Quyết định của Nhật triển khai hai tàu chiến đến Trung Đông với lý do bảo vệ các tàu buôn đi qua đường thủy trọng yếu của khu vực một lần nữa cho thấy tham vọng của Thủ tướng Shinzo Abe trong việc sửa đổi hiến pháp hòa bình.
Động thái này nhằm tăng cường khả năng thu thập thông tin tình báo của Tokyo sau một loạt cuộc tấn công tàu thủy mà Mỹ và Anh đổ lỗi cho Iran nhưng các nhà phân tích coi đây là nỗ lực kiên trì của ông Abe để đảm bảo nước này có thể có quân đội truyền thống.
Hiến pháp do Mỹ áp đặt được Nhật Bản thông qua sau Thế chiến II cấm nước này duy trì quân đội hoặc sử dụng vũ lực quốc tế. Lực lượng tự vệ (SDF) bảo vệ đất liền Nhật Bản và cũng hỗ trợ khoảng 50.000 lính Mỹ đóng tại đây.
Nỗ lực tự vệ và xoa dịu Mỹ
Hôm 22/10, Ngoại trưởng Toshimitsu Motegi thông báo cho người đồng cấp Mỹ Mike Pompeo rằng Nhật Bản sẽ triển khai lại một tàu chiến đang tiến hành các cuộc truy đuổi cướp biển quanh vùng Sừng châu Phi để giúp bảo vệ đường thủy ra khỏi Oman. Ngoài ra còn có các đề xuất hỗ trợ hoạt động bằng cách sử dụng máy bay tuần tra đã có trong khu vực.
Con tàu này sẽ tham gia cùng một tàu khác từ Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản (MSDF) trước cuối năm.
Hai tàu khu trục của Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản Nhật Bản tham gia cuộc tập trận ngoài khơi Brunei vào tháng 6. Ảnh: AP. |
Hai tàu chiến sẽ được ủy quyền sử dụng vũ lực để bảo vệ các tàu buôn Nhật Bản, Kyodo News đưa tin. Tuy nhiên, Tokyo đã nói rõ rằng các tàu MSDF sẽ không nằm trong lực lượng liên minh hải quân mà Washington đang cố gắng liên kết khi căng thẳng Iran gia tăng.
Vào tháng 6, hai tàu chở dầu - một trong số đó được vận hành bởi một công ty có trụ sở tại Nhật Bản - đã bị tấn công gần eo biển Hormuz. Tehran phủ nhận liên quan.
"Nhật Bản muốn chứng tỏ rằng họ sẵn sàng triển khai các tàu để bảo vệ lợi ích của mình và họ cũng muốn xoa dịu Washington để cho thấy rằng họ không hoạt động một mình", Jeff Kingston, Giám đốc nghiên cứu châu Á của Đại học Temple, Tokyo, cho biết.
"Đồng thời, Tokyo không muốn bị coi là chọn phe chống lại Iran, vì trong nhiều năm qua, họ đã cố gắng vun đắp mối quan hệ tốt đẹp với Tehran".
"Họ cũng phải xem xét ý kiến trong nước, khi rất nhiều người lo lắng rằng Nhật có thể bị kéo vào cuộc chiến ở Trung Đông, và việc sửa đổi hiến pháp vẫn không được ủng hộ", ông nói với South China Morning Post.
Ra Mason, chuyên gia về chính sách đối ngoại của Nhật Bản tại Đại học East Anglia, cho biết ông Abe muốn việc công nhận Lực lượng Tự vệ Nhật Bản (SDF) được ghi trong hiến pháp.
"Mặc dù các lực lượng trên bộ, trên không và trên biển được cho là bị cấm theo Điều 9, Nhật Bản hiện tự hào là một trong những quân đội được trang bị tốt nhất thế giới, chưa kể lực lượng bảo vệ bờ biển có thể tự tin đảm nhận nhiều nhiệm vụ của hải quân", ông viết trong bài bình luận tháng trước.
