Theo Bloomberg, không mấy ai biết đến quỹ đầu tư Archegos Capitol Management, cho đến khi vụ vỡ nợ của quỹ hồi cuối tháng 3 trở thành một trong những thất bại gây chấn động nhất trong lịch sử ngành tài chính Phố Wall.
Sự cố của Archegos đã phơi bày những lỗ hổng trong việc quản trị rủi ro của các ngân hàng lớn trên toàn cầu. Hoạt động môi giới - mảng kinh doanh lâu đời và sinh lời của ngân hàng - đang đứng trước sự thay đổi lớn.
Theo Bloomberg, Nomura của Nhật Bản và Credit Suisse của Thụy Sĩ - hai ngân hàng bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong vụ sụp đổ Archegos - đã bắt đầu siết chặt hoạt động kinh doanh với các quỹ đầu cơ và văn phòng gia đình.
Ngân hàng Credit Suisse (Thụy Sĩ), một trong những bên cho vay của Archegos, gánh lỗ 4,7 tỷ USD. Một số giám đốc điều hành bị sa thải. Ảnh: Reuters. |
Khoản lỗ khổng lồ
Các nhà quản lý châu Âu cũng đang xem xét rủi ro đối với ngân hàng khi làm ăn với đối tượng khách hàng này. Trong khi đó, giới chức trách Mỹ bắt đầu điều tra sơ bộ.
Hàng loạt động thái từ Washington, Zurich đến Tokyo có thể đem đến sự thay đổi lớn đối với hệ thống tài chính toàn cầu kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Các đơn vị môi giới trong những ngân hàng đầu tư lớn thường cho các quỹ vay tiền và chứng khoán để đầu tư. Mối quan hệ này rất quan trọng với một ngân hàng đầu tư.
Tuy nhiên, sự sụp đổ của Archegos - văn phòng gia đình của nhà giao dịch Mỹ gốc Hàn Bill Hwang - đã phơi bày những rủi ro mà các nhà băng phải đối mặt. Credit Suisse là ngân hàng bị ảnh hưởng nặng nề nhất với khoản lỗ 4,7 tỷ USD.
Theo nguồn tin của Bloomberg, Credit Suisse đang cân nhắc cắt giảm đáng kể hoạt động của đơn vị môi giới chính trong vài tháng tới. Ngân hàng là một trong những nhà môi giới hàng đầu tại châu Âu.
Thất bại của nhà giao dịch Mỹ gốc Á đã khiến các ngân hàng lớn chịu lỗ hàng tỷ USD. Ảnh: Getty Images. |
Ngân hàng cũng yêu cầu khách hàng thay đổi yêu cầu kí quỹ (số tiền cần thiết để thực hiện giao dịch có đòn bẩy) trong hợp đồng hoán đổi. Đây là loại hợp đồng đã được ông Hwang sử dụng để vay khoản tiền khổng lồ từ các nhà băng. Điều này có thể buộc khách hàng phải đăng ký nhiều tài sản thế chấp hơn và làm giảm lợi nhuận của một số giao dịch.
Ngân hàng Nhật Bản Nomura hiện đối mặt với khoản lỗ 2 tỷ USD từ vụ sụp đổ của Archegos. Nhà băng đang đưa ra một số hạn chế, bao gồm giảm đòn bẩy (đòn bẩy là thuật ngữ để chỉ hiện tượng sử dụng nợ để thu lợi nhuận trên tài sản) đối với một số khách hàng.
Các hạn chế nằm trong quá trình đánh giá đối với đơn vị môi giới chính của ngân hàng. Theo Bloomberg, quá trình này có thể dẫn đến việc thu hẹp quy mô hoạt động của doanh nghiệp.
Siết chặt quản lý
Archegos hoạt động như một văn phòng gia đình - công ty tư nhân giúp quản lý tài sản của các cá nhân giàu có. Do vậy, ông Hwang có thể sử dụng công cụ phái sinh để đặt cược và không phải tiết lộ nhiều thông tin như những nhà đầu tư tổ chức khác. Theo nguồn tin của Bloomberg, quỹ đầu cơ vô danh của ông Hwang đã tạo ra một danh mục đầu tư trị giá 100 tỷ USD.
Các nhà băng trở thành công cụ cho Archegos thực hiện hàng loạt vụ cá cược liều lĩnh. Điều đó phơi bày những "điểm mù" khiến hệ thống ngân hàng không thể quản lý rủi ro một cách hiệu quả.
Rõ ràng, các hãng môi giới đã có manh mối về những vụ đặt cược liều lĩnh của ông Hwang. Họ biết các giao dịch, một số có thể nắm thông tin tổng khoản vay của Archegos.
Tuy nhiên, các nhà băng không thể biết ông Hwang đồng thời giữ các vị thế tại rất nhiều công ty, sử dụng hàng loạt đòn bẩy tài chính để mua cùng một số cổ phiếu.
Cần phải xem xét kỹ lưỡng vì sao ngân hàng lại cho phép quỹ sử dụng đòn bẩy cao đến mức như vậy
Isabel Schnabel, thành viên ban điều hành Ngân hàng Trung ương Châu Âu
Theo nguồn tin của Bloomberg, nhà giao dịch Mỹ gốc Á đã tăng cường đòn bẩy đều đặn. Ban đầu, tỷ lệ đòn bẩy là 2, nhưng sau đó tăng lên ít nhất 5 lần tính đến cuối tháng 3.
Những ván cược lớn của ông Hwang đã giúp tài sản của Archegos tăng với tốc độ không tưởng. Hồi năm 2013, quỹ đầu cơ khởi đầu với khoảng 200 triệu USD. Nhưng tài sản của ông tăng gấp 100 lần trong vòng chưa đầy 10 năm.
Các nhà quản lý Mỹ đã gợi ý về những quy tắc mới có thể được áp dụng. Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ báo hiệu rằng họ sẽ đẩy mạnh việc công khai giao dịch của quỹ đầu cơ, đồng thời tìm cách giải quyết vấn đề rủi ro và đòn bẩy cao.
"Hy vọng rằng sự cố lần này sẽ khiến các nhà môi giới hàng đầu đánh giá lại mối quan hệ giữa họ và những quỹ đầu cơ sử dụng đòn bẩy cao", bà Sheila Bair, cựu Chủ tịch Federal Deposit Insurance Corp., viết trên Twitter.
Tại châu Âu, ngân hàng trung ương cũng yêu cầu những ngân hàng lớn nhất cung cấp thêm thông tin về mối quan hệ với các quỹ đầu cơ. “Cần phải xem xét kỹ lưỡng vì sao ngân hàng lại cho phép quỹ sử dụng đòn bẩy cao đến mức như vậy”, bà Isabel Schnabel, thành viên ban điều hành Ngân hàng Trung ương Châu Âu, bình luận.
"Đó là một tín hiệu cảnh báo rằng có những rủi ro hệ thống đáng kể cần được quản lý tốt hơn", bà cảnh báo.