Tổng thống Trump ký ban hành luật chi tiêu quốc phòng trị giá 738 tỷ USD chỉ vài ngày sau khi cả Hạ viện và Thượng viện thông qua luật với số phiếu áp đảo.
Lễ ký diễn ra tại một kho chứa máy bay tại một căn cứ quân sự ở Maryland. Ông Trump đứng giữa các chiến đấu cơ và một lá cờ Mỹ khổng lồ, cũng như hàng trăm lính Mỹ và gia đình họ.
“Điều mà bạn có thể rút ra ở đây là sự hợp tác lớn giữa hai đảng”, Terry Haines, người sáng lập công ty tư vấn Pangaea Policy Advisory, nói với South China Morning Post. “Quốc hội đang đồng thuận với chính quyền Trump về chính sách Trung Quốc, và thể hiện điều đó một cách mạnh mẽ”.
Luật Cấp phép Quốc phòng (NDAA) vạch ra kế hoạch chi tiêu hàng năm của Lầu Năm Góc. NDAA 2020 là một trong những gói ngân sách quốc phòng đắt đỏ nhất của Mỹ từ trước đến nay, tạo ra một số rào cản mà Bộ Thương mại Mỹ phải bước qua trước khi gỡ trừng phạt Huawei.
Tổng thống Trump vỗ tay sau khi ký Luật Cấp phép Quốc phòng cho tài khóa 2020 ở Căn cứ Không quân Andrews, Maryland ngày 20/12. Ảnh: AP. |
Giữ lập trường cứng rắn với Huawei
Theo đó, Bộ Thương mại Mỹ sẽ phải đề ra các quy định để giới hạn việc Mỹ mua bán các sản phẩm viễn thông có nguy cơ về an ninh quốc gia. Luật mới cũng yêu cầu Bộ Thương mại bảo đảm rằng “các đe dọa an ninh quốc gia từ Huawei” không còn nữa trước khi có thể gỡ trừng phạt Huawei.
Ông Haines, chuyên gia tư vấn, nói đã có sự nhận thức rõ ràng từ bộ máy an ninh và ở cả hai đảng trong Quốc hội Mỹ rằng “rất cần phải giải quyết” một số nguy cơ an ninh quốc gia đến từ Huawei.
“Tôi thấy một số ý kiến lạc quan từ phía Trung Quốc... tưởng rằng ông Trump sẽ đi ngược lại đánh giá của bộ máy an ninh về các sản phẩm viễn thông Trung Quốc (để dễ dàng hơn trong đàm phán thương mại)”, theo ông Haines, cựu cố vấn pháp lý cao cấp của Ủy ban Tài chính Hạ viện. “Nhưng tôi thấy thực tế không như vậy”.
Huawei cho biết công ty này thất vọng vì đạo luật, đặc biệt những quy định sẽ khiến Huawei tiếp tục nằm trong diện bị cấm mua bán thiết bị của Mỹ.
Ngoài Huawei, một số công ty Trung Quốc khác cũng bị ảnh hưởng, dù luật không nhắc đích danh. Chẳng hạn, công ty DJI ở Thâm Quyến chuyên sản xuất máy bay không người lái (drone) gần như sẽ bị cấm.
Công ty sản xuất xe buýt chạy điện BYD và công ty quốc doanh CRRC sản xuất tàu điện sẽ bị cấm sau hai năm. Trước mắt, chính quyền sẽ phải báo cáo về nguy cơ tàu xe bị lợi dụng để do thám.
“Các nhóm lợi ích... nỗ lực rất nhiều để đẩy chúng tôi ra khỏi thị trường xe điện ở Mỹ”, Frank Girardot, giám đốc truyền thông ở BYD Bắc Mỹ, nói với South China Morning Post, đồng thời cho rằng Mỹ đang biến an ninh quốc gia trở thành thứ vụn vặt như xe buýt.
Nhưng quãng thời gian chuẩn bị hai năm nói trên không áp dụng cho các toa xe điện của công ty CRRC ở thủ đô Washington, cho thấy lo ngại của chính quyền về khả năng những người đi phương tiện công cộng đi làm ở Washington sẽ bị theo dõi.
Mỹ lo ngại về khả năng những người đi phương tiện công cộng đi làm ở Washington sẽ bị theo dõi. Ảnh: Washington Post. |
Tiếp tục các cam kết với Đài Loan
Về Đài Loan, giám đốc cơ quan tình báo quốc gia sẽ phải nộp báo cáo trong vòng 45 ngày về cuộc bầu cử ở Đài Loan ngày 11/1/2020, trước những cáo buộc về “chiến dịch ảnh hưởng của Trung Quốc”, cũng như các hành động mà Washington sẽ tiến hành để “chống lại” chiến dịch của Bắc Kinh.
