Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vị thế và chiến lược của Trung Quốc trong năm 2013

Để tiếp tục khẳng định vị thế và sức ảnh hưởng trong khu vực cũng như trên thế giới, năm 2013, Trung Quốc sẽ triển khai nhiều sách lược đối nội và đối ngoại quan trọng.

Vị thế và chiến lược của Trung Quốc trong năm 2013

Để tiếp tục khẳng định vị thế và sức ảnh hưởng trong khu vực cũng như trên thế giới, năm 2013, Trung Quốc sẽ triển khai nhiều sách lược đối nội và đối ngoại quan trọng.

Bê bối Bạc Hy Lai chấn động Trung Quốc năm 2012.

Quan hệ Trung - Mỹ tiếp tục căng thẳng

Quan hệ Trung - Mỹ được dự đoán tiếp tục căng thẳng trong năm 2013.

Chưa bao giờ Mỹ để mắt chặt chẽ đến sự phát triển về quân sự và có thể cả kinh tế của con rồng châu Á như hiện nay. Ngược lại, Bắc Kinh cũng tỏ ra cảnh giác cao độ với chiến lược chuyển trọng tâm về châu Á của Washington cũng như cam kết cứng rắn hơn của Tổng thống Obama với Trung Quốc trên lĩnh vực thương mại.

Do đó, năm 2013 hứa hẹn quan hệ Trung - Mỹ sẽ tiếp tục căng thẳng, thậm chí, hai cường quốc còn có thể bị cuốn vào nhiều hơn các xung đột trên nhiều lĩnh vực. Xie Tao, một Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Các đối tượng đối ngoại Bắc Kinh dự đoán có 3 sự kiện rõ ràng nhất trong năm 2013, liên quan trực tiếp đến quan hệ Trung – Mỹ: "Thứ nhất, liệu Tổng thống Obama có bán vũ khí cho Đài Loan vào tháng 1 hay không. Thứ 2, liệu Trung Quốc có tiếp tục ngăn chặn các nỗ lực của Mỹ để giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị ở Syria và thứ 3, là vấn đề liên quan đến Iran". 

Ngoài ra, Giáo sư Tao còn cho biết thêm: "Tôi không có nhiều lạc quan về sự hợp tác hòa bình giữa hai nước. Tuy nhiên, về lâu về dài, tôi lạc quan hơn nhiều học giả khác về quan hệ Trung - Mỹ".

Trung Quốc theo đuổi trục châu Á riêng

Khi Washington tiếp tục duy trì chiến lược xoay trục hướng về châu Á, Trung Quốc cũng xem xét lại các quan hệ riêng của mình tại khu vực họ gọi là sân sau. Bắc Kinh đang nỗ lực để đạt được các thỏa thuận với Nhật Bản và Hàn Quốc đồng thời mở rộng các quan hệ thương mại với các quốc gia Đông Nam Á như Lào, Campuchia, Myanmar.

Nhà báo Jane Perlez, Trưởng văn phòng đại diện của New York Times tại Bắc Kinh nhấn mạnh: “Trung Quốc là một quyền lực tiền tệ ở Đông Nam Á. Họ đang không tiếc chi hàng tỷ USD cho các dự án giao thông công cộng như đường bộ và đường sắt ở các quốc gia trong khu vực này. Những dự án này giúp thương mại thông suốt, dòng chảy của hàng hóa thuận tiện hơn rất nhiều. Kết quả là, toàn bộ khu vực được gắn kết chặt chẽ với nhau hơn”.

Tuy nhiên, quan hệ căng thẳng với Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines liên quan đến vấn đề chủ quyền lãnh thổ cũng như khúc mắc khó gỡ với “đồng minh ruột” Myanmar về hoạt động khai khoáng, liệu Trung Quốc có thất bại trong cuộc chiến ngoại giao để giành lấy trái tim của khu vực?

Ưu tiên của đảng: Làm sạch tham nhũng

Thách thức trong năm tới của giới lãnh đạo mới của Trung Quốc là làm trong sạch nội bộ Đảng Cộng sản.

Đảng Cộng sản Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức có thể làm suy yếu tính hợp pháp của họ nếu không được giải quyết kịp thời. Đó là sự mở rộng khoảng cách giàu nghèo, yêu cầu cải tổ xã hội, dọn sạch tham nhũng chính trị và hàng loạt bê bối bồ bịch liên quan tới nhiều quan chức cấp cao trong đảng.

