Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tham gia chống dịch, cô giáo lớp 1 tranh thủ soạn bài cho năm học mới

“Mình phải cố gắng vì tình hình dịch ổn định học sinh mới được đến trường, mọi thứ trở lại như cũ", cô giáo Lâm Thị Ngọc Linh chia sẻ.

Trước thềm năm học mới, vào buổi tối sau khi hoàn thành xong công việc tình nguyện, Lâm Thị Ngọc Linh, 25 tuổi, giáo viên trường Tiểu học An Hạ thuộc huyện Bình Chánh, TP.HCM, tranh thủ soạn bài giảng online đến 1 giờ đêm.

Học trò của cô, những em bé lớp 1 sẽ bắt đầu năm học mới online ngày 20/9.

Cô giáo trẻ bày tỏ nỗi lo học sinh nhỏ tuổi sẽ khó tập trung nghe giảng. Hơn nữa, các bé lớp 1 như trang giấy trắng, đọc, viết rất khó mà giáo viên thì không thể ở bên cầm tay, hướng dẫn các con.

co giao tieu hoc tham gia chong dich,  tinh nguyen chong dich,  Lam Thi Ngoc Linh anh 1

Lâm Thị Ngọc Linh, 25 tuổi, giáo viên trường Tiểu học An Hạ, TP.HCM quyết tâm tham gia chống dịch Covid-19. Ảnh: NVCC

Quyết tâm tham gia chống dịch Covid-19

Ba tháng trước, Ngọc Linh bắt đầu tham gia nhập liệu mẫu xét nghiệm Covid-19. Cô giáo trẻ cho biết: “Ban đầu, mình có chút đắn đo khi tham gia tình nguyện, nếu bị mắc Covid-19 sẽ có khả năng lây cho gia đình”.

Tự trấn an bản thân, cô giáo trẻ phân tích bản thân đã tiêm vaccine mũi 1 thì có thể giảm thiểu khả năng nhiễm nCoV. Linh vững tâm hơn vào quyết định của mình, mong muốn giúp sức cùng cộng đồng chống đại dịch.

Khi tình hình dịch Covid-19 ở TP.HCM diễn ra căng thẳng, bố mẹ Ngọc Linh không đồng ý cho con gái tham gia tình nguyện. Nữ giáo viên phải nói dối mình đi hỗ trợ sắp xếp hàng hóa nên không tiếp xúc với nhiều nguồn lây.

Cô giáo trẻ đưa bố mẹ xem những bức hình chụp khi tham gia tình nguyện trong vài ngày đầu để họ không quá lo lắng. Sau đó, cô được sự ủng hộ của gia đình.

Ngọc Linh bộc bạch: “Ngày đầu tham gia tình nguyện, mình bỡ ngỡ thì ít mà lo lắng thì nhiều dù đã chuẩn bị tâm lý trước đó”.

Để đảm bảo an toàn cho gia đình, nữ giáo viên xịt khuẩn, mặt đồ bảo hộ, giữ khoảng cách an toàn với mọi người trong nhà. Đồ ăn của cô được mẹ đặt ở trước cửa phòng. Sau đó, cô giáo trẻ xin ở lại trường Tiểu học An Hạ, huyện Bình Chánh để giữ an toàn cho gia đình và tiện cho công việc tình nguyện.

Nhiệm vụ của Linh thay đổi tùy vào tình hình thực tế như nhập liệu và điều phối người dân đến tiêm vaccine, lấy mẫu test cộng đồng, đi chợ hộ.

Thời gian chưa quen với nhịp làm việc, Ngọc Linh đau đầu, đau vai vì phải làm việc với máy tính trong thời gian dài, đau chân vì đi lại nhiều trong quá trình điều phối.

co giao tieu hoc tham gia chong dich,  tinh nguyen chong dich,  Lam Thi Ngoc Linh anh 2

Ngọc Linh và các thành viên trong đội tham gia hỗ trợ nhập liệu. Ảnh: NVCC

Tham gia chống dịch để trẻ được đến trường

Công việc của Ngọc Linh và thành viên trong đội thường bắt đầu từ lúc 7 giờ 30 phút. Do tính chất công việc không cố định, có ngày gần 13 giờ Linh mới ăn trưa đến 13 giờ 30 thì bắt đầu công việc buổi chiều.

Mặc trên người bộ đồ bảo hộ y tế, dưới cái nắng tháng 7 của TP.HCM, cô giáo trẻ cảm nhận quần áo ướt đẫm mồ hôi. Vì không thể bỏ khẩu trang, đồ bảo hộ trong lúc làm việc, Ngọc Linh không thể uống nước khi khát. Cô giáo trẻ chia sẻ: “Công việc tình nguyện giúp mình thấu hiểu hơn nỗi vất vả của các y, bác sĩ tuyến đầu”.

Cô giáo trẻ kể, mùa này, TP.HCM thường xuất hiện những cơn mưa bất chợt, trong một lần đi lấy mẫu cộng đồng, Linh và các thành viên trong đội bị dính mưa. Khi đến nơi, các thành viên vừa lạnh, ướt nhưng vẫn tiếp tục nhiệm vụ.

Công việc vất vả, các tình nguyện viên luôn nhận được sự yêu quý của người dân. Linh chia sẻ:" Các cô chú hay tiếp tế đồ ăn, trà sữa cho bọn mình lắm".

Kể về kỷ niệm đẹp nhất trong lúc tham gia hỗ trợ chống dịch, Linh cho biết: “Mình nhớ nhất hôm tiêm cho người trên 65 tuổi, có một số cô chú không biết viết phiếu hoặc không biết ghi như thế nào dù đã được hướng dẫn. Lúc đó tầm 2 giờ chiều, thời tiết rất oi bức, mình hỗ trợ các cô, chú viết. Có một cô thấy mình ngồi nắng nên đưa nước và khăn giấy, hỏi mình cực lắm hả con, cố gắng giúp cô chú nha con”.

Năm học mới của bậc tiểu học chuẩn bị bắt đầu, cô giáo trẻ chia sẻ, sẽ sắp xếp thời gian để vừa dạy online vừa tham gia tình nguyện.

“Mình phải cố gắng vì hết dịch học sinh mới được đến trường, mọi thứ trở lại như cũ. Học sinh hay mượn điện thoại của ba mẹ để nhắn tin cho mình. Các bạn bảo con nhớ cô quá, khi nào được đi học lại vậy cô”, Ngọc Linh bày tỏ.

Cứu trợ 600 sinh viên mắc kẹt ở Hà Nội vì Covid-19

Đại học Văn hóa Hà Nội triển khai cứu trợ quy mô lớn dành cho hơn 600 sinh viên đang kẹt lại thành phố vì dịch bệnh. Trong đó có những du học sinh hơn 1 năm chưa về nước.

Nhật Tân

Bạn có thể quan tâm