Theo Bloomberg, sau khi Trung Quốc tuyên bố mức phạt kỷ lục dành cho Alibaba, gã khổng lồ thương mại điện tử của tỷ phú Jack Ma đã có một hành động bất thường. Đó là cảm ơn các cơ quan quản lý.
"Alibaba sẽ không thể phát triển nếu không có những quy định hợp lý. Sự giám sát, khoan dung và hỗ trợ cần thiết của các cơ quan quản lý là vô cùng quan trọng đối với con đường phát triển của chúng tôi", công ty khẳng định.
"Đối với điều này, chúng tôi tràn đầy lòng biết ơn và trân trọng", Alibaba nhấn mạnh.
Bloomberg nhận định cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và các tập đoàn công nghệ lớn nước này "rất kỳ lạ" so với phần còn lại của thế giới. Tỷ phú Mark Zuckerberg hay Tim Cook có lẽ sẽ không công khai bày tỏ lòng biết ơn nếu chính quyền Mỹ áp khoản phạt kỷ lục về chống độc quyền lên Facebook và Apple.
Cục Quản lý thị trường Trung Quốc hôm 10/4 thông báo phạt Alibaba 18 tỷ NDT, tương đương 2,75 tỷ USD vì vi phạm các quy định về chống độc quyền. Ảnh: Reuters. |
Được nhiều hơn mất
Không chỉ vậy, hầu hết quá trình siết chặt quy định của chính quyền Bắc Kinh cũng rất khác thường. Các nhà quản lý Trung Quốc kết thúc cuộc điều tra mang tính bước ngoặt chỉ trong vòng 4 tháng. Để so sánh, những cuộc điều tra tương tự ở Mỹ và châu Âu mất đến hàng năm trời.
Thông điệp được Trung Quốc gửi đến các tập đoàn công nghệ lớn rất rõ ràng. Mọi hành vi phản cạnh tranh sẽ phải chịu hậu quả.
Trên thực tế, khoản phạt 2,75 tỷ USD không quá nghiêm trọng đối với Alibaba. Số tiền tương đương 4% doanh thu nội địa hàng năm của tập đoàn. Trong khi đó, mức phạt gần 1 tỷ USD dành cho nhà sản xuất chip Mỹ Qualcomm hồi năm 2015 chiếm tới 8% doanh thu tại Trung Quốc của công ty.
Một số chuyên gia nhận định 2,75 tỷ USD là khoản phí quá nhỏ để xóa bỏ "bóng đen quy định" đang phủ lên tương lai của Alibaba. Giá cổ phiếu của Alibaba trên sàn Hong Kong hôm 12/4 tăng 5,5%.
"Chúng tôi rất vui khi các vấn đề được giải quyết. Những quy định này được thực hiện để đảm bảo cạnh tranh công bằng", ông Joseph Tsai, nhà đồng sáng lập kiêm Phó chủ tịch Alibaba, khẳng định.
Kể từ tháng 10/2020, cuộc chiến pháp lý giữa Alibaba và chính quyền Bắc Kinh đã khiến định giá của tập đoàn bốc hơi 250 tỷ USD. Ảnh: Reuters. |
Theo kết luận của Cục Quản lý thị trường Trung Quốc (SAMR), Alibaba đã sử dụng các quy tắc nền tảng, cùng những phương pháp kỹ thuật như dữ liệu và thuật toán nhằm "duy trì, củng cố sức mạnh thị trường và tạo lợi thế cạnh tranh không phù hợp". Tập đoàn do đó phải hạn chế việc bắt những cửa hàng đối tác phải "chọn một" (giữa Alibaba và các đối thủ cạnh tranh).
Tuy nhiên, ông Tsai khẳng định các nhà quản lý sẽ không áp đặt những thay đổi triệt để đối với chiến lược thương mại điện tử của tập đoàn.
Bắc Kinh vẫn có ý định kiểm soát các tập đoàn fintech (công nghệ tài chính) và Internet lớn. Chiến dịch đã khiến giá trị vốn hóa thị trường của Alibaba bay hơi 250 tỷ USD tính từ tháng 10.
Ngoài chống độc quyền, các cơ quan quản lý của Trung Quốc cũng nhắm vào những mảng kinh doanh khác nằm trong đế chế kinh doanh của ông Ma, bao gồm doanh nghiệp cho vay tiêu dùng Ant Group và các phương tiện truyền thông.
