Ngày 29/12, cơ quan chức năng Trung Quốc thông báo sẽ tạm dừng làm thủ tục thông quan mặt hàng thanh long Việt Nam cho đến ngày 26/1 vì phát hiện virus SARS-CoV-2. Chỉ một ngày sau khi nhận được tin, khoảng 500 xe chở thanh long ở Lạng Sơn đã quay đầu về kêu gọi tiêu thụ thị trường nội địa.
Theo ghi nhận, ngoài mít Thái, trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh phía Bắc như Hà Nam, Bắc Giang, Hải Dương... nhiều người đang kêu gọi "giải cứu" thanh long là hàng tắc biên quay đầu vì Trung Quốc ngưng thu mua.
Nếu như bình thường, thanh long ruột đỏ có giá khá cao lên tới 50.000-70.000 đồng/kg thì hiện loại trái cây này được rao bán theo số lượng thùng với giá 50.000-100.000 đồng/thùng trọng lượng 7-19 kg, tương đương chỉ 4.000-17.000 đồng/kg.
Rầm rộ "giải cứu"
Khoảng 3-4 ngày nay, trên các trang chợ mạng, thanh long ruột đỏ, ruột trắng được kêu gọi “giải cứu” tràn lan trên mạng xã hội với nhiều mức giá khác nhau. Chị Nguyễn Na (quận Cầu Giấy, Hà Nội) đang rao bán 1.000 thùng thanh long ruột đỏ hàng xuất khẩu quay đầu với giá 80.000 đồng/thùng 7 kg.
"Tính ra chỉ 11.000 đồng/kg, bình thường mặt hàng này không thể có giá rẻ như vậy. Do Trung Quốc thông báo ngưng nhập khẩu, hàng ùn ứ lâu nay phải quay đầu bán tháo giá rẻ vì sợ hư hỏng", chị nói.
Theo chị, các mặt hàng trái cây xuất sang Trung Quốc như mít Thái, dưa hấu, xoài hay thanh long hiện nay có giá rất rẻ, người dân nên tranh thủ cơ hội này để ăn trái cây chất lượng, giá tốt. "Vì giá rẻ nên số lượng người đặt mua rất nhiều, có người mua 3-4 thùng. Từ sáng đến giờ tôi đã bán được khoảng hơn 300 thùng", chị kể.
Để tránh hư hỏng phải đổ bỏ và thu hồi vốn, nhiều chủ xe hàng phải quay đầu về kêu gọi "giải cứu" thanh long giá rẻ. Ảnh: Thanh Thương. |
Trong khi đó, cùng là mặt hàng thanh long ruột đỏ xuất khẩu quay đầu, nhưng chị Dương Mai (Lục Nam, Bắc Giang) đang rao bán chỉ 80.000 đồng/thùng loại 17 kg, tương đương hơn 4.000 đồng/kg. "Vì Trung Quốc đóng cửa, không xuất đi được nên chủ hàng phải quay đầu bán giá rẻ", chị lý giải.
Tại huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh), ngày 30/12, Hội nông dân huyện này cũng kêu gọi cán bộ, hội viên nông dân "giải cứu" thanh long ruột đỏ cho hội viên có 1 xe container thanh long ruột đỏ bị quay đầu do Trung Quốc đóng biên. Mức giá giải cứu là 100.000 đồng/thùng 15 kg và 50.000 đồng/ thùng 7 kg.
Theo quan sát, thanh long được đóng gói cẩn thận và có nhãn bằng chữ Trung Quốc vì đây là sản phẩm phục vụ xuất khẩu sang thị trường này. Ngoài ra, trên thùng vẫn có nhãn phụ ghi rõ thương hiệu thanh long Bình Thuận, Long An.
Vừa mua 3 thùng thanh long với giá 150.000 đồng, chị Minh Hoài cho biết nghe tin có xe thanh long xuất khẩu bán với giá rẻ nên chị liền ra mua. "Chưa bao giờ thấy thanh long ruột đỏ giá rẻ đến vậy. Một thùng 10 quả được đóng gói cẩn thận, mẫu mã đẹp nhưng chỉ 50.000 đồng. Tôi mua cho gia đình và mua thêm cho người thân ủng hộ người nông dân", chị nói.
Nông dân điêu đứng vì thanh long rớt giá
Sốt ruột vì giá thanh long liên tục rớt giá, chị Hồ Kim Liên - chủ nhà vườn khoảng 1.000 trụ thanh long ở Hàm Tân, Bình Thuận - cho biết hiện nay vì thông tin Trung Quốc ngưng nhập khẩu đến hết tháng 1 năm sau nên giá loại trái cây này cũng vì thế mà xuống theo.
"Ngày hôm qua giá thanh long ruột đỏ tại vườn xuống còn 11.000 đồng/kg loại đẹp. Thương lái cũng không còn mặn mà hỏi mua như trước, nếu có cũng ép giá rất thấp vì Trung Quốc đóng cửa khẩu khiến hàng ùn ứ nhiều", chị nói.
Tại diễn đàn trực tuyến Kết nối sản xuất - chế biến nông sản và thúc đẩy thị trường nội địa tổ chức sáng 31/12, bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NNPTNT) tỉnh Long An cho biết trước khi có thông tin Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu thanh long, hầu hết thương lái cam kết mua thanh long của người dân với giá 22.000 đồng/kg, đủ để người dân thu về lợi nhuận cho chi phí sản xuất cả năm.
"Song, từ khi có thông tin Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu thanh long, đồng loạt các kho thanh long trên địa bàn tỉnh Long An đã tạm dừng thu nhận hàng. Do đó, ngày 27-28/12 vừa qua, các thương lái đã yêu cầu các kho phải bồi thường cho lượng thanh long đã được thu mua từ phía người dân", bà nói.
Ông Phan Văn Tấn - Phó giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bình Thuận - cũng cho biết thanh long của tỉnh chủ yếu xuất khẩu qua thị trường Trung Quốc, chiếm khoảng 70-80%.
"Người nông dân đang rất mong chờ việc xuất khẩu trong dịp Tết này, nhưng hiện nay tình hình rất khó khăn. Dự kiến từ nay đến Tết Nguyên đán sẽ có khoảng 3 đợt thu hoạch, tổng khoảng 120.000 tấn thanh long", ông nói.
Hàng năm, người trồng thanh long thường đặt rất nhiều kỳ vọng vào vụ tết. Ảnh: An Bình. |
Theo ông Tấn, hiện tỉnh Bình Thuận có 111 cơ sở thu mua, chế biến, trữ lượng tổng kho lạnh là 16.000 tấn. Trong đó có 13 cơ sở chế biến, quy mô nhỏ và vừa. Con số này so với tổng sản lượng của tỉnh là “không đáng bao nhiêu”.
“Giá hiện tại chỉ 7.000-8.000 đồng/kg với thanh long loại 1. Hàng loại 2, loại 3 không có ai mua. Tại các cửa khẩu phía Bắc, tỉnh Bình Thuận còn tồn 400-500 xe thanh long. Cả tháng nay, Sở đang khuyến khích tiêu thụ nội địa, rà soát kho lạnh”, ông Tấn nói.
Phó giám đốc Sở NNPTNT Bình Thuận kêu gọi doanh nghiệp trong nước hỗ trợ tỉnh này và các tỉnh bạn, các cơ quan liên quan của tỉnh sẽ hỗ trợ ngược lại doanh nghiệp về cung cấp thông tin, tạo điều kiện hạ tầng...