Hôm 11/12, tập đoàn thương mại điện tử Alibaba đồng ý mua những tài sản truyền thông của tập đoàn SCMP, bao gồm South China Morning Post – tờ báo tiếng Anh có ảnh hưởng lớn nhất tại Hong Kong. Trong nhiều thập kỷ qua, South China Morning Post đưa tin về những chủ đề mà các hãng truyền thông thuộc sở hữu của chính phủ không đăng – như bê bối chính trị hay nhân quyền.
Ban lãnh đạo Alibaba tuyên bố họ mua báo South China Morning Post vì muốn cải thiện hình ảnh của Trung Quốc và giúp độc giả có thêm một công cụ để đối trọng với cách đưa tin phiến diện của truyền thông phương Tây về Trung Quốc. Theo Alibaba, kiểu đưa tin như vậy tác động tới cách nhìn nhận của giới đầu tư về tập đoàn. Theo tuyên bố của Alibaba, cổ phiếu của họ được niêm yết ở New York đang chịu tác động từ những tin tiêu cực về Trung Quốc.
The South China Morning Post là báo có ảnh hưởng lớn nhất ở Hong Kong. Ảnh: AP |
“Hoạt động kinh doanh của chúng tôi diễn ra ở Trung Quốc và liên quan tới nhiều khía cạnh của nền kinh tế đất nước. Vì thế, khi dư luận không hiểu rõ và thậm chí hiểu sai về Trung Quốc, họ cũng sẽ hiểu nhầm về Alibaba. Những điều tốt đối với Trung Quốc cũng sẽ tốt với Alibaba”, Joseph C. Tsai, phó chủ tịch tập đoàn Alibaba, nói trong một cuộc phỏng vấn.
Đối với Alibaba, lợi ích về tài chính không phải là yếu tố quan trọng. Với trị giá khoảng 100 triệu USD, thương vụ chỉ “ngốn” một phần tương đối nhỏ của một tập đoàn có doanh thu hàng năm lên tới 12 tỷ USD.
Nhưng uy tín của Alibaba sẽ trở nên rủi ro hơn khi họ bước vào lĩnh vực chính trị. Với việc sở hữu South China Morning Post, Alibaba sẽ kiểm soát một tờ báo trong một đất nước có hai chế độ. Nền báo chí ở Hong Kong tương đối tự do, trong khi chính phủ kiểm duyệt chặt chẽ báo chí ở đại lục.
Thay đổi nội dung?
Khi tin đồn về thương vụ bắt đầu xuất hiện từ vài tuần trước, nhiều người ở Hong Kong bắt đầu lo ngại về việc Alibaba sẽ điều chỉnh cách đưa tin của SCMP để phù hợp với định hướng của Bắc Kinh.
Willy Lam, một nhà bình luận chính trị và từng là biên tập viên của SCMP, nhận định rằng việc Alibaba mua tờ báo có thể dẫn tới xu hướng tờ báo tự kiểm duyệt đối với những vấn đề chính trị nhạy cảm.
Tuy nhiên, Alibaba tuyên bố họ không có ý định can thiệp vào hoạt động hàng ngày của báo và sẽ không kiểm soát các bài báo. Ban lãnh đạo khẳng định sẽ bảo đảm sự độc lập và tính thống nhất về báo chí của SCMP.
“Chúng tôi sẽ vận hành SCMP theo những nguyên tắc nhất định. Ban lãnh đạo tập đoàn sẽ để các biên tập viên đánh giá những vấn đề nên và không nên đăng”, Tsai phát biểu.
Song Tsai không công bố thông tin chi tiết về cách thức Alibaba sẽ xử lý các tin nhạy cảm mà không hy sinh tính độc lập của báo chí. Ông chỉ nói “những bài báo công bằng và chính xác” sẽ góp phần tạo nên hình ảnh tích cực hơn về Trung Quốc.
Với số lượng bản in khoảng 100.000 mỗi số, SCMP chỉ là báo nhỏ ở Hong Kong. Song tờ báo 112 tuổi có ảnh hưởng lớn đối với phương Tây bởi nó gần Trung Quốc và sử dụng tiếng Anh.
Ông Jack Ma, Chủ tịch tập đaàn Alibaba, phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu ở Paris hôm 5/12. Ảnh: EFE |
Gia đình nhà tài phiệt Robert Kuok điều hành tập đoàn SCMP từ năm 1993. Robert Kuok có khá nhiều lợi ích kinh tế ở Trung Quốc thông qua việc sở hữu tập đoàn Kerry. Báo SCMP từng thuộc quyền sở hữu của tập đoàn News của tỷ phú Rupert Murdoch.
