"Giấc mơ những năm 1990 của chúng tôi là một công ty không giới hạn", ông Jack Welch, cố CEO huyền thoại của tập đoàn đa ngành General Electric (GE), khẳng định trong báo cáo thường niên năm 1990 của GE.
Được thành lập năm 1892 bởi nhà phát minh vĩ đại Thomas Edison, J.P. Morgan và một số đối tác khác, GE đã phát triển từ công ty điện và chiếu sáng thành một tập đoàn khổng lồ.
GE trở thành một tập đoàn đa ngành điển hình, hiện hoạt động từ lĩnh vực hàng không, chăm sóc sức khỏe, năng lượng, năng lượng tái tạo, công nghiệp kỹ thuật số, sản xuất phụ gia, đầu tư mạo hiểm đến tài chính.
Nhà phát minh vĩ đại Thomas Edison thành lập General Electric năm 1892. Ảnh: Getty Images. |
"Công ty không biên giới"
Giống các tập đoàn khác, quá trình đa dạng hóa của GE gặp không ít trắc trở. Tuy nhiên, 20 năm dưới thời của ông Welch - vị CEO theo đuổi tham vọng "công ty không giới hạn" - doanh thu hàng năm của GE đã leo dốc từ 25 tỷ USD lên 130 tỷ USD.
GE đã dành hàng thập kỷ để phát triển các công nghệ mới, từ ứng dụng trong gia đình đến động cơ máy bay. Năm 1922, tập đoàn bắt đầu sản xuất thiết bị điện gia dụng như lò nước chạy điện, máy giặt, tủ lạnh. 5 năm sau đó, GE phát triển chiếc TV đầu tiên.
Năm 1930, GE cho ra đời nhựa dẻo. Sau đó 11 năm, tập đoàn sản xuất động cơ máy bay phản lực và mở nhà máy điện hạt nhân đầu tiên vào năm 1957.
Thế hệ tập đoàn đầu tiên, bao gồm ITT Corporation, Ling-Temco-Vought, Tenneco, đã sụp đổ vào giữa những năm 1980. Thế hệ tiếp theo của Westinghouse, Tyco ra đời vào cuối những năm 1990 và cố bắt kịp GE nhưng thất bại.
Thông qua GE Commercial Finance, GE Consumer Finance, GE Equipment Services và GE Insurance, tập đoàn cũng cung cấp một loạt dịch vụ tài chính.
Ông Jack Welch, cố CEO huyền thoại của GE. Ảnh: Reuters. |
Đến năm 2015, GE công bố thành lập đơn vị mới GE Digital. Đơn vị sẽ tập hợp các năng lực phần mềm và công nghệ thông tin của tập đoàn.
GE xuất hiện từ những ngày đầu trong bảng Chỉ số Công nghiệp Dow Jones, được lập vào năm 1907, và là tập đoàn duy nhất tồn tại trên bảng này 110 năm sau đó. Đến nay, định giá của GE đã đạt 116 tỷ USD và vẫn là tập đoàn đắt giá thứ 20 trên toàn cầu, theo bảng xếp hạng năm 2020 của Forbes.
GE không phải tập đoàn duy nhất đa dạng hóa thành công. Tập đoàn đa ngành Samsung đã xây dựng khối tài sản và sức ảnh hưởng khổng lồ khi nền kinh tế Hàn Quốc vực dậy từ tro tàn chiến tranh. Khởi đầu là một công ty buôn bán nhỏ lẻ, Samsung dần đa dạng hóa ngành nghề và đánh chiếm các lĩnh vực bao gồm chế biến thực phẩm, dệt may, bảo hiểm, chứng khoán, bất động sản và bán lẻ.
Tập đoàn bắt đầu tham gia vào lĩnh vực công nghiệp điện tử vào cuối thập niên 60, xây dựng và công nghiệp đóng tàu từ giữa thập niên 70.