Giới đầu tư vui mừng
Theo Bloomberg, các công ty cùng ngành như Tencent Holdings Ltd., Baidu Inc. và Meituan cũng chịu ảnh hưởng. Họ sẽ phải thận trọng hơn khi mở rộng hoạt động kinh doanh và mua lại trong thời gian tới.
Khoản phạt kỷ lục có thể xóa bỏ nỗi lo pháp lý đã đè nặng lên Alibaba kể từ khi cuộc điều tra chống độc quyền bắt đầu vào cuối tháng 12. Tuy nhiên, theo Bloomberg, công ty sẽ cần thận trọng hơn đối với những thương vụ mua lại và mở rộng hoạt động kinh doanh sắp tới.
Cuộc điều tra nhắm vào Alibaba nằm trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm giảm sức ảnh hưởng của các tập đoàn công nghệ lớn nước này. Chiến dịch bắt đầu ngay sau khi ông Ma công khai chỉ trích hệ thống ngân hàng của Trung Quốc hồi cuối năm 2020.
Những bình luận của ông Jack Ma kích hoạt một cuộc chiến quy định chưa từng có tại đất nước tỷ dân. Ngay sau bài phát biểu của ông, kế hoạch phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) trị giá 35 tỷ USD của Ant Group đột ngột bị hoãn.
Ở thời điểm hiện tại, dường như chỉ các nhà đầu tư là vui mừng. Bởi đòn giáng lên Alibaba nhẹ hơn dự đoán của họ trong quá khứ.
Bloomberg
Vẫn chưa rõ liệu các cơ quan quản lý của Trung Quốc có hành động thêm hay không. Hồi giữa tháng 3, Bắc Kinh yêu cầu Alibaba - hiện sở hữu tờ South China Morning Post - thoái vốn trong lĩnh vực truyền thông do lo ngại ảnh hưởng ngày càng gia tăng của công ty này.
"Mức phạt cao dành cho Alibaba đã giúp SAMR thu hút sự chú ý của giới truyền thông, đồng thời gửi lời cảnh báo đến lĩnh vực công nghệ của nước này. Nó cho thấy rằng những hành vi triệt tiêu tính cạnh tranh sẽ không còn được khoan nhượng nữa", Bloomberg dẫn lời bà Angela Zhang, Giám đốc Trung tâm Luật Trung Quốc tại Đại học Hong Kong, nhận định.
"Đó là một mũi tên trúng hai đích", bà nhận định. Theo Bloomberg, các quan chức Trung Quốc hiện cũng tăng cường giám sát đối với Tencent.
Ở thời điểm hiện tại, dường như chỉ các nhà đầu tư là vui mừng. Bởi đón giáng lên Alibaba nhẹ hơn dự đoán của họ trong quá khứ.
Trong kết luận của SAMR, cơ quan cho biết Alibaba sẽ phải thực hiện "các biện pháp cải thiện toàn diện", bao gồm tăng cường kiểm soát nội bộ, duy trì cạnh tranh công bằng, bảo vệ các doanh nghiệp trên nền tảng và quyền lợi của người tiêu dùng.
Các nhà quản lý Trung Quốc có thể tiếp tục nhắm vào những mảng kinh doanh khác trong đế chế của ông Ma, bao gồm doanh nghiệp cho vay tiêu dùng Ant Group. Ảnh: Reuters. |
Tập đoàn của ông Ma sẽ phải nộp báo cáo về việc tự điều chỉnh cho cơ quan có thẩm quyền trong vòng 3 năm liên tiếp. Nói với nhân viên, Giám đốc điều hành Alibaba Daniel Zhang khẳng định đây là thời điểm để tập đoàn "bắt đầu lại".
"Chúng tôi tin rằng những lo ngại của thị trường về cuộc điều tra chống độc quyền đối với Alibaba đã được giải quyết bằng quyết định và khoản phạt gần đây của SAMR", các nhà phân tích của Jefferies khẳng định trong nghiên cứu “A New Starting Point” (tạm dịch: Một điểm khởi đầu mới).
Tờ Nhân Dân nhật báo cũng cho rằng khoản phạt chỉ nhằm mục đích "ngăn chặn việc mở rộng vốn một cách mất trật tự".
"Điều đó không có nghĩa là phủ nhận vai trò quan trọng của nền kinh tế nền tảng đối với sự phát triển kinh tế và xã hội nói chung, cũng không báo hiệu thay đổi trong sự hỗ trợ dành cho nền kinh tế nền tảng", tờ báo khẳng định.
"Các quy định là nhằm phát triển tốt hơn. Và 'kiểm soát' cũng là một dạng tình yêu", tờ báo viết.