"Tôi tin rằng mỗi một dân tộc, ở bất cứ đâu, đều có quyền sống trong đất nước thanh bình của họ", thái tử Mohammed bin Salman nói trong bài phỏng vấn được đăng hôm 2/4 trên tạp chí Atlantic. "Tôi tin cả người Palestine và người Israel đều có quyền có mảnh đất của riêng họ".
"Nhưng chúng ta phải đạt được thỏa thuận hòa bình để đảm bảo sự ổn định cho tất cả cũng như để có những mối quan hệ bình thường", ông nói thêm.
Saudi Arabia, vương quốc Hồi giáo và Israel, đất nước của người Do Thái, vẫn chưa thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức. Trong nhiều năm qua, Riyadh giữ lập trường rằng việc bình thường hóa quan hệ phụ thuộc vào việc Israel rút khỏi vùng đất của người Arab mà họ chiếm đóng trong cuộc chiến năm 1967, cũng chính là lãnh thổ mà người Palestine muốn xây dựng nhà nước tương lai.
Tuy nhiên ở "hậu trường", quan hệ giữa Saudi Arabia và Israel đã được cải thiện nhanh chóng gần đây. Cả hai đều xem Iran là mối đe dọa lớn nhất từ bên ngoài, đồng thời xem Mỹ là đồng minh chủ chốt, cũng như nhận thấy những nguy cơ từ thế lực Hồi giáo cực đoan có vũ trang.
Thái tử Mohammed bin Salman của Saudi Arabia. Ảnh: Reuters. |
"Chúng tôi có rất nhiều lợi ích chung với Israel và nếu hòa bình được thiết lập, sẽ có rất nhiều lợi ích giữa Israel và các nước thuộc Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh", thái tử Mohammed nói.
Hồi tháng trước, Saudi Arabia lần đầu tiên mở cửa không phận cho một chuyến bay thương mại đến Israel, sự kiện được các quan chức Israel gọi là lịch sử sau những nỗ lực trong suốt hai năm.
Hồi tháng 11 năm ngoái, một thành viên nội các Israel tiết lộ các liên lạc bí mật với Saudi Arbia, lần hiếm hoi Tel Aviv thừa nhận về những thỏa thuận bí mật bị đồn đại từ lâu nhưng Riyadh vẫn phủ nhận, theo Reuters.
Kể từ năm 2002, Saudi Arabia đã là bên bảo trợ chính cho Sáng kiến Hòa bình Arab, hướng đến giải pháp "hai nhà nước" trong việc giải quyết xung đột Israel - Palestine. Song chưa có quan chức cấp cao nào của vương quốc Vùng Vịnh công khai thừa nhận Israel có "quyền" với bất kỳ vùng đất nào nằm ngoài phạm vi cần thiết để đảm bảo đạt được thỏa thuận cuối cùng, theo AFP.
Thái tử Mohammed cũng nói rằng về mặt tôn giáo, ông không phản đối nào việc người Israel chung sống bên cạnh người Palestine, miễn là địa điểm linh thiêng quan trọng nhất của người Hồi giáo ở Jerusalem, thánh đường Al-Aqsa, được bảo vệ.
"Đây là những gì chúng tôi có. Chúng tôi không chống lại bất kỳ dân tộc nào", ông nói.