Thông tin từ UBND tỉnh Quảng Ninh, Dự án Trung tâm giao dịch nông, lâm, thủy sản Châu Á – Thái Bình Dương có vị trí tại khu vực lối mở cầu phao km3+4 thuộc phường Hải Yên, TP Móng Cái. Đây là địa điểm trung chuyển hàng hóa, nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc và có quy mô khối lượng hàng hóa thông quan dự kiến khoảng 3 triệu tấn/năm.
Vị trí xây dựng trung tâm tiếp giáp với cửa khẩu Đông Hưng (Trung Quốc) và là một trong 16 trung tâm logistics lớn nhất của Trung Quốc. Trong đó, cửa khẩu Đông Hưng được phía Trung Quốc xác định là một trong 5 cửa khẩu nhập hoa quả chính từ Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á.
Lối mở cầu phao km 3+4 Hải Yên thành phố Móng Cái-Quảng Ninh (Việt Nam) nằm trong hệ thống Cảng ICD Thành Đạt với hệ thống hạ tầng, logictics đồng bộ có tổng mức đầu tư khoảng 1.200 tỷ đồng. Đây là khu vực sẽ đáp ứng tốt nhất nhu cầu XNK hàng hóa nông sản, hải sản, hoa quả của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc và các nước trong khu vực.
Tháo gỡ ùn ứ từ cơ sở hạ tầng bến bãi, logistics
Làm việc với tỉnh Quảng Ninh, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT - Lê Minh Hoan cho rằng việc xây dựng một trung tâm giao dịch nông sản tại địa phương có cửa khẩu xuất phát từ yêu cầu thực tiễn. Thời gian qua, tình trạng ùn ứ nông sản diễn ra liên tục, đặc biệt là trên địa bàn Lạng Sơn. Đây không phải lầ hiện tượng nhất thời mà lặp đi lặp lại hàng năm.
"Chính phủ và Bộ NN&PTNT rất quan tâm tới tình trạng ùn ứ nông sản ở khu vực cửa khẩu. Tôi đã làm việc với tỉnh Quảng Ninh, và cơ bản thống nhất chủ trương xây dựng Trung tâm Giao dịch nông, lâm, thủy sản tại phường Hải Yên, TP Móng Cái", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Ông cũng nhìn nhận rằng biện pháp tháo gỡ căn cơ phải xuất phát từ việc đầu tư bài bản cơ sở hạ tầng, giao thông và logistics. Tinh thần này của Bộ NN&PTNT được Thủ tướng hoan nghênh, và giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp tỉnh Quảng Ninh xây dựng mô hình thí điểm Trung tâm giao dịch tại TP Móng Cái. Trên cơ sở đó, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với các địa phương khác như Lạng Sơn, Lào Cai... để tổ chức các cơ sở tương tự.
Container chở hàng nông sản ùn tắc kéo dài gần 3 km ngay trước Cửa khẩu Cầu Bắc Luân 2, TP Móng Cái. Ảnh: Quốc Nam. |
"Đây là mô hình không mới, nhưng tích hợp được những giá trị cũ để tạo ra một sức sống mới. Ý nghĩa sâu xa của trung tâm là giúp người dân bỏ được tư duy xuất khẩu theo đường tiểu ngạch. Nếu làm được, bà con sẽ không còn bỡ ngỡ khi đưa nông sản ra những thị trường như Mỹ, châu Âu", Bộ trưởng Lê Minh Hoan bày tỏ.
Ông Phạm Văn Thành, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, cho biết thực trạng của kinh tế biên mậu và khu vực cửa khẩu hiện chủ yếu là nhỏ lẻ, manh mún. Chuyện ùn ứ nông sản từ các nơi khác đổ về khó tránh khỏi, nhất là khi giữa người bán nông sản với cửa khẩu và phía Trung Quốc không được thông suốt thông tin.