Sau khi nhà sáng lập Lee Byung-chul mất năm 1987, từ thập niên 90, Samsung mở rộng hoạt động trên quy mô toàn cầu, tập trung đầu tư nghiên cứu, phát triển chiến lược vào lĩnh vực công nghệ cao và điện tử tiêu dùng, cụ thể là mảng điện thoại di động, TV, chip điện tử và chất bán dẫn.
Hãy thay đổi mọi thứ ngoại trừ vợ và con các bạn
- Ông Lee Kun-hee, cố chủ tịch Samsung
Các công ty con nổi bật của Samsung bao gồm công ty điện tử Samsung Electronics, công ty đóng tàu Samsung Heavy Industries, công ty xây dựng Samsung Engineering và Samsung C&T, công ty bảo hiểm Samsung Life Insurance, công ty khám phá không gian vũ trụ Samsung Techwin...
Khi ông Lee Kun-hee tiếp quản Samsung sau cái chết của cha, ông Lee Byung-chul, Samsung tập trung chủ yếu vào các thiết bị gia dụng. "Samsung đang ở trong quá trình chuyển đổi rất quan trọng. Sức sống của tập đoàn có thể bị đe dọa nếu không chuyển sang các ngành sử dụng nhiều vốn và công nghệ hơn", vị cố chủ tịch nói trong một cuộc phỏng vấn với Forbes khi mới nhậm chức.
Năm 1993, ông triệu tập các giám đốc điều hành của Samsung đến Frankfut (Đức) và nói với họ: "Hãy thay đổi mọi thứ ngoại trừ vợ và con các bạn", nhấn mạnh sự thay đổi để nâng cao chất lượng sản phẩm của tập đoàn.
Đến nay, các hoạt động kinh doanh của tập đoàn hiện ước tính chiếm khoảng 15% toàn bộ nền kinh tế Hàn Quốc. Samsung Electronics, mảng lớn nhất của tập đoàn, là nhà sản xuất điện thoại thông minh, nhà cung cấp chip nhớ và màn hình hiển thị hàng đầu thế giới.
Chi bộn tiền để đa dạng hóa
Ông Mukesh Ambani - tỷ phú giàu nhất Ấn Độ - cũng đứng sau một đế chế gia đình đa ngành. Năm 1960, từ bỏ công việc nhân viên tại trạm xăng ở Suez, ông Dhirubhai Ambani, cha của ông Mukesh Ambani, trở về quê hương Gujarat (Ấn Độ) để xây dựng công ty Reliance Commercial cùng với anh trai.
5 năm sau, ông tách riêng ra và tiếp quản mảng sản xuất sợi tổng hợp polyeste. Năm 1977, ông Dhirubhai sáng lập tập đoàn Reliance Industries và lần lượt mở rộng sang các lĩnh vực hóa dầu và viễn thông.
Tròn 30 năm kể từ khi thành lập, tập đoàn Reliance Industries lọt top 500 công ty trị giá 100 tỷ USD trên thế giới theo xếp hạng của tạp chí Fortune, trở thành một trong những doanh nghiệp đắt giá nhất Ấn Độ và đưa gia đình Ambani lên vị thế gia đình giàu nhất châu Á.
Sau khi ông Dhirubhai qua đời, ông Mukesh nắm quyền tại các doanh nghiệp hóa dầu, trong khi em trai Anil phụ trách lĩnh vực tài chính, cơ sở hạ tầng, điện và viễn thông.
Năm 2005, lợi nhuận của mảng lọc dầu do ông Mukesh Ambani nắm giữ sụt giảm đáng kể. Tình hình vẫn không tiến triển cho đến năm 2010. Ông nhanh chóng quyết định chuyển hướng, đặt cược 35 tỷ USD vào công ty Reliance Jio Infocomm để phát triển hệ thống mạng 4G tốc độ cao, thu hút hàng trăm triệu người dùng.