Trong đó, ưu tiên trước nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc là phải làm trong sạch nội bộ thì mới có thể giải quyết tiếp các vấn đề khác.

Nhà báo, nhà bình luận chính trị, Frank Ching cũng đồng tình với nhận định trên và nhấn mạnh, chương trình nghị sự quan trọng hàng đầu của giới lãnh đạo mới của Trung Quốc sẽ xoay quanh vấn đề làm trong sạch nội bộ đảng. Ngoài ra, để tăng tính thuyết phục cho nhận định của mình, ông Frank nhấn mạnh thêm rằng, ông đã theo dõi rất chặt Đại hội toàn quốc lần thứ 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

“Khi tân Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình giới thiệu các thành viên mới được bầu vào Ban thường vụ của đảng, ông không nhắc gì đến các quan hệ quốc tế, cũng không bàn gì đến chính sách nước ngoài. Tôi cho rằng, đó là vì ông nhận ra những vấn đề quan trọng nhất của Trung Quốc chính là ở trong nước. Do đó, ông dự định phải tập trung vào những vấn đề trong nước trước tiên”, ông Frank nhấn mạnh.

Bùng nổ điện thoại thông minh của Trung Quốc

Năm 2013 sẽ đánh dấu sự bùng nổ điện thoại thông minh của Trung Quốc.

Theo nhóm nghiên cứu IDC, Trung Quốc, thị trường Internet lớn nhất thế giới, được dự báo sẽ vượt mặt Mỹ trong mặt hàng điện thoại thông minh và trở thành thị trường điện thoại thông minh hàng đầu thế giới. Với giá bản lẻ thấp, 160 USD, điện thoại thông minh giá rẻ của Trung Quốc sẽ tạo ra tác động xã hội rất lớn.

Josh Ong, một biên tập viên của Next Web bình luận: “Người dân Trung Quốc ngày càng có xu hướng vứt bỏ máy tính bàn công kềnh, thậm chí, máy tính xách tay và netbook. Thay vào đó, họ sử dụng điện thoại thông minh nhỏ gọn có các chức năng tương tự máy tính. Sinh viên, lao động nhập cư và ngay cả người dân nông thôn cũng đang được hưởng lợi rất nhiều từ sự bùng nổ của điện thoại thông minh Trung Quốc giá cả phải chẳng”.

Tuy nhiên, điều này cũng làm dấy lên nỗi lo ngại cho ngày càng nhiều người về trách nhiệm quản lý của cơ quan chức năng đối với việc đăng tải thông tin qua điện thoại thông minh. Giả sử, gần như tất cả mọi người đều sở hữu các phương thức để lập tức ghi và phát lại những gì họ chứng kiến hoặc đang diễn ra xung quanh mình thì Internet có nguy cơ trở thành "cái hố rác khổng lồ".

Trung Quốc vươn tới mặt trăng

Năm 2012, Trung Quốc đã đưa thành công người phụ nữ đầu tiên vào vũ trụ. Liệu năm 2013, họ có thể đặt chân lên mặt trăng?

Trong nửa cuối năm 2013, theo kế hoạch, tàu vũ trụ Trung Quốc, Chang-e III ​​sẽ hạ cánh trên mặt trăng. Và một khi thiết bị thăm dò mặt trăng chạm bánh xuống bề mặt hành tinh này, Trung Quốc sẽ có thêm thành tích để tuyên truyền mạnh mẽ cho sức mạnh khoa học của họ.

Hiện nay, người Trung Quốc đang tràn đầy tự hào sau khi lập thành công kỷ lục lặn sâu ở rãnh Mariana cùng sự kiện tàu vũ trụ Thần Châu 9 nối ghép tự động thành công với mô-đun thí nghiệm không gian Thiên Cung 1, bước đi quan trọng tiến tới việc xây dựng trạm vũ trụ của riêng nước này. Tuy nhiên, việc Trung Quốc có thể vươn tới mặt trăng sẽ khuấy động mạnh mẽ hơn nữa lòng tự hào dân tộc trong nước. Sự kiện này sẽ đẩy mạnh thời kỳ khám phá thế giới và không gian vũ trụ của Trung Quốc và chắc chắn, khiến một phần thế giới quan ngại.

Phương Đăng

Theo Infonet

Phương Đăng

Theo Infonet

Bạn có thể quan tâm