Theo Financial Times, các tập đoàn gia đình tại Hàn Quốc đã xây dựng khối tài sản và sức ảnh hưởng khổng lồ khi đất nước vươn lên từ tro tàn chiến tranh.
Nhưng giờ là thời điểm những người đứng đầu gia tộc tuổi cao sức yếu. Ở một quốc gia có mức thuế thừa kế thuộc hàng cao nhất thế giới, các thành viên trong gia đình gánh khoản thuế khổng lồ, thậm chí phải bán cổ phần của công ty để trả nợ.
Gia tộc đứng sau đế chế Samsung cũng không ngoại lệ. Ông Lee Kun-hee, cố chủ tịch Samsung, đưa tập đoàn Hàn Quốc trở thành gã khổng lồ công nghệ toàn cầu. Các hoạt động kinh doanh của tập đoàn ước tính chiếm khoảng 15% toàn bộ nền kinh tế đất nước.
Là biểu tượng của giới kinh doanh, ông Lee Kun-hee nắm giữ khối tài sản 20,1 tỷ USD. Theo Forbes, ông từng là người giàu nhất đất nước 50 triệu dân và xếp hạng 75 trong danh sách những người giàu nhất hành tinh năm 2020.
Sau khi ông qua đời, gia đình ông Lee phải trả hơn 10,78 tỷ USD thuế thừa kế, theo Reuters. Đó là một trong những khoản thuế thừa kế lớn nhất thế giới từ trước đến nay.
Ông Lee Kun-hee và phu nhân Hong Ra-hee vào năm 2012. Ảnh: Reuters. |
Khoản thuế khổng lồ
Thuế thừa kế tại Hàn Quốc lên đến 50%, chỉ sau Nhật Bản (55%). Tuy nhiên, nếu người thừa hưởng trở thành cổ đông lớn nhất trong doanh nghiệp gia đình, mức thuế sẽ tăng lên 65%.
Để so sánh, mức thuế trung bình của các quốc gia trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) là khoảng 15%, theo Tổ chức Thuế (có trụ sở tại Washington).
Khoản thuế gia đình Lee phải chịu là một trong những mức cao nhất từ trước đến nay trên toàn thế giới, tương đương 3-4 lần tổng thu nhập thuế bất động sản của chính phủ Hàn Quốc vào năm 2020.
Theo nghiên cứu của nhóm CEO Score, người thừa kế của 25 công ty hàng đầu Hàn Quốc sẽ phải trả tổng cộng 21 tỷ USD tiền thuế.
Tôi không còn cách nào ngoài trả một khoản thuế khổng lồ. Trên thực tế, tôi có thể phải bán công ty để trả thuế
- Một giám đốc điều hành giấu tên
"So với 20 năm trước, khi cha mẹ tôi thành lập công ty, giá cổ phiếu đã tăng lên rất nhiều. Tôi không còn cách nào ngoài trả một khoản thuế khổng lồ", một giám đốc điều hành giấu tên của một tập đoàn công nghiệp nói với Financial Times.
"Trên thực tế, tôi có thể phải bán công ty để trả thuế", người này nói thêm. Năm 2018, ông Koo Kwang-mo, người thừa kế LG Group cùng các chị em, phải trả số tiền thuế lên đến 921,5 tỷ won (827 triệu USD) trong vòng 5 năm.
Năm 2019, ông Choi Won-tae, Chủ tịch Korean Airlines, con trai của ông Cho Yang-ho, phải từ bỏ quyền quản lý và bán một phần cổ phần được thừa kế để trả thuế. Ước tính mức thuế thừa kế mà ông Cho Won-tae phải trả là hơn 270 tỷ won (232 triệu USD).
Sau khi bán cổ phiếu để trả 200 tỷ won (175,36 triệu USD) tiền thuế thừa kế, ông Lee Woo-hyun - Giám đốc điều hành OCI - phải từ bỏ vị trí cổ đông lớn nhất công ty.
Theo nguồn tin của Reuters, gia tộc Lee đã thảo luận về việc sử dụng cổ phiếu của các công ty con làm tài sản thế chấp cho những khoản vay cá nhân để thanh toán một phần tiền thuế. Điều đó sẽ giúp họ không phải bán cổ phần tại Samsung.
Gia đình ông Lee phải trả hơn 10,78 tỷ USD thuế thừa kế. Ảnh: Getty Images. |
Gia đình không tiết lộ cách thức phân chia cổ phiếu của ông Lee cho các thành viên gia đình, hay những cổ phiếu nào sẽ bị bán. Ngoài các khoản vay cá nhân, gia đình dự kiến sử dụng cổ tức từ cổ phần của ông Lee và bản thân họ để trả tiền thuế.
Cố chủ tịch Samsung nắm giữ cổ phần tại 4 công ty Samsung trị giá khoảng 18.200 tỷ won (16,1 tỷ USD), bao gồm 4,18% cổ phiếu phổ thông và 0,08% cổ phiếu ưu đãi của Samsung Electronics, 20,76% cổ phần của Samsung Life Insurance, 2,8% cổ phần Samsung C&T và 0,01% cổ phần Samsung SDS.
