lúc đó theo ông Cường có thể cân nhắc cho phép giới hạn nhỏ. Còn trong giai đoạn hiện nay cần phải giữ nguyên quy định như trong Luật Phòng chống tác hại của rượu bia và dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đang được Bộ Công an lấy ý kiến.
Báo cáo của Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia cho biết, trong 7 ngày nghỉ Tết, toàn quốc xảy ra 541 vụ tai nạn giao thông, làm chết 214 người và 504 người bị thương (giảm 69 người chết so với cùng kỳ Tết Nguyên đán 2023).
Còn theo Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an, thống kê số người vi phạm nồng độ cồn chiếm 41,2% trong tổng số vi phạm về trật tự an toàn giao thông trong dịp Tết vừa qua. Các địa phương xử lý vi phạm nồng độ cồn cao gồm TP HCM trên 2.500 trường hợp, Hà Nội gần 1.200, Đồng Nai hơn 1.000, Bắc Giang 975, Nghệ An 880, Bình Phước 870 trường hợp.