Theo nguồn tin của Wall Street Journal, ngân hàng Thụy Sĩ Credit Suisse có thể bị ảnh hưởng khoảng 20 tỷ USD bởi vụ vỡ nợ của quỹ đầu tư Archegos Capital Management. Trước khi Archegos vỡ nợ, nhà băng đã gặp khó khăn trong việc quản lý những khoản vay của quỹ.
Nguồn tin tiết lộ Archegos đã sử dụng đòn bẩy để đầu tư vào hàng loạt cổ phiếu (sử dụng nợ để thu lợi nhuận trên tài sản). Tuy nhiên, các bộ phận của Credit Suisse không thể triển khai đầy đủ hệ thống theo dõi để bắt kịp tốc độ phát triển tài sản nhanh chóng của Archegos.
Giám đốc điều hành Thomas Gottstein và Giám đốc rủi ro Lara Warner thậm chí không nắm rõ mức độ tiếp xúc của ngân hàng và Archegos, cho đến khi họ buộc phải thanh lý quỹ. Họ cũng không biết quỹ đầu tư này là một khách hàng lớn. Bà Warner đã phải từ chức sau sự cố của Archegos.
Ngân hàng Thụy Sĩ Credit Suisse là nhà băng chịu thiệt hại nặng nề nhất sau khi Archegos vỡ nợ. Ảnh: Reuters. |
Khoản vay chục tỷ USD
Credit Suisse báo cáo khoản lỗ 4,7 tỷ USD do sự cố của Archegos. Ngoài Giám đốc rủi ro Lara Warner, một số lãnh đạo khác cũng phải từ chức. Ngân hàng Thụy Sĩ còn đối mặt với các câu hỏi từ giới chức trách Mỹ và châu Âu về mối quan hệ với Archegos.
Thông qua các giao dịch hoán đổi, Archegos - quỹ đầu tư của nhà giao dịch Mỹ gốc Hàn Bill Hwang - có thể chịu lỗ hoặc nhận lãi mà không cần trực tiếp sở hữu tài sản.
Khi những cổ phiếu nằm trong danh mục đầu tư của Archegos sụt giá, các ngân hàng và công ty tài chính đã kích hoạt lệnh tăng tài sản ký quỹ (margin call), yêu cầu công ty nạp thêm tiền hoặc tài sản thế chấp vào tài khoản.
Tuy nhiên, quỹ đầu tư của ông Hwang không thể đáp ứng yêu cầu, buộc các nhà môi giới phải bán cổ phiếu và tài sản mà công ty nắm giữ. Điều này kích hoạt đà giảm mạnh của những cổ phiếu được Archegos đầu tư.
Giám đốc rủi ro Credit Suisse Lara Warner đã phải từ chức sau sự cố của quỹ đầu tư Archegos. Ảnh: Mike Blake/Reuters. |
Những ngân hàng khác làm ăn với Archegos - bao gồm Nomura Holdings Inc. và Morgan Stanley - cũng báo cáo các khoản lỗ lớn. Tuy nhiên, Credit Suisse cho Archegos vay với quy mô lớn hơn nhiều những nhà băng khác. Họ cũng là ngân hàng cuối cùng bán tháo cổ phiếu được Archegos đầu tư.
Theo nguồn tin của Wall Street Journal, ban lãnh đạo của Credit Suisse giờ hiểu rằng mức độ ảnh hưởng của Archegos đối với ngân hàng lớn hơn con số 20 tỷ USD. Nhưng trước đó, họ nghĩ nó chỉ là một phần nhỏ của 20 tỷ USD.
Một phần nguyên nhân khiến Credit Suisse lao đao vì sự cố của Archegos là ngân hàng chưa thiết lập hệ thống theo dõi cập nhật ngay lập tức mức độ rủi ro mà một vị thế tạo ra cho ngân hàng khi giá của chứng khoán cơ sở thay đổi.
Hệ thống trên không được triển khai đầy đủ trong những bộ phận giám sát khoản đầu tư của Archegos. Ngân hàng đã lên kế hoạch chuyển các vị thế của Archegos vào hệ thống đó trong mùa xuân.
Lỗ hổng giám sát
Quỹ đầu tư tai tiếng đã thực hiện phần lớn khoản đầu tư thông qua một công cụ phái sinh được gọi là hoán đổi tổng lợi nhuận. Những hợp đồng này được môi giới bởi các ngân hàng Phố Wall, cho phép nhà đầu tư trả phí để nhận lãi hoặc lỗ trong một danh mục đầu tư cổ phiếu hoặc tài sản khác.
Bằng cách này, Archegos đã nắm giữ phần lớn cổ phần của ViacomCBS Inc., Discovery Inc. và một số công ty truyền thông và công nghệ khác. Bản chất của các khoản đầu tư là tiền vay từ Credit Suisse và những ngân hàng khác tại Phố Wall.
Giá cổ phiếu của các khoản đầu tư của Archegos thay đổi nhanh chóng. Do đó, Credit Suisse không thể theo dõi đầy đủ rủi ro của ngân hàng khi thiếu hệ thống theo dõi. Hệ thống này đã được sử dụng tại nhiều ngân hàng Phố Wall.
Theo nguồn tin, khi nhiều ngân hàng khác nhanh chóng bán tháo cổ phiếu được Archegos đầu tư, các giám đốc điều hành của Credit Suisse vẫn mâu thuẫn về thời điểm và cách thức bán.
Khi quy mô tổn thất của quỹ đầu cơ ngày một rõ ràng, Goldman Sachs Group Inc. và Morgan Stanley đã kịp thời bán các khoản đầu tư lớn.
Ông Thomas Gottstein, CEO của Credit Suisse. Ảnh: Arnd Wiegmann/Reuters. |
Credit Suisse dự kiến báo cáo kết quả quý I/2021 vào ngày 22/4 (theo giờ New York). Báo cáo có thể công bố thêm chi tiết về thiệt hại tài chính tổng thể do sự cố của Archegos.
Cuộc khủng hoảng Archegos xuất hiện chỉ vài tuần sau khi Greensill Capital - một công ty tài chính của Anh, có mối quan hệ làm ăn sâu sắc với Credit Suisse - đệ đơn phá sản và đẩy ngân hàng rơi vào tình trạng thua lỗ.
Credit Suisse cho biết các giao dịch của ngân hàng với cả Archegos và Greensill cần “xem xét và giám sát kỹ lưỡng hơn nữa". Hội đồng quản trị của nhà băng đã thành lập một nhóm xử lý khủng hoảng và thuê ngoài để điều tra.
Cuộc điều tra nhằm tìm ra nguyên nhân ngân hàng chịu ảnh hưởng nặng nề ở cả hai vụ việc, ngay cả sau khi đã đầu tư lớn để kiểm soát rủi ro và giám sát trong những năm qua.
Trong trường hợp của Greensill, ngân hàng đã xem xét lại mối quan hệ nhiều lần trong những năm gần đây, nhưng vẫn tiếp tục mở rộng mối quan hệ làm ăn với công ty.