Ông cũng sở hữu hai ngôi nhà ở khu đất đắt đỏ thuộc trung tâm Seoul. Theo Yonhap, đó là những căn hộ tư nhân đắt nhất Hàn Quốc với giá khoảng 40,9 tỷ won (36,2 triệu USD) và 34,2 tỷ won (30,2 triệu USD).
Sức ép dư luận
Các gia tộc giàu có ở Hàn Quốc từng tìm nhiều cách để trốn thuế thừa kế. Hầu hết đều từng bị cáo buộc tham nhũng, hoặc cố giữ quyền kiểm soát tập đoàn một cách bất hợp pháp.
Giới chuyên gia lo ngại rằng nhiều gia đình sẽ sử dụng các thỏa thuận nội bộ phức tạp giữa công ty mẹ và công ty con để giảm thiệt hại từ việc chuyển giao quyền kiểm soát và tài sản cho thế hệ sau.
"Quá trình chuyển giao quyền lực đang diễn ra trong các tập đoàn lớn. Do thuế thừa kế cao, họ phải đau đầu tìm nhiều cách để chuyển đổi cổ phần của chủ sở hữu", ông Park Ju-geun, người đứng đầu CEO Score, bình luận.
"Tôi đã chứng kiến nhiều người quen bán công ty và chuyển sang sống ở nước ngoài vì thuế quá cao", giám đốc điều hành giấu tên của một tập đoàn công nghiệp tiết lộ.
Tại sao họ không thể trả bằng tiền mặt? Họ có rất nhiều tiền. Điều đó cũng không tạo ra nhiều khác biệt đối với cuộc sống của họ, vì nước chảy chỗ trũng
Bà Im Han-kyu, 55 tuổi, làm nghề dọn dẹp
Một số người cũng phản đối cách gia đình cố chủ tịch Samsung quyên góp để giảm tiền thuế. Gia đình Lee tuyên bố sẽ quyên góp gần 900.000 USD cho các tổ chức từ thiện chăm sóc sức khỏe cộng đồng, bao gồm cả việc thành lập một phòng thí nghiệm chuyên biệt về bệnh truyền nhiễm.
Bộ sưu tập đồ cổ và tranh của ông Lee cũng được tặng cho Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc và các tổ chức văn hóa khác.
"Tại sao họ không thể trả bằng tiền mặt? Họ có rất nhiều tiền", bà Im Han-kyu, 55 tuổi, làm nghề dọn dẹp, bình luận. "Điều đó cũng không tạo ra nhiều khác biệt đối với cuộc sống của họ, vì nước chảy chỗ trũng", bà nói thêm.
Trên thực tế, các tập đoàn lớn của Hàn Quốc ngày càng khó trốn thuế hơn. Nguyên nhân là công chúng rất quan tâm đến tài chính của những gia đình giàu có. Cùng với đó là sự kiểm soát chặt chẽ của chính phủ đối với những giao dịch nội bộ không công bằng.
Ông Lee Kun-hee và con trai duy nhất (trái), người hiện giữ chức vụ phó chủ tịch tại Samsung Electronics. Ảnh: Reuters. |
Theo ông Chung Sun-seop, người đứng đầu công ty nghiên cứu Chaebul.com, các gia tộc Hàn Quốc phải đối mặt với phản ứng dữ dội từ công chúng "nếu họ cố gắng dùng thủ đoạn để trốn thuế".
"Bất kể tiền thuế là bao nhiêu, họ vẫn còn quá nhiều tiền để chi tiêu trong phần đời còn lại. Tôi không thể kiếm được hàng nghìn tỷ won trong cuộc đời dù bán bao nhiêu sữa đi chăng nữa", ông JS Ahn, một người bán sữa ở Kwangju, bình luận.
"Họ đã hưởng lợi từ xã hội để trở nên giàu có. Những người như chúng tôi thậm chí không thể tưởng tượng số tài sản mà họ nắm giữ", bà Chang Sung-ja, 56 tuổi, chia sẻ.
Họ đã hưởng lợi từ xã hội để trở nên giàu có. Những người như chúng tôi thậm chí không thể tưởng tượng số tài sản mà họ nắm giữ
Bà Chang Sung-ja, 56 tuổi
Trong tuyên bố hôm 28/4, gia đình Lee cũng khẳng định: "Trả mọi loại thuế là nghĩa vụ công dân và trách nhiệm của chúng tôi".
Theo Financial Times, ngày càng nhiều gia tộc giàu có tại Hàn Quốc công khai thể hiện sự ủng hộ đối với mức thuế thừa kế cao.
"Đất nước của chúng ta thiếu mạng lưới an toàn xã hội do sự phát triển quá nhanh. Do đó, tôi không phản đối thuế thừa kế cao", nhà sáng lập của một công ty công nghệ sinh học nói với Financial Times.
"Tất cả chúng ta đều hưởng lợi từ cơ sở hạ tầng xã hội. Do đó, chúng ta nên đóng góp một phần của cải cho xã hội", người này nói thêm.