Những ngọn sóng dữ đổ ập xuống đường ở thành phố Miyako, Nhật Bản. Thảm họa kép ngày 11/3/2011 bắt đầu bằng một trận động đất có cường độ đến 9 độ Richter, tâm chấn ở khu vực đông bắc thủ đô Tokyo. Ảnh: Reuters |
Đó là một ngày xuân đầu tháng 3. Bầu trời hơi âm u nhưng thời tiết không đến nỗi quá lạnh. Tại một số nơi, người ta có thể ra ngoài mà không cần đến những chiếc áo khoác dày cộm. Vài ngày trước, một trận động đất 7,2 Richter xảy ra nhưng cuộc sống nơi đây vẫn diễn ra bình thường. Những người sống tại xứ sở hoa anh đào đã quá quen với những trận động đất.
Trước thảm họa, cuộc sống của những thị trấn ven biển luôn yên bình. Đại dương thường rất hiền hòa. Chẳng ai có thể ngờ rằng, các hòn đảo hẹp chạy dọc bờ biển và những khu vịnh nhỏ hẹp lại có thể trở thành những cái bẫy chết người khi sóng thần ập tới. Các ngôi làng nơi đây hoàn toàn bị cô lập trước khi người dân có đủ thời gian để di tản.
Thảm họa ập tới
Theo Reuters, vào lúc 14h46 ngày 11/3/2011 theo giờ địa phương, một trận động đất mạnh 9 độ Richter xảy ra tại vùng biển ngoài khơi thành phố Onagawa, tỉnh Miyagi. Cơn địa chấn đã gây ra những đợt sóng thần cao 20 m. Tại một số nơi, sóng cao hơn 30 m và phá hủy toàn bộ các thành phố cũng như thị trấn ven biển. Khoảng 28.000 người thiệt mạng và mất tích.
Morihisa Kanouya, một ngư dân dân sống tại thị trấn Ukedo thuộc tỉnh Fukushima, cho biết khi động đất xảy ra, ông ở trên tàu để chuẩn bị dụng cụ cho buổi đánh bắt trong ngày hôm sau. Với trực giác của một ngư dân bám biển lâu năm, ông vội vã trở về nhà.
Hisako, vợ của ông, đang dọn dẹp đống đổ vỡ sau trận động đất. Bà cười đùa với bạn bè và chẳng hề biết rằng nguy cơ đang ập tới. Nhưng Kanouya thì không. Đôi vợ chồng già mau chóng vào trong xe và chạy về phía cao hơn.
Ông lão 71 tuổi men theo con đường tới một ngọn đồi nhỏ. Đây từng là điểm di tản của các em học sinh tại vùng Ukedo. Nó đủ cao và an toàn đối với vợ chồng ông. "Tôi hướng ánh mắt ra biển và thấy một cảnh tượng khủng khiếp đang diễn ra. Nó giống một bức tường màu đen, cao tầm 5 đến 6 m. Đầu sóng trắng xóa, nhòa với bầu trời, khiến người ta chẳng thể phân biệt được đâu là biển, đâu là trời", Kanouya nói.
Chỉ hơn một giờ sau khi động đất xảy ra, sóng thần ập tới. Kanouya nắm tay vợ chạy lên đồi. Tuy nhiên, nước tràn về quá nhanh. Ông lão nhận ra rằng họ không thể leo lên đủ cao. Người ngư dân này quyết định buộc thân vào gốc cây và ôm chặt lấy vợ.
"Dòng nước lạnh ập tới và kéo Hisako khỏi vòng tay của tôi. Khi nước rút đi, tôi chỉ còn một mình với cái đầu gối bị thương. Tôi cố lết lên đồi và gọi tên bà ấy vô số lần. Không một câu trả lời. Xung quanh chỉ toàn là im lặng. Lúc đó, tôi cảm thấy như toàn bộ âm thanh trên thế giới đều đã biến mất", ông lão 71 tuổi nói.
Mưa tuyết bắt đầu rơi. Kanouya run rẩy trong chiếc áo sơ mi ướt đẫm. Vài giờ sau, một cư dân địa phương tìm thấy và đưa ông về một thị trấn gần đó.
Matsuko Nakamura, một người dân sống tại khu vực Otsuchi cho biết, những ngọn sóng khổng lồ ập vào thị trấn và tàn phá mọi thứ. Xe cộ trôi lềnh bềnh trên đường giống như đống rác khổng lồ. Nhiều người mắc kẹt trên mái nhà. Cả thị trấn ngập trong biển nước.
"Khi nước rút, xung quanh tôi chỉ là cảnh hoang tàn. Thị trấn trở nên kỳ quái như trong một bộ phim của Hollywood. Những người còn sống lo lắng tìm người thân mất tích. Tôi tự hỏi tương lai sẽ ra sao khi chúng tôi chẳng còn việc làm cũng như nơi để ở", Nakamura nói.