Luật mới cũng yêu cầu các Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng đưa ra các đề xuất sao cho Mỹ tiếp tục đáp ứng các nghĩa vụ đối với Đài Loan như vạch ra trong Luật Quan hệ với Đài Loan năm 1979.
Báo cáo về Đài Loan cũng sẽ phải đặt ra các mục tiêu về việc trao đổi, hợp tác giữa các quan chức dân sự và quân sự cao cấp của Mỹ và Đài Loan, kèm theo “việc chuyển giao thường xuyên các khí tài quốc phòng di động, bền vững và tiết kiệm chi phí, để răn đe hiệu quả các mối đe dọa và ủng hộ chiến lược phòng thủ bất đối xứng của Đài Loan”.
Mỹ là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Đài Loan và theo luật Quan hệ với Đài Loan, Mỹ cam kết bảo vệ an ninh cho Đài Loan.
Các phi công trong lực lượng không quân của Đài Loan tập trận vào tháng 1. Ảnh: Reuters. |
Các nhà phân tích nói việc kiềm chế Trung Quốc, như đã thể hiện trong luật quốc phòng, sẽ còn được đưa vào các luật khác về thương mại và an ninh giữa bối cảnh đối đầu Mỹ - Trung và Mỹ có hàng loạt lo ngại về hoạt động của Trung Quốc, như tấn công trên mạng, đánh cắp tài sản trí tuệ, và quân sự hóa các đảo trên Biển Đông.
“Chúng ta gần như sẽ thấy (Mỹ) nhắm tới Trung Quốc nhiều hơn dù ai đắc cử vào Nhà Trắng tháng 11/2020”, Joshua Eisenman, giáo sư về vấn đề quốc tế tại Đại học Notre Dame ở Mỹ, nói với South China Morning Post.
“Đây sẽ là điều bình thường ở Washington, và sẽ không giảm đi trong tương lai gần”, ông nói thêm.
Mỹ chú ý hơn tới Bắc Cực
Ngoài Trung Quốc, đạo luật chi tiêu quốc phòng dài 2.677 trang cũng chỉ ra phương hướng cho hàng loạt lĩnh vực khác, bao gồm tường biên giới của ông Trump, chăm sóc sức khỏe cho binh sĩ, cấm bán một số loại vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ, lực lượng Không gian - quân chủng thứ 6 của Mỹ.
Luật mới cũng hướng chú ý nhiều hơn tới vùng Bắc Cực, nơi hiện tượng băng tan do biến đổi khí hậu đã mở ra các lựa chọn mới về giao thông và kinh tế cho các nước gần đó.
Trong luật có yêu cầu chính quyền phải báo cáo về các hoạt động đầu tư và quân sự của Trung Quốc ở vùng Bắc Cực, và liệu các hoạt động đó có ảnh hưởng và đe dọa lợi ích của Mỹ và đồng minh trong vùng cực hay không.
Quỹ Jamestown cho biết trong một nghiên cứu ngày 20/12 rằng quân đội Trung Quốc đã chính thức đưa Bắc Cực vào trong chiến lược hải quân. Các nhà khoa học và kỹ sư Trung Quốc đang nghiên cứu để hiện thực hóa các tham vọng của nước này tại đây.
Nhóm nghiên cứu của Trung Quốc tiến hành các thử nghiệm ở Bắc Cực. Ảnh: Tân Hoa Xã. |
NDAA 2020 cũng yêu cầu các buổi tham vấn về nguy cơ của các chương trình hợp tác công nghệ quốc phòng với Trung Quốc và Nga, cũng như các hợp đồng với các bên có liên hệ với chính phủ hoặc Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Mỹ cũng sẽ chú ý hơn tới các quốc đảo ở Thái Bình Dương và việc hình thành các quan hệ liên minh tại khu vực này. Chính quyền sẽ phải báo cáo về việc quân đội các nước khác, mà không nhắc tới Trung Quốc, hợp tác quân sự với các quốc đảo Thái Bình Dương.
Đạo luật nhắc tới các quốc đảo Kiribati và Solomon Islands, cả hai đều đã chấm dứt quan hệ với Đài Bắc trong năm nay và chuyển hướng về Bắc Kinh.