Trên tờ tạp chí Sống phát hành năm 1971, mục Điện ảnh, khi bình luận về bộ phim Ngậm ngùi, tờ báo này đặt câu hỏi: “Thẩm Thúy Hằng có cần nhất thiết phải giữ hai vai một lúc không?” và viết tiếp: “qua bộ phim Ngậm ngùi và theo dõi câu chuyện đến hết cuốn phim, hầu hết khán giả đều có chung một dấu hỏi trong đầu, là có nhất thiết để Thẩm Thúy Hằng phải giữ hai vai hai chị em Hằng và Thu cùng lúc trong phim không?
Thông thường một nữ tài tử phải diễn hai vai khi cốt truyện phải thực sự cần thiết đòi hỏi sự giống nhau như đúc giữa hai nhân vật, hầu tạo một sự nhầm lẫn rồi dẫn dắt đến một hậu quả nghiêm trọng về sau.
Thẩm Thúy Hằng được giới nhiếp ảnh thời ấy săn đón. Bà xuất hiện trên rất nhiều bìa đĩa cũng như ấn phẩm lịch Tết. Ảnh: Tư liệu. |
Riêng trong Ngậm ngùi, chúng ta thấy Thẩm Thúy Hằng không cần phải giữ hai vai cùng một khuôn mặt trong cùng một lúc. Lỗi ở đạo diễn Thân Trọng Kỳ? Có lẽ không phải vậy, vì dù sao ông cũng chỉ đi làm thuê mà thôi. Thế thì chỉ ở bà giám đốc hãng Việt Nam film kiêm diễn viên chính Thẩm Thúy Hằng mà thôi.
Khán giả đều không thể phủ nhận tài nghệ diễn xuất của Thẩm Thúy Hằng trong giai đoạn tỏa sáng này. Trước đây trong Như hạt mưa sa, cô giữ hai vai chị em sinh đôi và giờ đây trong Ngậm ngùi cô tiếp tục đóng vai hai chị em.
Thẩm Thúy Hằng đã làm trọn vẹn vai trò của cô, tuy nhiên, hậu quả của sự ôm đồm này là cô đã độc diễn với đầy đủ hỉ nộ ái ố và tha hồ diễn xuất trong bộ phim cây nhà lá vườn. Khán giả xem mãi phát ngán, vì có người cho biết nếu mỏi mắt nhắm lại một tí, mở mắt ra lại thấy Thẩm Thúy Hằng ngay. Trong 600 plan film thì hơn 500 plan film dành cho tài tử Thẩm Thúy Hằng mất rồi”.
Cho dù chỉ trích như vậy, tờ báo này cũng không phủ nhận là Thẩm Thúy Hằng xuất sắc trong bộ phim tâm lý bi kịch và khá mê lô này: “Thẩm Thúy Hằng đã diễn xuất hay hơn bao giờ hết trong Ngậm ngùi. Trong hoàn cảnh điện ảnh Việt Nam còn thiếu thốn nhiều phương diện để thực hiện một cuốn phim hoàn mỹ, thì với Ngậm ngùi, Thẩm Thúy Hằng đã tạo được một thành quả đáng khuyến khích cho điện ảnh Việt Nam”.
Trong bộ phim Nàng, lần lượt những tài tử nam tài năng như Trần Quang hay La Thoại Tần cũng chỉ làm nền cho Thẩm Thúy Hằng.
Chính phong thái ngôi sao này khiến các nam tài tử rất ngại đóng chung với Thẩm Thúy Hằng trong khi giới ký giả thì tìm cách gây hiềm khích giữa Thẩm Thúy Hằng với những ngôi sao nữ khác như Kim Cương, Kiều Chinh, Thanh Nga... khiến mối quan hệ giữa Thẩm Thúy Hằng và các nam, nữ tài tử nổi tiếng khác cơm không lành, canh không ngọt suốt một thời gian dài.
Chính kỳ nữ Kim Cương, trong cuộc trả lời phỏng vấn của tôi cũng cho rằng những hiểu lầm giữa bà và Thẩm Thúy Hằng đều do báo chí “giật dây”. Về sau, hai bà giữ một mối thâm tình kéo dài đến tận bây giờ.
Trong thập niên cuối cùng của điện ảnh miền Nam, có thể nói Thẩm Thúy Hằng là tên tuổi sáng giá nhất và ăn khách nhất. Ký giả Hồ Trường An cho rằng, nếu nói về sự ăn khách thì Thẩm Thúy Hằng và các ngôi sao từ sân khấu kịch miền Nam chuyển sang đóng phim như Kim Cương hay Thanh Nga là ăn khách nhất, đặc biệt là ở Sài Gòn và các vùng lục tỉnh. Bà xứng đáng là “Ảnh hậu” của điện ảnh miền Nam giai đoạn 1954-1975, bởi xét về nhan sắc và sự nổi tiếng, có lẽ không ai vượt qua được Thẩm Thúy Hằng.
Khác với những ngôi sao khác chuyển từ sân khấu cải lương hay thoại kịch sang đóng phim, Thẩm Thúy Hằng và Kiều Chinh là hai nữ tài tử đều được điện ảnh tình cờ phát hiện trong cùng một năm (1957) và đóng phim cho đến năm 1975.
Không chỉ nổi tiếng trong nước, Thẩm Thúy Hằng cũng nhiều lần đại diện cho điện ảnh Sài Gòn tham dự các Đại hội Điện ảnh Á châu tổ chức ở Hong Kong, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Singapore...
Bà cũng là nữ tài tử đóng chung với nhiều ngôi sao ngoại quốc nhất. Nếu Kiều Chinh hay đóng chung với các ngôi sao Hollywood nhờ khả năng tiếng Anh thì Thẩm Thúy Hằng thường diễn xuất chung với các ngôi sao châu Á như Wen Tao (Đài Loan), Địch Long, Khương Đại Vệ, Lý Lệ Hoa, Trịnh Phối Phối (Hong Kong)... Bộ phim hợp tác thành công nhất của Thẩm Thúy Hằng là Sóng tình (1972), đóng chính cạnh nam tài tử Wen Tao của Đài Loan.
Thẩm Thúy Hằng đã hai lần đoạt giải Diễn viên xuất sắc tại Đại hội Điện ảnh Á châu tổ chức tại Đài Bắc, Ảnh hậu tại Đại hội Điện ảnh Á châu tổ chức tại Hong Kong (1972, 1974)...
Sau 1975, Thẩm Thúy Hằng là một trong ít tên tuổi của điện ảnh miền Nam trước 1975 quyết định ở lại và sinh sống ở Sài Gòn.
Giai đoạn sau giải phóng, Thẩm Thúy Hằng xuất hiện trong một số phim của điện ảnh miền Bắc quay tại Sài Gòn, điển hình là bộ phim hai tập Nơi tình yêu bắt đầu, đóng chung với Thế Anh, Bích Liên, nhưng cũng chỉ là một vai phụ.
Những năm sau này, do biến chứng của phẫu thuật thẩm mỹ, Thẩm Thúy Hằng gần như ở ẩn, chỉ giữ mối quan hệ với một vài người bạn thân, trong đó có Kim Cương. “Sau này Thẩm Thúy Hằng trở thành phật tử tu tại gia. Tôi hay nói với bà là đôi lúc nghịch duyên nó hỗ trợ cho tu tập. Bà ấy ăn chay trường làm từ thiện và sống những năm tháng cuối đời thanh thản, không có gì hối tiếc”, Kim Cương kể về người bạn của mình.