Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Thành phố ma' Chernobyl nhìn từ camera bay

Gần 30 năm sau sự cố hạt nhân tồi tệ nhất lịch sử loài người, thành phố Pripyat, Ukraine, nằm bên cạnh nhà máy điện hạt nhân Chernobyl, vẫn hằn nguyên dấu vết của thảm họa.

Khung cảnh hoang tàn ở Pripyat nhiều năm sau thảm họa hạt nhân. Ảnh: Goodlifer

Lò phản ứng số 4 của nhà máy điện nguyên tử Chernobyl phát nổ ngày 26/4/1986, gây ra sự cố hạt nhân tồi tệ nhất lịch sử loài người. Chính quyền Liên Xô phải khẩn cấp sơ tán 49.000 người sống tại Pripyat, thành phố nằm cách nhà máy điện hạt nhân chưa đầy 4 km. Gần 50.000 người rời đi bỏ lại trường học, nhà cửa, bệnh viện, nhà máy và công viên.

Nhiều thập niên sau sự cố kinh hoàng, những người hiếu kỳ đã quay trở lại Pripyat bất chấp lượng phóng xạ còn tồn đọng trong khu vực có thể khiến họ gặp nguy hiểm. Một trong những kẻ liều mạng là Danny Cooke. Ông trở lại Pripyat và Chernobyl cùng camera bay, loại thiết bị ghi hình đang ngày càng phổ dụng trên khắp thế giới.

Cooke tới Pripyat và Chernobyl trong tháng 6/2014 khi đang làm việc cho CBS News. Thiết bị chuyên dụng của Cooke giúp người xem có cái nhìn hoàn toàn khác về vùng thảm họa, vốn bị bỏ hoang suốt hơn 28 năm qua. Cooke chia sẻ: “Thật khó để giải thích nhưng tôi cảm thấy mình khác biệt rất nhiều sau chuyến đi. Quan điểm của tôi về cuộc sống cũng đã có phần thay đổi”.

Phóng viên Cooke cũng chia sẻ thêm với CNN: “Khi tiếp cận khu vực, tôi biết rằng phóng xạ là thứ vô hình nhưng vẫn cảm thấy cơ thể mình bị tác động. Đó là do yếu tố tâm lý. Bộ não của tôi cho tôi biết rằng dường như mình đã lựa chọn sai lầm và đây là ý tưởng rất tồi. Tuy nhiên, đã quá muộn để quay lại và tôi không bao giờ hối tiếc khi tới nơi này”.

“Ngôi trường bị bỏ hoang ở Pripyat là một trong những hình ảnh tôi không bao giờ quên trong đời mình. Nó cũng cho thấy những gì mà 49.000 người di tản phải trải qua là điều không thể tưởng tượng hay diễn tả nổi”, Cooke nói.

Hồng Duy

Bạn có thể quan tâm