Thâm hụt ngân sách liên bang vượt mốc 1.000 tỷ USD trong năm 2019, theo báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ ngày 13/1. Dù kinh tế tăng trưởng mạnh, chính sách cắt giảm thuế và gia tăng chi tiêu ngân sách khiến chính phủ liên bang vay nợ mạnh tay hơn.
Mức thâm hụt tăng gần 17% so với năm 2018, nhưng vẫn thấp hơn mức tăng 28% trong giai đoạn 2017-2018. Đó cũng là năm tài khóa đầu tiên các lệnh cắt giảm thuế của Tổng thống Donald Trump có hiệu lực.
Thâm hụt đáng lẽ còn lớn hơn nữa nếu không nhờ một loạt động thái cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang trong năm qua, khiến chi phí các khoản nợ chính phủ giảm đáng kể, New York Times cho biết.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin tại Nhà Trắng. Ảnh: AP. |
Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2012 thâm hụt ngân sách vượt mốc 1.000 tỷ USD. Thâm hụt ngân sách phình to kể từ sau khủng hoảng tài chính năm 2008, khi quốc hội đồng ý cắt giảm thuế và tăng chi tiêu chính phủ để khôi phục tăng trưởng. Tình trạng này giảm trong giai đoạn 2015 nhờ một thỏa thuận kiểm soát chi tiêu ngân sách giữa chính phủ Tổng thống Barack Obama và Hạ viện do đảng Cộng hòa chiếm đa số.
Thâm hụt lớn trong nhiệm kỳ của Tổng thống Trump thể hiện mức độ ảnh hưởng của gói kích cầu đối với tăng trưởng kinh tế Mỹ. Chính phủ vay nhiều hơn để bơm tiền vào nền kinh tế tiêu dùng. Công thức này thường không phổ biến đối với một nền kinh tế đang tăng trưởng thật sự với chỉ số thất nghiệp thấp. Trong các giai đoạn gần đây, tăng trưởng kinh tế ổn định thường đi cùng với giảm thâm hụt ngân sách.
Làn sóng về hưu của thế hệ "bùng nổ dân số" (những người sinh từ giữa thập niên 1940 đến giữa 1960) đã tăng áp lực lên ngân sách, tăng chi tiêu thường niên cho an sinh xã hội và bảo hiểm y tế. Ngân sách còn chịu thêm áp lực mới với gói cắt giảm thuế năm 2017 của Tổng thống Trump lên đến 1.500 tỷ USD, làm giảm thu thuế liên bang, cộng với một loạt đạo luật tăng chi quốc phòng và các chương trình dân sự của Hạ viện Mỹ.