Ông Jay Salpeter, người từng giúp giải oan cho ông Marty Tankleff. Ảnh: New York Times. |
Tháng 12/2007, Marty Tankleff được trả tự do sau gần 20 năm chịu án oan sau song sắt. Ông được thả phần lớn nhờ nỗ lực điều tra của Jay Salpeter - một thám tử tư từng công tác trong ngành cảnh sát.
Tuy nhiên, 14 năm sau, chính ông Salpeter lại là người bị còng tay trước vành móng ngựa. Ông bị cáo buộc quấy rối ông Tankleff trong suốt ba năm để vòi tiền, New York Times đưa tin.
Ông Salpeter từng nói ngày ông Tankleff ra tù là “ngày tuyệt vời nhất trong đời”. Tuy nhiên, đây lại là khởi đầu cho một chương mới không lấy gì làm tốt đẹp trong cuộc đời người thám tử này.
Vụ án oan nghiệt
Vào một buổi sáng năm 1988, Marty Tankleff - khi đó 17 tuổi - thấy một cảnh tượng kinh hoàng khi thức dậy: Mẹ anh bị đâm tử vong ngay trên giường ngủ, trong khi cơ thể cha anh đầm đìa máu. Ông sau đó cũng không qua khỏi.
Tankleff và họ hàng nghi ngờ Jerry Steuerman, người vay nợ cha mình 500.000 USD. Tuy nhiên, các điều tra viên lại nghi ngờ chính Tankleff vì biểu cảm của anh “không nhất quán” với trạng thái tâm lý của người con vừa mất cha mẹ. Tankleff sau đó bị kết tội và tuyên án tù chung thân.
Sau một thập kỷ ngồi tù, Tankleff - người vẫn luôn đấu tranh để chứng minh bản thân không có tội - đã liên hệ với ông Salpeter qua lời giới thiệu của một bạn tù. Salpeter nhận lời hỗ trợ với mức giá 5.000 USD.
Trong 6 năm, ông Salpeter - cùng một luật sư tên Bruce Barket - đã đào sâu vụ việc để tim chứng cứ chứng minh khách hàng của mình vô tội. Nỗ lực của ông đã cho ra "quả ngọt".
Năm 2007, một phiên tòa phúc thẩm quyết định hủy bỏ bản án của ông Tankleff. Vài ngày sau, ông Tankleff được ra tù sau gần 20 năm ngồi sau song sắt.
Sau vụ việc, cả ông Tankleff và ông Salpeter đều trở nên nổi tiếng. Ông Tankleff tuyên bố mình sẽ học để theo nghề luật sư. Trong khi đó, ông Salpeter được mời lên truyền hình, mời viết sách và còn gặt hái thêm thành công trong một vụ bào chữa nổi tiếng khác.
Năm 2008, ông Salpeter và ông Tankleff tuyên bố hợp tác để cùng mở một hãng luật. Tuy nhiên, dự án này chưa bao giờ trở thành hiện thực vì tới năm 2011, hai người đã đường ai nấy đi.
Ông Salpeter (phải) và ông Tankleff (áo trắng) trong bữa tiệc mừng ông Tankleff trở về từ nhà tù. Ảnh: New York Times. |
Theo ông Salpeter, bà Laurie - vợ của ông Tankleff - là nguyên nhân gây ra mâu thuẫn. Ông Salpeter nói bà Laurie từng cáo buộc ông giữ quan hệ với ông Tankleff chỉ vì tiền - điều ông bác bỏ. Cũng trong buổi gặp hôm đó, ông Tankleff chỉ ngồi yên lặng, ông Salpeter kể lại.
Trong khi đó, ông Tankleff cáo buộc ông Salpeter cố gắng kiểm soát mình. Ông đã từ chối khi được nhờ giúp quảng bá cuốn sách của ân nhân.
Ân nhân hóa kẻ quấy rối
Các khách hàng sau đó của ông Salpeter thường là những nhân vật gây tranh cãi. Đây cũng là lúc ông gặp phải hàng loạt vấn đề về tài chính. Căn nhà của ông thậm chí bị tịch thu để thế chấp nợ.