Quảng Ninh có nhiều cửa khẩu trên bộ sát với thị trường rộng lớn Trung Quốc. Những năm qua, mạng lưới hạ tầng giao thông trên toàn tỉnh nói chung, TP Móng Cái nói riêng đã được nâng cấp, đáp ứng đa dạng phương thức giao thương.
“Quảng Ninh xác định Trung Quốc là thị trường lớn, nhưng hiện nay việc tiếp cận của thương nhân Việt Nam còn bị động. Đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19, nước bạn kiểm soát dịch chặt chẽ, nếu không có tính toán để hoàn thiện hệ thống logistic thì khó có thể chủ động việc xuất khẩu và bảo đảm giá cả nông sản cho người nông dân”, ông Thành nói.
Còn gần 1.600 container ùn ứ tại cửa khẩu
Cùng ngày, trực tiếp Thứ trưởng Công Thương – Trần Quốc Khánh dẫn đầu đoàn công tác đã đến TP Móng Cái xem xét tình hình xuất nhập khẩu nông sản, đặc biệt là tình trạng ùn ứ xe chở nông sản trước cửa khẩu quốc tế Móng Cái do không thông quan được sang Trung Quốc.
Theo thành phố Móng Cái, toàn thành phố còn tồn 1.565 container chở hàng nông sản, hoa quả, thủy sản xuất khẩu. Trong đó, có 1.372 xe chở hàng Việt Nam xuất khẩu, 193 xe hàng hoa quả Thái Lan quá cảnh.
Mặc dù TP Móng Cái đã chủ động điện đàm với phía Trung Quốc để giữ cho lưu thông hàng hóa được thông suốt, phía Trung Quốc vẫn tỏ ra quan ngại, chủ động tăng cường thêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại các cửa khẩu.
Tình trạng ùn ứ nông sản thời gian qua đặt ra bài toán cần phải có một tổ hợp có chức năng là “chợ đầu mối” thực hiện giao dịch, tập kết, bảo quản, sơ chế, bao gói phục vụ xuất khẩu trực tiếp sản phẩm nông nghiệp sang thị trường Trung Quốc. Trung tâm Giao dịch nông lâm thủy sản châu Á Thái Bình Dương ra đời sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Thứ trưởng Công Thương - Trần Quôc Khánh (thứ 2 từ phải sang) cùng đoàn công tác của Bộ trực tiếp khảo sát tại Móng Cái. Ảnh: Báo Quảng Ninh. |
Trao đổi với Zing, ông Hoàng Bá Nam, Bí thư Thành ủy Móng Cái, cho biết thành phố lập tổ công tác liên ngành gồm hải quan, biên phòng, Ban quản lý Cửa khẩu quốc tế Móng Cái để giải quyết nhanh các thủ tục. Đồng thời chuẩn bị thêm các bãi đỗ và giải quyết nhanh các thủ tục để giảm thiểu thời gian xe hàng phải chờ ở phía Việt Nam.
"Hàng ngày chúng tôi có những trao đổi thông tin với bên Trung Quốc làm sao giải quyết nhanh các thủ tục, hạ tầng để phục vụ cho việc xuất nhập khẩu", ông Nam cho biết thêm.
Theo Bí thư thành phố Móng Cái, chính quyền thành phố vận động các doanh nghiệp kho bãi linh hoạt thực hiện các giải pháp giảm chi phí bến bãi, bảo quản trên tinh thần hỗ trợ doanh nghiệp.
Thành phố đang có năng lực kho lạnh đảm bảo công suất bảo quả trên 1.000 container và khuyến cáo doanh nghiệp đưa hàng thủy sản vào kho lạnh bảo quản để giải phóng lượng container ùn ứ tại địa bàn.
Một cán bộ Cục hải quan Quảng Ninh xác nhận với Zing, ngày hôm nay Cục Hải Quan các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng sẽ hội đàm với Hải quan Nam Ninh của Trung Quốc nhằm tìm cách tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho thông quan hàng hóa, đặc biệt là hàng nông sản qua biên giới đang bị tắc nghẽn.