Mô phỏng Fukushima 50, những người bám trụ ở nhà máy hạt nhân Fukushima Daiichi của Nhật Bản sau thảm họa kép 11/3/2011. Ảnh: Flickr |
Koichi Nakagawa là một trong 50 công nhân tình nguyện ở lại Fukushima sau khi thảm họa kép xảy ra ở đông bắc nước Nhật hôm 11/3/2011. Ngay khi tiếng còi báo động vang lên, 750 công nhân vội vã rời nhà máy nhưng 50 người kiên quyết bám trụ. Họ vẫn mặc trên mình bộ quần áo công nhân thay vì trang phục chống phơi nhiễm phóng xạ chuyên dụng, Newsweek đưa tin.
Lúc 14h46 phút ngày 11/3/2011, mặt đất đột ngột rung chuyển dữ dội, cửa kính các tòa nhà vỡ vụn. Giọng một nữ nhân viên trên loa phát thanh yêu cầu mọi người sơ tán ngay lập tức.
Hàng trăm người rời trụ sở nhà máy điện hạt nhân Fukushima nhưng Nakagawa vẫn chôn chân tại chỗ. 40 phút sau, ông và những người ở lại chứng kiến cảnh tượng như cả đại dương đang ập về phía họ. Con sóng thần cao 14 m nhấn chìm một phần của 6 lò phản ứng ở Fukushima, gây mất điện toàn bộ nhà máy trừ khu vực trung tâm điều hành.
Nakagawa có quyền rời Fukushima bất cứ lúc nào vì ông không phải công nhân nhà máy. Ông chỉ là đối tác, tình cờ có mặt ở nhà máy của Tập đoàn Điện lực Tokyo (TEPCO) trong ngày định mệnh. Quyết định ở lại của Nakagawa giúp ông trở thành một trong 50 người hùng của nước Nhật, những người được truyền thông thế giới gọi là “Fukushima 50”.
Giống những lính cứu hỏa lao vào tháp đôi Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) ở New York trong ngày 11/9/2001, “Fukushima 50” được truyền thông thế giới vinh danh là anh hùng. Tuy nhiên, họ là những “người hùng vô danh” và phần lớn đã bị lãng quên sau khi ngăn thảm hoạt hạt nhân Chernobyl thứ hai xảy ra trên nước Nhật.
TEPCO không công bố danh tính những người bám trụ ở Fukushima Daiichi. Càng ngày, tiếng nói và công lao của họ càng bị lu mờ. Chính bản thân họ cũng ngại nói về sự cống hiến của bản thân vì sợ bị trả thù. Họ chỉ chấp nhận nói chuyện với giới truyền thông trong điều kiện giấu tên.
Chỉ ít người trong số 50 công nhân bám trụ tại Fukushima Daiichi mặc quần áo bảo hộ. Ảnh: Kyoto |
Trong 24 giờ đầu tiên sau thảm họa, Nakagawa và đội của ông dọn dẹp đống đổ nát khổng lồ do sóng thần để lại, mở đường cho lực lượng cứu hỏa ưu tú tiếp cận khu vực, bơm nước làm mát các lò phản ứng đang quá nóng. Một số công nhân mặc đồ bảo hộ trong khi phần lớn vẫn mang trên mình bộ quần áo làm việc hàng ngày.
Những người kệt sức nằm nói chuyện với nhau về sự tăng nhiệt trong các lò phản ứng và mức độ phóng xạ trong nhà máy. Trong khi đó, các thanh nhiên liệu hạt nhân trong các lò phản ứng đang nóng chảy vì hệ thống làm mát ngừng hoạt động, tiềm ẩn gây ra cuộc khủng hoảng hạt nhân dân sự tồi tệ nhất kể từ sau sự cố Chernobyl ở Ukraine năm 1986.
Các lò phản ứng đều chứa đầy khí hydro, hậu quả của sự cố với hệ thống làm mát. Nhận thức được tình hình, công nhân TEPCO chuẩn bị bơm nước biển vào các lò phản ứng nhưng quá muộn.
Vài phút sau khi chuẩn bị sẵn sàng, lò phản ứng số 1 nổ tung. Lúc đó, mọi người trong nhà máy bắt đầu nói về những kịch bản của ngày tận thế khi cả 6 lò phản ứng cùng bị phá hủy.
Không lâu sau vụ nổ, ông chủ của Nakagawa gọi điện và yêu cầu ông rời nhà máy Fukushima. Khi sự chịu đựng bị đẩy tới mức giới hạn, Nakagawa lấy xe và về nhà. Tuy nhiên, nơi ông sống đã bị biến thành một thị trấn ma.
Gia đình và hàng xóm của Nakagawa đã được chính phủ Nhật Bản sơ tán. Xe của Nakagawa không đủ xăng để tới đó nên ông quyết định ở lại, sống dựa vào thực phẩm sẵn có.
Ông chủ của Nakagawa tiếp tục gọi điện và hứa tăng lương gấp 10 lần để ông rời khu vực. Ông ta gọi điện nhờ những người quen ở TEPCO, những người đang dọn đống đổ nát quanh nhà máy điện, đến đón Nakagawa. Ngày hôm sau, lò phản ứng số 3 tiếp tục nổ. Nó khiến Nakagawa ân hận vì không ở lại chiến đấu tới cùng.
Ngay sau vụ nổ lò phản ứng đầu tiên, rất nhiều nhóm công nhân khác được cử tới Fukushima để khắc phục thảm họa. Họ được ngợi ca là người hùng nhưng lại mang những động cơ khác nhau. Có những người góp mặt ở Fukushima từ những khu vực nghèo nhất của Tokyo và Osaka. Họ đánh đổi mạng sống vì tiền.
Số khác là thành viên các băng đảng Yakuza, vốn không có cơ hội làm việc cho chính phủ Nhật Bản trước khi thảm họa xảy ra. Nhiều người không nhận thức được sự nguy hiểm mà họ phải đối mặt khi sẵn sàng ngăn chặn thảm họa hạt nhân.