Ngược lại, ông Tankleff ngày càng thành công. Sau khi kết hôn và tốt nghiệp đại học, ông tiếp tục học luật. Năm 2014, ông nhận được 3,4 triệu USD tiền bồi thường từ chính quyền.
Trong bối cảnh này, ông Salpeter nhờ luật sư Barket sắp xếp cuộc gặp với ông Tankleff để làm rõ câu hỏi liệu mình có thể nhận một phần khoản bồi thường án oan hay không. Tuy nhiên, ông Tankleff không muốn gặp mặt bạn cũ.
Theo ông Tankleff, việc chia tiền cho ông Salpeter - người không phải luật sư và cũng là người lấy mức phí 5.000 USD tiền công khi nhận lời hỗ trợ vụ việc - là không đúng về mặt đạo đức.
Ông Salpeter suy sụp và bỏ bê công việc đến mức các khách hàng của ông phải khiếu nại lên cơ quan chức năng. Ông Salpeter phải nộp phạt sau những lời khiếu nại ấy, nhưng danh tiếng vẫn giúp ông có khách hàng mới.
Tuy nhiên, số tiền ông kiếm được là không đủ. Năm 2017, ông bắt đầu phải mượn tiền từ người quen. Tới cuối năm 2019, khoản nợ của Salpeter tính cả gốc lẫn lãi lên tới 200.000 USD. Không trả được nợ, ông đã bị đưa ra tòa.
Trong khi đó, ông Tankleff nhận được thêm 10 triệu USD nhờ thắng kiện chính quyền hạt Suffolk quê nhà vào năm 2018. Ông Salpeter một lần nữa mong được chia phần, nhưng một lần nữa bị từ chối.
Ông Salpeter tìm đến rượu để giải sầu. Say xỉn và suy sụp, ông gửi hàng loạt email và tin nhắn cho ông Tankleff để đòi tiền.
"Marty à, cậu nghĩ tự do của cậu đáng giá hơn 150.000-200.000 USD sao", ông Salpeter nhắn.
Ông Tankleff (trái) và ông Salpeter (phải) trong một sự kiện năm 2008. Ảnh: New York Times. |
Càng ngày, cường độ quấy rối càng dày đặc, thậm chí nhiều lần một ngày. Có lúc ông bình luận về những thay đổi ngoại hình của ông Tankleff, khiến đối phương tin mình bị theo dõi.
Khi mọi việc vẫn tiếp diễn, ông Tankleff quyết định đưa vụ việc ra tòa.
Vào ngày ông Salpeter bị khởi tố, ông Tankleff tuyên bố đó là một ngày buồn. Trong khi đó, ông Salpeter nói rằng mình không làm gì xấu với khách hàng cũ - tuy thừa nhận có gọi điện và gửi email.
Tới tháng 6/2022, ông Salpeter chính thức bị tuyên có tội. Ông bị tuyên án ba năm cải tạo không giam giữ và bị yêu cầu tránh xa ông Tankleff, người đã trở thành luật sư trong hãng luật của ông Barket.
Giờ đây, ông Salpeter có một cuộc sống bình lặng. Thay vì các cuộc điều tra, ông giờ đây dành phần lớn thời gian để tập thể dục, tham gia các cuộc gặp mặt của tổ chức hỗ trợ người nghiện rượu, cũng như gặp chuyên gia tâm lý. Ông cùng vợ sống nhờ vào lương hưu cảnh sát, trợ cấp xã hội và những gì vợ ông, bà Amy, kiếm được.
Sau khi bị khởi tố, ông từng nói bản thân hối hận vì đã mở phong thư cầu cứu của ông Tankleff. “Tôi chưa từng gặp vấn đề như vậy trước khi gặp Marty”, ông nói.
Tuy nhiên, dường như ông đã nghĩ lại.
“(Nếu được làm lại) tôi sẽ vẫn làm điều này”, ông tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn mới đây.
Đọc để hiểu rõ hơn lịch sử nước Mỹ
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Lẽ thường" - cuốn sách của tác giả Thomas Paine được xuất bản lần đầu vào năm 1776 và đã có vai trò quan trọng trong thời kỳ lập quốc của Mỹ. Cho đến hôm nay, cuốn sách vẫn còn nguyên giá trị lịch sử đối với những ai quan tâm đến lịch sử nước Mỹ.