Thanh toán không tiền mặt tiếp tục tăng mạnh, trong khi giao dịch qua ATM giảm. Ảnh: Lam Giang. |
Phát biểu tại họp báo công bố chuỗi sự kiện Ngày không tiền mặt 2024 diễn ra chiều 28/5, ông Lê Anh Dũng, Phó vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết trong 4 tháng đầu năm, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đã tăng hơn 57% về số lượng và gần 40% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, hoạt động thanh toán qua kênh Internet tăng 47% về số lượng và 30% về giá trị, kênh điện thoại di động tăng 59% về số lượng và 36% về giá trị. Trong khi đó, giao dịch qua ATM tiếp tục giảm hơn 14% về số lượng và giảm 8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.
Xét trên mốc thời gian rộng hơn, số lượng giao dịch thanh toán qua kênh Internet và di động bình quân giai đoạn 2021-2023 lần lượt tăng trưởng ở mức 52% và 103%. Đồng thời, tăng trưởng về số lượng và giá trị thanh toán qua mã QR đạt hơn 170%.
Đại diện NHNN đánh giá thanh toán không tiền mặt đang ngày càng trở nên phổ biến. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển nhanh chóng, hoạt động thanh toán không tiền mặt đã gặp phải nhiều lỗ hổng về vấn đề bảo mật.
Với vai trò là đơn vị cung cấp hạ tầng thanh toán, thẻ và tài khoản, ông Nguyễn Hoàng Long - Phó tổng giám đốc NAPAS - cho biết những chiêu trò lừa đảo phổ biến hiện nay đều đánh vào tâm lý lòng tham hoặc nỗi sợ hãi của người dân để họ thực hiện các giao dịch thanh toán thật và chuyển tiền cho kẻ gian.
Do đó, để giải quyết các vấn đề này, ông cho rằng bước đầu tiên phải phối hợp truyền thông, tuyên truyền để nêu cao sự cảnh giác của người dân. Đồng thời, ông lưu ý người dùng đôi khi phải chậm lại trước khi thực hiện thao tác chuyển tiền.
Họp báo công bố chuỗi sự kiện Ngày không tiền mặt 2024 diễn ra chiều 28/5. Ảnh: SBV. |
Trước thực trạng trên, các bộ, ban ngành cũng đã thực hiện nhiều giải pháp mạnh giúp bảo vệ khách hàng, củng cố lòng tin vào phương thức thanh toán điện tử.
Theo Quyết định 2345 của NHNN, từ ngày 1/7 tới đây, việc chuyển tiền qua tài khoản trực tuyến hoặc nạp tiền vào ví điện tử trên 10 triệu đồng phải được xác thực sinh trắc học (khuôn mặt và vân tay).
Nếu chuyển dưới 10 triệu đồng/lần nhưng tổng các giao dịch trong ngày chạm mốc 20 triệu đồng thì đến lần chuyển tiếp theo trong ngày đó phải xác thực bằng sinh trắc học dù chỉ chuyển vài nghìn đồng.
Về phía ngân hàng, ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu (ACB) cho biết để thực hiện các nội dung của Quyết định 2345, ngân hàng phải đầu tư rất lớn trong khi hầu hết dịch vụ giao dịch của ngân hàng đều miễn phí.
"Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng việc đầu tư này 'đáng đồng tiền bát gạo' vì nó mang lại sự an toàn cho khách hàng. Và khi khách hàng thấy được sự an toàn đó, họ sẽ tìm đến sử dụng các dịch vụ của ngân hàng”, ông Phát nói.
Lãnh đạo ACB nhấn mạnh khi thực hiện xác thực sinh trắc học, trải nghiệm của khách hàng sẽ không bị ảnh hưởng và rất mượt mà.
"Người dùng chỉ mất lần đầu xác thực với căn cước công dân và khuôn mặt là sau đó có thể thực hiện các giao dịch rất dễ dàng”, ông Phát bổ sung và cho biết trong tháng 6 tới sẽ thông báo đến khách hàng về việc đăng ký xác thực thông tin.
Tri thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.
Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.