Ngoài tờ báo, Alibaba cũng sẽ mua các tài sản truyền thông khác của tập đoàn SCMP, bao gồm các ấn bản về thời trang, du lịch và phong cách sống.
Nhưng tập đoàn SCMP, giống như nhiều tập đoàn truyền thông trên thế giới, đang đối mặt với sức ép tài chính. Số lượng bản in của họ giảm dần, còn mức tăng trưởng lợi nhuận đang chững.
Alibaba tiết lộ rằng họ sẽ đầu tư vào mảng báo chí bằng cách tăng số lượng nhân viên và phát triển thêm dịch vụ nội dung số. Tập đoàn cũng sẽ bỏ chế độ khống chế số lượng bài để độc giả có thể xem miễn phí nội dung của báo.
Những người ủng hộ tự do báo chí lo ngại rằng Jack Ma, vốn là doanh nhân ở đại lục, có thể đối mặt với sức ép từ chính phủ Trung Quốc trong việc kiểm soát chặt chẽ nội dung. Trong vài năm gần đây, người dân ở Hong Kong ngày càng tỏ ra lo ngại chính phủ Trung Quốc yêu cầu giới doanh nhân ngừng ủng hộ những tờ báo, tạp chí có xu hướng chống đối chính phủ.
“Jack Ma và Alibaba đã thực hiện tốt việc duy trì quan hệ tốt với cấu trúc quyền lực ở Trung Quốc và không tham gia vào chính trị. Nhưng mua một tờ báo, đặc biệt là ở Hong Kong, có thể là hành vi mạo hiểm”, Orville Schell, giám đốc Hiệp hội châu Á, nói về vị chủ tịch của Alibaba.
Cuộc cách mạng truyền thông
Quyết định mua SCMP của Alibaba phản ánh một cuộc cách mạng lớn hơn ở Trung Quốc, khi những công ty lớn nhất đất nước tìm cách thay đổi hình ảnh của quê hương đối với thế giới bên ngoài.
Một số doanh nghiệp Trung Quốc đầu từ vào các hãng truyền thông nước ngoài, xưởng phim và bản quyền phát sóng sự kiện thể thao. Ví dụ, tập đoàn Wanda của tỷ phú Wang Jianlin đang kiểm soát AMC Entertainment, một trong những chuỗi rạp chiếu phim lớn nhất ở Mỹ.
Vụ mua SCMP xuất phát từ những tham vọng lớn của Jack Ma, người sáng lập tập đoàn vào năm 1999 và biến nó trở thành “gã khổng lồ” trong lĩnh vực thương mại điện tử với giá trị thị trường lên tới hơn 200 tỷ USD.
Trong vài năm qua, Alibaba đã mở rộng hoạt động kinh doanh sang các lĩnh vực tài chính, sản xuất phim, video trực tuyến và mạng xã hội. Tập đoàn cũng mua cổ phần trong nhiều công ty truyền thông trong nước, như China Business News. Mới đây họ vừa hoàn tất thương vụ mua Youku.com – một trang video.
Eric X. Li, một nhà đầu tư mạo hiểm tại thành phố Thượng Hải và cũng đầu tư vào trang Youku.com khá sớm, đã tư vấn Alibaba mua các tài sản truyền thông của tập đoàn SCMP. Li nổi tiếng với giọng điệu chỉ trích nền dân chủ kiểu Mỹ và ca ngợi những điểm tốt của đảng Cộng sản.
“Có lẽ sự trỗi dậy của Trung Quốc là một trong những diễn biến nổi bật nhất trên toàn cầu trong thế kỷ 21. Nhưng giới truyền thông phương Tây lại đưa tin một cách phiến diện về Trung Quốc”, Li bình luận trong một cuộc phỏng vấn.
Li cho rằng việc trở thành một tài sản của Alibaba sẽ giúp báo SCMP có một lợi thế trong nỗ lực cung cấp cho độc giả toàn cầu góc nhìn đa chiều và thực tế về Trung Quốc.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, Tsai nhận định giới truyền thông phương Tây từng đưa tin khá xuất sắc về Trung Quốc trong vài năm qua. Song ông và nhiều nhà quản trị của Alibaba cảm thấy giới truyền thông phương Tây tập trung quá nhiều vào những điểm yếu của chính phủ và đưa tin sai lệch về sự phát triển của Trung Quốc. Ông nói Alibaba muốn giúp thế giới hiểu rõ hơn về Trung Quốc, bằng cách biến báo SCMP thành nền tảng toàn cầu đối với tin tức về Trung Quốc.
“Nguy cơ rất nhỏ. Ngay cả khi chúng tôi mất tiền, đó sẽ không phải là tổn thất về vật chất. Tuy nhiên, khía cạnh tích cực sẽ rất lớn”, ông bình luận.