Tại “Hội nghị tổng kết ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2021, triển khai kế hoạch năm 2022”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết trước những thách thức trong năm 2021, tốc độ tăng trưởng toàn ngành nông nghiệp vẫn đạt 2,58%, xuất khẩu nông sản đạt 48,6 tỷ USD, vượt xa mục tiêu được Chính phủ giao.
“Chúng ta cùng nhau mở rộng không gian phát triển, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, chuyển từ tư duy quản lý sang tư duy hỗ trợ, kiến tạo như Thủ tướng chỉ đạo”, Bộ trưởng nói.
Không được chủ quan
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, ngay thời điểm hội nghị đang diễn ra, nông sản vẫn ùn ứ ở các cửa khẩu. Do đó, “còn rất nhiều việc phải làm, làm đúng và làm ngay để xuất khẩu nông sản ngày thêm bền vững”.
Cụ thể, cần phải chuẩn hóa vùng nguyên liệu, tổ chức lại chuỗi cung ứng từ hợp tác xã đến doanh nghiệp, thông suốt liên kết tiêu thụ nội địa và xuất khẩu nông sản; có cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư hạ tầng logistics nông nghiệp, nông thôn; tăng tỷ trọng nông sản được sơ chế, bảo quản, chế biến, vừa tạo ra giá trị gia tăng cao, vừa hạn chế rủi ro thị trường, khi chỉ bán nguyên liệu thô.
Bên cạnh đó, phải xác định đúng vai trò của hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp nông nghiệp trong dẫn dắt thị trường và tạo dựng chuỗi giá trị trong từng chuỗi ngành hàng.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề cao việc chuyển từ “tư duy sản xuất nông nghiệp” sang “tư duy kinh tế nông nghiệp”. Ông từng nhắc đến vấn đề này ở nhiều buổi họp khác nhau. Ảnh: Đinh Đức Tùng. |
“Hơn hết, tiềm năng còn rất lớn của thị trường nội địa với dân số đang tiến tới 100 triệu, đặt ra yêu cầu cấp thiết về tính hệ thống, chính quy, chuyên nghiệp cho ngành nông nghiệp, công thương”, người đứng đầu ngành nông nghiệp nhấn mạnh.
Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng ngành nông nghiệp đã hoàn thành vượt mục tiêu đề ra, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn. Tuy nhiên, Thủ tướng thẳng thắn nhìn nhận tốc độ phát triển chưa tương xứng với tiềm năng thế mạnh của chúng ta, đặc biệt là kinh tế biển.
Hai là chưa thực sự chủ động phát triển theo định hướng, mà vẫn thụ động, phụ thuộc vào vấn đề thị trường, vào yếu tố thời tiết, Thủ tướng đánh giá công tác dự báo còn những điểm hạn chế.
Ba là phát triển chưa bền vững, chưa đi vào chiều sâu; chưa chủ động phát triển thích ứng linh hoạt với diễn biến mới, bao gồm thích ứng tình hình, diễn biến mới, điều kiện mới. Bốn là thị trường xuất khẩu chưa đa dạng, còn phụ thuộc vào một số thị trường nên khi các thị trường này biến đổi chúng ta sẽ thụ động.
Cuối cùng, vấn đề bảo vệ rừng và phát triển tài nguyên rừng, bảo vệ sinh thủy còn nhiều hạn chế. Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh chúng ta chưa có chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả.
Đặt mục tiêu tăng trưởng từ 3% trở lên
Đối với xuất khẩu, Thủ tướng yêu cầu phải cải thiện quan hệ với thị trường Trung Quốc, bởi năm nào cũng có vấn đề ùn ứ hàng hóa ở cửa khẩu cuối năm, có năm thì dưa hấu, năm là thanh long...
Thủ tướng đề nghị phải có sản phẩm xuất khẩu chính ngạch, chúng ta phải chủ động và các tỉnh biên giới phải làm việc với nhau thông thoáng.
Năm 2022, Thủ tướng yêu cầu phải tập trung, chọn việc, chọn vấn đề ưu tiên, cân đối nguồn lực và thời gian để giải quyết. Phải đổi mới tư duy mạnh mẽ hơn nữa; nâng cao tầm dự báo chiến lược kịp thời chính xác hơn; tổ chức thực hiện phải thiết thực hiệu quả mang lại giá trị gia tăng lớn hơn.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, trong thế giới phát triển, nông nghiệp đứng tại chỗ tức là thụt lùi. Ảnh: Đinh Đức Tùng. |
"Phải đặt mục tiêu cao hơn tăng trưởng từ 3% trở lên, xuất khẩu phải hơn 50 tỷ USD cao hơn năm 2021. Trong thế giới phát triển, chúng ta không thể thụt lùi, ‘trụ đỡ’ thụt lùi thì nền kinh tế thụt lùi. Do đó, phải kiên quyết mạnh mẽ đặt mục tiêu cao hơn", Thủ tướng nói.
Thủ tướng cho rằng Bộ NNPTNT cần bám sát tình hình thực tế, xác định trọng tâm, trọng điểm để đưa ra lộ trình phù hợp. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách theo hướng thúc đẩy phát triển theo chiều sâu, dựa vào khoa học công nghệ, chuyển đổi số…
Bên cạnh đó, đa dạng hóa thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao thương hiệu, thúc đẩy cạnh tranh cho sản phẩm quốc gia; nâng cao năng lực chế biến, từ một nguyên liệu phải đưa ra được nhiều sản phẩm.