Những ngày qua, Iran phải đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng liên tiếp, từ việc mất đi tư lệnh lực lượng Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo - tướng Qassem Soleimani - cho tới vụ bắn rơi máy bay dân sự của Ukraine. Trong bối cảnh căng thẳng với Mỹ leo thang mất kiểm soát, lệnh trừng phạt của Washington khiến nền kinh tế Iran tê liệt. |
Hôm 17/1, lần đầu tiên sau 8 năm, Lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei (giữa) dẫn dắt lễ cầu nguyện tại nhà thờ Hồi giáo Mosalla của Tehran. Ông Khamenei cho rằng Iran đang sống trong "những ngày của Thượng đế", đồng thời tuyên bố người dân nước này vẫn ủng hộ Cách mạng Hồi giáo và sẽ không chịu khuất phục trước sức ép của Mỹ sau nhiều tháng bị áp lệnh trừng phạt và một loạt các cuộc khủng hoảng gần đây. |
Trong thánh lễ hôm 17/1, lãnh tụ Khamenei bày tỏ đau buồn về sự ra đi của tướng Soleimani, chỉ huy có tài nhất trong cuộc chiến chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Ông gọi cuộc không kích ám sát tướng Soleimani hôm 3/1 do Mỹ đứng sau là cuộc tấn công "hèn nhát". |
Lãnh tụ Khamenei chỉ trích Mỹ cùng các đồng minh Anh, Pháp và Đức. "Những chính phủ đáng khinh này đang chờ đợi để khiến Iran phải quỳ gối. Nước Mỹ, là người anh, người lãnh đạo và chủ nhân của các nước này, đã không thể khiến Iran phải quỳ gối. Các quốc gia đó quá nhỏ bé để khiến Iran quỳ gối", ông Khamenei nói, theo AP. |
Áp phích có hình tướng Iran Qassem Soleimani và phó tư lệnh lực lượng dân quân Iraq Abu Mahdi al-Muhandis treo trên tường ở Baghdad. Cả hai đều thiệt mạng trong cuộc tấn công của Mỹ hồi đầu tháng 1. Vụ việc là khởi đầu cho leo thang căng thẳng Mỹ - Iran và cuộc khủng hoảng tại nước Cộng hòa Hồi giáo này. |
Là người đứng đầu Lực lượng Quds, Soleimani là kiến trúc sư của các hoạt động quân sự của Iran và hỗ trợ cho các nhóm vũ trang ở Lebanon, Syria, Iraq và Yemen. Ông bị quy trách nhiệm giết chết hàng trăm binh sĩ Mỹ. Ông cũng giúp Tổng thống Syria Bashar Assad chống lại phiến quân. Ở Iran, ông được nhiều người coi là nhân vật huyền thoại có công cứu quốc, một nhân vật không thể thay thế. |
Phản ứng trước vụ việc, nhiều người Iran bắt đầu đổ ra đường biểu tình, phản đối Mỹ và các nước đồng minh. Trong ảnh, những người biểu tình ủng hộ chính phủ đốt cháy cờ Mỹ và Anh cùng hình ảnh Đại sứ Anh tại Iran Rob Macaire hôm 14/1. |
Kỹ sư làm việc tại mạch thứ cấp của lò phản ứng nước nặng Arak của Iran trong buổi thăm của các quan chức Iran đến địa điểm này. Anh, Pháp và Đức hôm 14/1 cho biết họ đang cân nhắc cáo buộc Iran về việc không tuân thủ hiệp ước phi hạt nhân hóa. |
Trong khi đó, biểu tình ở Iran vẫn tiếp tục nổ ra. Người dân không chỉ phản đối Mỹ cùng các đồng minh mà còn lên tiếng chỉ trích chính quyền Tehran sau vụ bắn hạ máy bay dân dụng của Ukraine. Trong ảnh, cảnh sát hôm 13/1 đối đầu người biểu tình tập trung trước Đại học Amir Kabir ở Tehran, Iran, để tưởng nhớ các nạn nhân của vụ tai nạn máy bay. |
Người dân Iran cầu nguyện dưới ánh nến tại cổng trường đại học Amri Kabir để tưởng nhớ các nạn nhân trong vụ tai nạn máy bay Ukraine hôm 11/1. Trong số các nạn nhân của vụ tai nạn có cả công dân Iran. Tehran thừa nhận quân đội nước này "đã vô tình" bắn hạ chiếc máy bay của hãng hàng không Ukraine, khiến tất cả 176 người trên máy bay thiệt mạng. |