Kyohei Yamada, phó giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Quốc tế Nhật Bản, đồng ý rằng ông Abe vẫn nuôi tham vọng thay đổi các phần của hiến pháp mà những người theo chủ nghĩa dân tộc tin rằng đã bị quân Đồng minh áp đặt nhưng việc triển khai này sẽ không giúp được ông.
"Ông ấy cam kết thay đổi hiến pháp nhưng tôi không nghĩ ông ấy có thể sử dụng tình huống này như công cụ để đạt được điều đó. Việc viết lại hiến pháp liên quan đến rất nhiều yếu tố, bao gồm cả sự ủng hộ áp đảo của lưỡng viện mà tôi nghĩ rằng không thể thực hiện được", ông nói.
Yamada cho rằng lý do ông Abe không thúc đẩy vấn đề mạnh mẽ hơn là vì ông nhận ra mình thiếu sự ủng hộ toàn diện. "Một khi ông ấy thất bại, sẽ rất khó để đưa vấn đề trở lại chương trình nghị sự", ông nhận xét.
Rào cản trong nước
Trong gần bảy năm kể từ khi ông Abe lên nắm quyền, Nhật Bản đã tăng cường quốc phòng, với mối đe dọa ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc và vũ khí hạt nhân của Triều Tiên là những động lực lớn nhất.
Tuy nhiên, có những chỉ dấu khác cho thấy ông Abe đang dần mở rộng phạm vi và sự hiện diện của quân đội Nhật Bản.
Bộ Quốc phòng đã yêu cầu ngân sách quốc phòng kỷ lục 5,32 nghìn tỷ yen (50,5 tỷ USD) cho năm tài chính tiếp theo. Nếu được chấp thuận, đây sẽ là lần tăng chi tiêu quốc phòng năm thứ 8 liên tiếp của Tokyo.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh: Kyodo. |
Nhật Bản cũng muốn đóng vai trò lớn hơn ở Ấn Độ - Thái Bình Dương và Mỹ đã ngầm hỗ trợ điều này. Bắc Kinh không hài lòng với những nỗ lực của Nhật Bản chi tiêu nhiều hơn cho quốc phòng, bất chấp quan hệ song phương ấm lên.
"Trong nỗ lực phá vỡ cơ chế sau chiến tranh, Nhật Bản đã điều chỉnh các chính sách quân sự và an ninh cũng như tăng đầu tư quốc phòng theo hoàn cảnh, do đó trở nên hướng ngoại hơn trong tham vọng quân sự của mình", truyền thông Nhật Bản trích dẫn sách trắng quốc phòng hồi tháng 7 của Trung Quốc.
Ông Abe cần sự ủng hộ của 2/3 trong lưỡng viện để buộc thông qua sửa đổi hiến pháp. Trong cuộc thăm dò ngày 6/10, 37,3% số người được hỏi cho biết họ ủng hộ các kế hoạch thay đổi hiến pháp, trong khi 48,4% chống lại các sửa đổi.
Với khoảng 240.000 binh lính thuộc ba lực lượng, SDF từng được phái tới Afghanistan và Iraq để thực hiện vai trò hỗ trợ và tiếp tế cho các quốc gia đồng minh, cũng như tham gia vào các nỗ lực tái thiết sau chiến tranh.
Hôm 21/10, tờ báo thiên tả Asahi đặt câu hỏi trong bài xã luận rằng liệu có cơ sở pháp lý nào cho sự hiện diện của tàu chiến ở Trung Đông hay không, nhấn mạnh tuyên bố của chính phủ rằng các tàu chỉ tham gia khảo sát và thu thập thông tin tình báo.
Định nghĩa hẹp về nhiệm vụ của họ cho phép sứ mệnh được thực hiện theo luật được sử dụng để thành lập Bộ Quốc phòng. Do đó, việc triển khai không đòi hỏi được thảo luận ở quốc hội Nhật Bản, nhờ vậy tránh được các câu hỏi về ý đồ của ông Abe đối với hiến pháp.