Nguy cơ, nỗi sợ hãi và những người hùng
Một vụ nổ lớn xảy ra ở nhà máy lọc dầu tại thành phố Chiba không lâu sau khi trận động đất làm rung chuyển khu vực đông bắc Nhật Bản ngày 11/3/2011. Ảnh: EPA. |
Chưa kịp hoàn hồn sau thảm họa kép, Nhật Bản đã phải gồng mình trước những nguy cơ xảy ra với nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Bộ phận làm mát của các lò phản ứng hạt nhân gặp vấn đề. Chúng không thể hoạt động. Nguy cơ xảy ra cháy nổ là vô cùng lớn. Theo AP, đêm 11/3/2011, chính phủ Nhật ban bố "tình trạng khẩn cấp điện hạt nhân" và yêu cầu giới chức địa phương sơ tán người dân trong khu vực bị ảnh hưởng đến nơi an toàn. Một loạt các cơn dư chấn mạnh khiến tình hình càng trở nên tồi tệ.
Do không ai được phép ở trong nhà máy Fukushima I quá 15 phút, nên 180 người ở lại làm việc theo chế độ luân phiên để đảm bảo rằng luôn có 50 người cùng xuất hiện trong nhà máy. Giới truyền thông gọi họ là "Fukushima 50". Những người này đa phần là những người lớn tuổi và sắp về hưu.
Một thành viên trong nhóm Fukushima 50 nói rằng việc chấp nhận ở lại nhà máy để chống lại sự tan chảy của các lò phản ứng giống như chấp nhận một án tử hình. Trong bức thư gửi về gia đình, ông viết: "Em và con hãy cố gắng sống tốt, anh không thể ở nhà một phút trong hoàn cảnh như bây giờ".
Trong khi đó, Atsufumi Yoshizawa, một thành viên trong Fukushima 50, chia sẻ: "Tôi không phải là một anh hùng. Tôi chỉ làm việc của mình".
Sau khi lò phản ứng số 1 bốc cháy, tất cả nhân viên từ lãnh đạo đến công nhân của công ty điện lực Tokyo (TEPCO) đều rất hoang mang. Vài ngày sau, lò phản ứng số 3 lại phát nổ. Trước nguy cơ phơi nhiễm phóng xạ cao do độ rò rỉ phóng xạ lớn, Fukushima 50 vẫn tiếp tục làm việc.
Naoto Kan, Thủ tướng Nhật Bản khi đó, đã mô tả loạt thảm họa và hậu quả của nó là chưa từng có. "Chúng ta đang phải gánh chịu những đau khổ", ông Kan nói.
Phút ấm lòng trong cơn hoạn nạn
Ngày 11/3/2011, động đất và sóng thần cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người, tàn phá nhiều làng mạc, thị trấn và các thành phố tại vùng đông bắc Nhật Bản. Theo tính toán của các chuyên gia, thảm họa kép đã gây thiệt hại tới hơn 300 tỷ USD cho Nhật Bản, đó là chưa tính đến hậu quả lâu dài do sự cố hạt nhân Fukushima để lại cho con người, môi trường và nền kinh tế nước này.
Tuy nhiên, qua những hình ảnh được truyền đi khắp thế giới, mọi người không tìm thấy quá nhiều sự tang tóc, vật vã đau khổ của người dân. Tinh thần đoàn kết và sự lạc quan của Nhật Bản đã khiến nhiều quốc gia khác phải bái phục xứ sở này.
Không giống như ở một số nước khác sau thảm họa, tình hình an ninh ở Nhật vẫn ổn định. Tình trạng trộm cướp, hôi của không hề diễn ra. Dù rất đói, khát và lạnh, người dân nước này vẫn xếp hàng để chờ được nhận đồ cứu trợ. Họ chia sẻ và động viên nhau trong lúc khó khăn mà chẳng một lời phàn nàn hay oán trách. Các siêu thị của Nhật cũng giảm giá mạnh, thay vì tăng giá trong lúc khó khăn để trục lợi.
Trên sân ga giá lạnh, sau khi mệt mỏi chờ tàu khi hệ thống giao thông tê liệt, nhiều người chợt ấm lòng khi vài người vô gia cư mang thùng các tông đến để trải ra ngồi cho đỡ lạnh. Người Nhật ngồi dọc theo các hành lang lên xuống, nhưng vẫn đảm bảo đoạn giữa trống và người khác có thể đi lại được. Thậm chí khi đi đến đèn xanh đèn đỏ, mọi người vẫn đứng chờ đèn hiệu, trật tự, không hoảng loạn.
Các thành phố lớn luân phiên cắt điện do bị ảnh hưởng bởi các vụ cháy nổ ở nhà máy điện hạt nhân. Mọi thứ đều rất tồi tệ nhưng thế giới vẫn nhận thấy ở người Nhật Bản ánh lên niềm tin vào cuộc sống. Thảm họa thiên nhiên có thể còn kinh khủng, tồi tệ hơn nhiều nếu theo sau nó là sự hoảng loạn, tranh cướp của con người.