23h ngày 30/12, nhiều người dân tập trung về đường Nguyễn Xiển (quận Thanh Xuân, Hà Nội), nơi có nhiều xe tải bán mít "giải cứu". |
Do Trung Quốc siết chặt biên giới để phòng chống dịch Covid-19, hàng nghìn container nông sản bị mắc kẹt tại cửa khẩu và chưa thể thông quan. Để gỡ vốn, nhiều tiểu thương đành đưa hàng về các tỉnh để tiêu thụ với giá rẻ. |
Ánh mắt thẫn thờ mệt mỏi vì nhiều đêm không ngủ, chị Dung (tiểu thương) chị kinh doanh hoa quả xuất sang Trung Quốc đã nhiều năm nay, nhưng chưa năm nào gặp tình cảnh khó khăn như thế này. "Trong số 10 xe hoa quả của gia đình thì chỉ 3 xe được thông quan, 4 xe vẫn nằm lại ở cửa khẩu. Còn xe mít này và 2 xe khác, tôi đành phải cho quay đầu và bán với giá rẻ ở Hà Nội, hi vọng gỡ gạc được chút vốn", chị nói. |
Mít bán thanh lý tại Hà Nội có giá 10.000 đồng/kg, chỉ bằng 1/3, thậm chí 1/4 so với giá xuất sang Trung Quốc. "Tính sơ sơ năm nay gia đình tôi chịu lỗ vài ba tỷ đồng, giờ chỉ hy vọng bán hết số hàng này và về nhà nghỉ Tết thôi vì giờ cũng hết vốn để làm ăn rồi", chị Dung ngậm ngùi. |
Trung bình mỗi quả mít Tiền Giang có trọng lượng từ 8-12 kg. Xe mít của gia đình chị Dung chở gần 2.000 quả với trọng lượng khoảng 20 tấn. Mít trước khi xuất đi Trung Quốc được cắt đầu để kiểm định, nếu quả còn non chưa chín sẽ bị loại bỏ, sau đó bọc bằng giấy màu khác nhau để phân loại kích cỡ, chất lượng và giá cả. |
Mít được bổ tại chỗ để khách hàng thưởng thức và kiểm tra chất lượng sản phẩm. Nhiều người Hà Nội nhận xét mít ngon, ngọt, cùi dày. Nhiều quả bổ dở cũng được chủ hàng tặng kèm khi người mua có nhu cầu. |
"Mít rất ngon, ngọt, và thơm đúng chuẩn hàng xuất khẩu. Hôm qua em đã mua một quả rồi và hôm nay quay lại để mua ủng hộ tiếp, vừa ăn vừa để chia cho anh em bạn bè gần nhà. Hơn nữa giá cũng rất rẻ, chỉ bằng 1/3 so với bình thường", Hoàng Thịnh cho biết. |
Thịnh (Hà Đông, Hà Nội) cho biết nắm bắt được thông tin thương lái cần giải cứu mít qua kênh báo chí, mạng xã hội nên ghé qua đây mua ủng hộ. "Tuy chưa ăn thử nhưng em thấy giá mít rẻ hơn so với mua ở siêu thị rất nhiều. Nếu ăn thấy ngon em sẽ giới thiệu thêm bạn bè ra đây mua ủng hộ bà con", anh nói. |
Đôi bàn tay đen đúa vì phải liên tục bốc hàng từ 4h sáng đến 23h đêm, anh Đồng Văn Tùng cho biết gần 1 tuần nay, anh mất ăn mất ngủ vì lo chạy hàng. Hiện giờ anh chỉ mong sao bán được càng nhanh càng tốt vì mít một khi đã chín rất khó để được lâu. |
Cũng theo anh Tùng, để bán hết số mít này cần mất 2-3 ngày nữa. "Ban ngày chúng tôi tận dụng container làm nơi bán hàng nhưng đêm vẫn phải đánh xe về bãi và bật máy lạnh để bảo quản mít. Càng để lâu càng nhiều rủi ro vì hàng bị hỏng cũng như đội thêm chi phí về bến bãi, xăng dầu", anh Tùng nói. |