Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chuyên gia quốc tế kêu gọi hợp tác tuần duyên trên biển đối phó TQ

Các chuyên gia bày tỏ quan ngại trước tốc độ mở rộng ảnh hưởng và cách hành xử hung hăng của Trung Quốc trên những vùng biển khu vực, kêu gọi tăng cường hợp tác quốc tế.

Phát biểu tại hội thảo về quyền lực biển, trước thềm hoạt động diễu binh hải quân của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản và các lực lượng hải quân khách mời ngày 14/10, cựu ngoại trưởng Ấn Độ Kanwal Sibal đã bày tỏ lo ngại trước sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Ông nhận định sức mạnh kinh tế ngày một lớn của Trung Quốc, cùng với "những hành vi mang tính phá hoại" của nước này trên Biển Đông, mở ra nguy cơ lần đầu tiên một cường quốc có khả năng kiểm soát cả lục địa châu Á lẫn các vùng biển xung quanh, theo Stars & Stripes.

"Chưa từng có nước nào trong lịch sử mở rộng ảnh hưởng với tốc độ như vậy", ông cho biết Ấn Độ nhìn nhận Trung Quốc là "kẻ thách thức lớn nhất".

hop tac tuan duyen tren doi pho TQ anh 1
Tàu ngầm Oklahoma dẫn đầu đội hình tàu chiến của Lực lượng Phòng vệ Trên biển Nhật Bản và hải quân Ấn Độ trong cuộc tập trận chung Malabar vào tháng 9 ở phía nam Nhật Bản. Ảnh: JMSDF.

Trung Quốc đe dọa lợi ích quốc tế

Ông Sibal và các chuyên gia đến từ Mỹ, Nhật Bản và Australia đánh giá cao tầm quan trọng ngày một lớn của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông.

Các chuyên gia cho biết gần 60% thương mại thế giới đi qua Biển Đông, với gần 1/3 hoạt động vận tải hàng hải quốc tế. Vùng biển cầu nối giữa Ấn Độ Dương và Tây Thái Bình Dương cũng là điểm trung chuyển của nhiều lực lượng hải quân các nước.

Các chuyên gia bày tỏ lo ngại trước những căng thẳng trên Biển Đông thời gian qua. Trung Quốc đang hành xử tại Biển Đông và biển Hoa Đông với lập trường các khu vực thuộc lãnh hải nước này, dù luật pháp quốc tế xem đó là những tuyến đường hàng hải quốc tế.

Chuyên gia các nước thống nhất rằng các đối tác tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cần kết hợp sức mạnh hải quân để tạo đối trọng trước các tham vọng của Trung Quốc trên những vùng biển khu vực.

"Ý tưởng không phải là bao vây Trung Quốc. Mục tiêu ở đây là hạn chế một cách thực chất những hành vi mang tính phá hoại của Trung Quốc càng nhiều càng tốt", ông Sibal cho biết.

Ông đồng thời bổ sung rằng Bắc Kinh xem nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm ngăn chặn tham vọng mở rộng ảnh hưởng của mình là không chính đáng.

Đề xuất hợp tác tuần duyên 4 nước

David Brewster, chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại Trường An ninh Quốc gia thuộc Đại học Quốc gia Australia, cho rằng Mỹ vẫn là cường quốc đứng đầu tại khu vực. Tuy nhiên, khả năng áp đảo của họ tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đang giảm đi đáng kể trước sự mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc.

Brewster nhận định Mỹ cần đầu tư nhiều hơn cho những mối quan hệ đối tác an ninh trên khắp Thái Bình Dương.

"Nhiều người nói chiến tranh lạnh lần 2 đang bắt đầu tại khu vực này. Chúng ta cần có thêm nhiều bạn mới, quan hệ mới và liên minh mới trong những năm sắp tới", ông cho biết.

hop tac tuan duyen tren doi pho TQ anh 2
Tàu tuần tra USCGC Bertholf của Tuần duyên Mỹ trong một đợt diễn tập gần bãi cạn Scarborough với cảnh sát biển Philippines. Ảnh: AFP.

Brewster đề xuất 4 nước Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và Mỹ cần "tăng cường phối hợp trách nhiệm tuần duyên" vì các lực lượng tuần duyên hay cảnh sát biển mang hàm ý chính trị nhỏ hơn tàu hải quân.

"Một hải đoàn tuần duyên là lựa chọn hợp tác không gây tranh cãi", ông nhận định.

