Ngày 15/10/2003, Trung Quốc trở thành nước thứ 3 trên thế giới đưa con người vào không gian. Ảnh: CNN |
Dự án vũ trụ tham vọng
Khu phức hợp "Thành phố Không gian" ở tây bắc thủ đô Bắc Kinh rất giống những tòa nhà hành chính khác trên toàn Trung Quốc. Tuy nhiên, bảo vệ ở đây canh gác nghiêm ngặt hơn. Họ luôn có những chốt kiểm tra thông tin khách ghé thăm.
Đây không phải là trụ sở hành chính bình thường. Thành phố Không gian là nơi đang triển khai dự án tham vọng nhất của chính phủ Trung Quốc, Dự án 921 hoặc chương trình tàu vũ trụ chinh phục không gian có người lái.
Rất ít phóng viên nước ngoài có cơ hội tham quan bên trong tòa nhà. Để được vào trung tâm huấn luyện dành cho các phi công, đài CNN mất hơn một năm liên lạc qua lại với chính phủ Trung Quốc.
Ba phi hành gia trong phòng tình huống của trung tâm huấn luyện là Nie Haisheng, Zhang Xiaoguang và Wang Yaping. Họ chính là những nhà du hành xuất sắc của Trung Quốc, từng tham gia sứ mệnh Thần Châu 10 hồi năm 2013 - chương trình tàu vũ trụ có người lái lâu nhất của nước này (15 ngày).
Tất cả phi hành gia Trung Quốc đều là sĩ quan trong quân đội (PLA) và tốt nghiệp đại học. Họ có chiều cao tương đối và đạt mức cân nặng theo yêu cầu.
"Để trở thành phi hành gia, bạn không cần phải là siêu nhân. Chúng tôi cũng như những người bình thường. Tuy nhiên, chúng tôi đáp ứng những tiêu chuẩn nhất định để bay vào không gian", ông Nie nói.
Người được chú ý nhiều nhất là Wang Yaping. Năm 2013, cô thực hiện một bài giảng trực tuyến về vũ trụ cho 60 triệu học sinh Trung Quốc.
"Tôi từng chứng kiến khoảnh khắc phi thuyền chở các đồng đội tiến vào không gian. Khi đó, tôi tự hỏi, khi nào người phụ nữ đầu tiên sẽ vào vũ trụ?", Wang chia sẻ về động lực trở thành phi hành gia.
Cuộc đua muộn
Bắc Kinh lần đầu tuyên bố chương trình tàu vũ trụ đầu thập niên 1970. Tuy nhiên, bối cảnh xã hội thời đó khiến dự án chưa thể triển khai. Đầu những năm 90, Trung Quốc nối lại dự án và xây dựng 2 khóa đào tạo phi hành gia năm 1998 và 2010.
Các phi hành gia Trung Quốc tham gia sứ mệnh Tuần Châu 10, chương trình tàu vũ trụ có người lái kéo dài nhất của Trung Quốc: Nie Haisheng (phải), Zhang Xiaoguang (giữa) và Wang Yaping. Ảnh: Xinhua |
Đến năm 2013, CNN cho biết số lượng nhân viên làm việc tại các đơn vị liên quan trong chương trình vũ trụ của Mỹ là 80.000 người, tại toàn châu Âu là 36.000, và tại Trung Quốc là 25.000 người.
Ngân sách đầu tư của Trung Quốc là 6,1 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với Mỹ (39,3 tỷ USD), nhưng qua mặt một "đại gia" khác trong cuộc đua vũ trụ là Nga (5,3 tỷ USD).
Tuy nhiên, xét về số lần phóng tàu thành công, Nga là nước dẫn đầu với 31 lần, đến Mỹ (19 lần), Trung Quốc (14 lần). CNN nhận định, Trung Quốc chỉ đang vượt qua những cột mốc đầu tiên mà Mỹ và Nga từng đạt được nhiều năm trước đó.
Theo giáo sư Joan Johnson-Freese (trường Cao đẳng Chiến tranh Hải quân Mỹ), công nghệ vũ trụ của Mỹ vẫn tốt nhất thế giới.
"Tuy nhiên, giới chức Mỹ không thực sự đủ tâm huyết để hỗ trợ một chương trình tàu vũ trụ có người lái tham vọng. Trong khi đó, với sự ủng hộ cao nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc, nước này có thể đạt nhiều thành tích hơn. Dự án là niềm tự hào của cả nước họ".
Cuộc đua đến những vì sao không chỉ là sự so kè về khả năng tài chính. Nó còn thúc đẩy những kiểu hợp tác mới giữa các nước. Trạm Không gian Quốc tế (ISS) là dự án vũ trụ huy động sự tham gia của 15 nước, bao gồm Mỹ, Nga và Nhật Bản.
Tuy nhiên, Trung Quốc đứng ngoài sự hợp tác này. 21 phi hành gia của Trung Quốc không thể tiếp cận ISS, chủ yếu do sức ép từ Mỹ, theo CNN. Hồi năm 2011, Quốc hội Mỹ cấm NASA hợp tác song phương với cơ quan vũ trụ Trung Quốc vì lo ngại những rủi ro an ninh quốc gia.
"Trung Quốc bị xem là kẻ thù, rằng họ luôn muốn chiếm những tài sản trí tuệ, bí mật quốc gia của Mỹ nên Quốc hội không sẵn sàng hợp tác. Tôi cho rằng đây là sai lầm", Miles O'Brien, chuyên gia hàng không của CNN, nhận định.