Bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona bùng phát tại Trung Quốc và đang có những diễn biến phức tạp. Số ca nhiễm và số người tử vong tăng nhanh.
Theo Cục Xuất Nhập khẩu, Bộ Công Thương, bệnh dịch bùng phát trong thời gian nghỉ Tết Nguyên đán, thời điểm hàng hóa lưu thông ít. Tuy nhiên, để phòng chống dịch lan rộng, phía Trung Quốc đã áp dụng một số biện pháp hạn chế giao thương.
Theo đó, Bằng Tường sẽ lùi thời gian mở các cửa khẩu với Việt Nam 9/2/2020 (trừ cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị Quan sẽ mở cửa từ 3/2/2020).
Nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam hiện nay chỉ có thể xuất khẩu qua cửa khẩu phụ. Do vậy, việc lùi thời gian mở cửa khẩu sẽ làm ảnh hưởng đến việc xuất khẩu các loại nông sản này, đặc biệt là các mặt hàng đang vào vụ thu hoạch như dưa hấu, thanh long.
Trung Quốc lùi thời gian thông quan với Việt Nam do virus corona. Ảnh: Báo Lạng Sơn. |
Mặt khác, do tình hình lưu thông giữa các địa phương của Trung Quốc cũng gặp khó khăn vì các biện pháp chống dịch nên một số doanh nghiệp Trung Quốc có thể có động thái giãn tiến độ thực hiện các đơn hàng mua thanh long của Việt Nam.
Trước tình hình này, Bộ Công Thương đề nghị các doanh nghiệp theo dõi sát diễn biến hoạt động xuất khẩu nông, thủy sản nói chung và trái cây nói riêng qua các tỉnh biên giới phía Bắc như Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh, Cao Bằng...
Các doanh nghiệp cần chủ động kế hoạch sản xuất, đóng gói, giao nhận, xuất khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới, tránh để phát sinh ùn ứ và các tác động bất lợi khác.
Ngoài ra, phải thực hiện nghiêm túc hoạt động xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc theo thông lệ quốc tế, nâng cao chất lượng, triển khai tốt các quy định về truy xuất nguồn gốc, kê khai vùng trồng, cơ sở đóng gói cũng như các yêu cầu liên quan.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần dự tính phương án ứng phó với khả năng dịch bệnh do virus corona diễn biến phức tạp, lan rộng, kéo dài dẫn đến việc giao thương với Trung Quốc gặp khó khăn hơn nữa, thậm chí không thể thực hiện được.
Từ đó có phương án kịp thời chuyển hướng xuất khẩu sang thị trường khác, tiêu thụ trong nước hoặc đưa vào chế biến, trữ lạnh.
Bộ Công Thương cũng phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các doanh nghiệp chế biến tăng cường thu mua trái cây tươi tại các tỉnh để chế biến thành các sản phẩm như nước ép, sấy khô... vừa nâng cao giá trị mặt hàng, vừa giúp nông sản có thể lưu giữ được lâu hơn.