Ông Mukesh Ambani, tỷ phú giàu nhất Ấn Độ. Ảnh: Reuters. |
Theo Bloomberg, Jio của Reliance làm rung chuyển ngành công nghiệp viễn thông Ấn Độ bằng các cuộc gọi miễn phí và dữ liệu giá rẻ, khiến số lượng nhà mạng giảm từ 12 xuống còn 3 trong vòng 4 năm thông qua các thương vụ mua lại và sáp nhập.
Tập đoàn nhà Mukesh Ambani cũng đang cố gắng tận dụng hệ thống bán lẻ và viễn thông để khai thác thị trường mua sắm trực tuyến tại Ấn Độ. Theo ước tính của Morgan Stanley, thị trường này sẽ tăng trưởng 600% lên 200 tỷ USD trong 10 năm tới.
Tỷ phú giàu nhất Ấn Độ sẽ cạnh tranh trực tiếp với Amazon.com và Flipkart Online Services của Walmart để giành miếng bánh trong thị trường thương mại điện tử trăm tỷ USD. Ông hiện nắm giữ khối tài sản trị giá 76,7 tỷ USD, theo Forbes.
Trong quá trình đa dạng hóa, lợi nhuận kiếm được từ các doanh nghiệp dầu mỏ và hóa dầu của tập đoàn được đổ vào những dịch vụ người tiêu dùng - mảng kinh doanh dự kiến đóng vai trò cốt lõi của tập đoàn trong tương lai.
Sử dụng lợi nhuận của lĩnh vực này để phát triển mảng kinh doanh khác là cách làm phổ biến ở nhiều tập đoàn. Nhưng không phải tất cả đều thành công. Tập đoàn Evergrande Group - nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc - có hàng loạt khoản đầu tư ngoài bất động sản, từ câu lạc bộ bóng đá đến những khu làng hưu trí. Tuy nhiên, việc công ty tham gia vào lĩnh vực xe điện được giới đầu tư chú ý.
Tỷ phú Hứa Gia Ấn, nhà sáng lập Evergrande. Ảnh: Reuters. |
Với tham vọng lớn và vốn hóa khổng lồ, Evergrande NEV vẫn chưa bán bất cứ chiếc xe nào. Trong một cuộc họp hồi cuối tháng 3, tỷ phú Hứa Gia Ấn cho biết công ty của ông có kế hoạch bắt đầu sản xuất thử nghiệm vào cuối năm 2021, lùi từ mốc thời gian ban đầu là tháng 9/2020.
Do đó, phải đến năm 2022, Evergrande mới có thể giao xe. Kỳ vọng công suất sản xuất hàng năm đạt 500.000 đến 1 triệu xe điện vào tháng 3/2022 cũng bị lùi sang năm 2025.
Dù đã thành lập ba cơ sở sản xuất ở Quảng Châu, Thiên Tân và Thượng Hải, Evergrande NEV vẫn chưa có dây chuyền lắp ráp ôtô chung. Theo nguồn tin của Bloomberg, máy móc và thiết bị trong các cơ sở sản xuất đang được chỉnh sửa.
Theo giới chuyên gia, ngay cả tập đoàn đa ngành lớn cũng không thể thành công trong một lĩnh vực hoàn toàn mới nếu không có kiến thức và thế mạnh riêng.
Các nhà quan sát nhận định Evergrande khó đạt được quy mô lớn nếu chỉ dựa vào những hợp đồng ký với những nhà cung cấp nước ngoài cho thiết kế và R&D (nghiên cứu và phát triển).
"Họ đã đổ rất nhiều tiền nhưng không thực sự thu lại được gì", ông Bill Russo, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành hãng tư vấn Automobility Ltd. (có trụ sở tại Thượng Hải), nhận xét. "Cùng với đó, Evergrande - một tập đoàn bất động sản - đang dấn thân vào một ngành mà họ không có nhiều hiểu biết", ông nói thêm.