Chuẩn đô đốc James Pitts, tư lệnh Nhóm Tàu ngầm số 7 đóng tại căn cứ hải quân Yokosuka (Nhật Bản), nhìn nhận việc 4 nước "kết hợp sức mạnh trên biển sẽ tiếp tục là nền tảng mang tính then chốt" cho ổn định và thịnh vượng trên toàn khu vực.

"Dù đối diện nguy cơ từ nhừng cường quốc trỗi dậy và xét lại, chúng ta sẽ tiếp tục tập trung vào việc gìn giữ trật tự dựa trên pháp luật, đồng thời thúc đẩy sự ổn định đang gắn kết hệ thống hiện thời với các đồng minh và đối tác", ông nhấn mạnh.

Lo ngại về va chạm Mỹ - Trung

Chuẩn đô đốc James Pitts, nói cả 4 nước đều chia sẻ những lợi ích then chốt ở khu vực. Ông nhận định Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đã trở thành hạt nhân trung tâm của nền kinh tế toàn cầu.

Hạm đội 7 của hải quân Mỹ, đóng tại quân cảng Yokosuka, đánh giá cao tầm quan trọng của khu vực. Lực lượng này chịu trách nhiệm quản lý từ Đường phân định Ngày Quốc tế ở giữa Thái Bình Dương, cho đến khu vực biên giới trên biển Pakistan-Ấn Độ trên Ấn Độ Dương. Đây cũng là hạm đội lớn nhất trong hải quân Mỹ.

"Mỗi ngày bất kỳ trong khu vực hoạt động của Hạm đội 7, luôn có khoảng 50-70 tàu chiến và tàu ngầm, 140 máy bay quân sự và khoảng 20.000 thủy thủ và lính thủy đánh bộ hoạt động", ông Pitts cho biết.

Tuy nhiên, chuẩn đô đốc Mỹ nhấn mạnh hải quân Mỹ "không có ảo tưởng" có thể kiểm soát và bảo vệ toàn bộ 258 triệu km2 diện tích biển hình thành nên khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. 

hop tac tuan duyen tren doi pho TQ anh 3
Tàu khu trục USS Chung Hoon ngày 6/5 tiến hành hoạt động tự do hàng hải (FONOP) trên Biển Đông. Ảnh: Hải quân Mỹ.

Khu vực Biển Đông thời gian qua đang trở thành điểm nóng trong quan hệ Mỹ - Trung. Hải quân và không quân Mỹ liên tiếp thực hiện các sứ mệnh tuần tra đảm bảo tự do hàng hải và hàng không, bác bỏ yêu sách của Trung Quốc yêu cầu mọi nước phải xin phép khi đi vào vùng 12 hải lý xung quanh các thực thể mà nước này chiếm giữ và quân sự hóa trái phép. Những hoạt động này vấp phải phản ứng gay gắt từ Bắc Kinh.

Cựu bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản Satoshi Morimoto nhận định tình trạng giữa Mỹ và Trung Quốc trên Biển Đông mang hình bóng những cuộc chạm trán giữa một cường quốc đang trỗi dậy và một cường quốc lâu năm.

"Những mối quan hệ căng thẳng như vậy đã xảy ra nhiều lần trong lịch sử. Va chạm giữa hai phía là không thể tránh khỏi", ông Morimoto nhận định.

Trong Chiến lược An ninh Quốc gia năm 2017, Mỹ gọi Trung Quốc là "đối thủ cạnh tranh" và "cường quốc xét lại". Đến Chiến lược Phòng thủ Quốc gia 2018, Mỹ lại gọi Trung Quốc là "đối thủ cạnh tranh chiến lược". Chiến lược Tình báo Quốc gia năm 2019, Mỹ chính thức gọi "kẻ thù".

Đô đốc Mỹ: Quốc tế cần phản đối hành xử của Trung Quốc ở Biển Đông

Tư lệnh Lực lượng Tuần duyên Mỹ (USCG) Đô đốc Karl L. Schultz nhận định các hành động của tàu dân quân biển và cảnh sát biển Trung Quốc không phù hợp với trật tự dựa trên luật lệ.

Tư lệnh Tuần duyên Mỹ: Chúng tôi hợp tác chặt chẽ với cảnh sát biển VN

Đô đốc Karl L. Schultz, Tư lệnh Tuần duyên Mỹ, nói hoạt động của lực lượng ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhằm giúp các nước trong khu vực củng cố năng lực thực thi chủ quyền.



Thanh Danh

Bạn có thể quan tâm