Cách mạng nữ quyền dưới thời thái tử trẻ ở Saudi Arabia
Thứ hai, 25/12/2017 05:37 (GMT+7)
05:37 25/12/2017
Kể từ khi Thái tử Mohammed, 32 tuổi, được trao quyền kế vị, nhiều quy định hà khắc với phụ nữ Saudi Arabia được cởi bỏ, mang đến luồng gió mới tại vương quốc Hồi giáo Vùng Vịnh.
Saudi Arabia từ lâu đã được biết đến là nước có những luật lệ hà khắc đối với phụ nữ. Họ không thể tự đi ra ngoài một mình mà luôn phải có đàn ông, không thể làm nhiều công việc được quy định chỉ dành cho nam giới, không thể để lộ đầu tóc ở nơi công cộng cũng như không thể lái xe. Trong ảnh, đàn ông và phụ nữ ngồi tách biệt ở khu picnic tại một công viên ở thủ đô Riyadh. Ảnh: NYT.
Tuy nhiên, một cuộc cách mạng về nữ quyền đang bắt đầu diễn ra tại vương quốc Vùng Vịnh này sau khi thái tử Mohammed bin Salman được trao quyền kế vị, theo New York Times. Phụ nữ sẽ được cho phép lái xe hơi, thậm chí cả motor, kể từ tháng 6 năm sau. Ảnh: NYT.
Phụ nữ cũng có thể gia nhập lực lượng cảnh sát giao thông. Dù vậy, việc những quyết định "gây choáng váng" này ảnh hưởng nhiều như thế nào đến từng cá nhân sẽ phụ thuộc vào một số yếu tố, bao gồm nơi họ sống, tuổi tác, đức tin của họ cũng như sự đồng thuận của những người thân là nam giới trong việc từ bỏ kiểm soát phụ nữ mà nhiều người cho là đặc quyền tôn giáo. Ảnh: NYT.
Hầu hết không gian công cộng ở Saudi Arabia đều quy định nam nữ phải tách riêng. Gần như không có ngoại lệ, trường học tách biệt nam - nữ, và nhiều người vẫn chủ yếu giao du với người cùng giới. Ảnh: NYT.
Các nhà hàng có những cửa riêng dành cho "gia đình", tức các nhóm có phụ nữ, và "đơn thân" - có nghĩa thực sự là chỉ dành cho nam giới. Thậm chí một trung tâm thương mại ngay tại thủ đô có một tầng chỉ dành cho phụ nữ. Ảnh: NYT.
Trong xã hội Saudi Arabia, nam giới hiếm khi đi chung với người thân là nữ, nếu họ không phải là mẹ, con gái hay chị em gái của anh ta. Một số người đàn ông thậm chí sống cả đời mà không thấy mặt mũi chị dâu, em dâu của mình. Trong ảnh, những người phục vụ trà nước ca hát chào mừng cô dâu tại một đám cưới ở Riyadh. Ảnh: NYT.
Tuy nhiên, luật lệ giờ đây không còn nghiêm khắc như trước nữa và ở nhiều nơi, sự thay đổi đã bắt đầu. Saudi Arabia có dân số trẻ chiếm tỷ lệ lớn với khoảng hai phần ba trong tổng số 22 triệu dân dưới tuổi 30. Hàng trăm nghìn người trẻ đi học ở nước ngoài, bao gồm Mỹ. Ảnh: NYT.
Nhiều người trẻ Saudi đã tự đặt ra luật của riêng mình. Một số phụ nữ đã tìm cách biến abaya, loại áo choàng dài truyền thống của Hồi giáo che kín thân hình, thành một phụ kiện thời trang cá tính. Nhiều người khác "cách tân" khăn trùm đầu hijab theo cách thu hút chứ không phải trốn tránh đàn ông. Ảnh: NYT.
Tại những nơi công cộng, mọi người có xu hướng tuân thủ các quy định chung về trang phục và tương tác giữa những người nữ và nam không có quan hệ họ hàng. Tuy nhiên trong những không gian riêng tư, người ta phần lớn đã có thể làm những gì họ muốn. Ảnh: NYT.
Sự thay đổi về địa vị của phụ nữ trong xã hội Saudi diễn ra chậm chạp dưới thời các quốc vương trước đây. Những năm 1960, vua Faisal từng hứng chịu chỉ trích dữ dội từ các thế lực bảo thủ khi đưa ra chương trình giáo dục công cho trẻ em gái. Dưới thời vua Abdullah, người qua đời năm 2015, phụ nữ lần đầu tiên được làm công việc nhân viên bán hàng cũng như các vị trí trong siêu thị. Ảnh: NYT.
Song sự thay đổi diễn ra mạnh mẽ hơn cả sau khi Thái tử Mohammed, 32 tuổi, được trao quyền kế vị. Vị thái tử, đồng thời là bộ trưởng quốc phòng, đã nổi lên như là một trong những lãnh đạo quyền lực và năng động nhất vương quốc kể từ khi cha ông, tức vua Salman, ngồi vào ngai vàng năm 2015. Ảnh: AFP/Getty.
Năm ngoái, vị thái tử đã tước quyền bắt giữ và tịch thu tài sản của lực lượng cảnh sát tôn giáo tại Saudi Arabia. Họ từng có quyền lực to lớn trong việc xử phạt các vi phạm ở nơi công cộng, với nhiệm vụ chính là áp đặt phụ nữ mặc trang phục truyền thống cũng như ngăn chặn những người nam và nữ không có quan hệ họ hàng ở cùng nhau. Ảnh: NYT.
Tuy vậy, nhiều rào cản vẫn còn tồn tại. Các trường dạy lái xe cho nữ chưa được thành lập và những người đàn ông bảo thủ vẫn có thể ngăn cản vợ và con gái của họ lái xe. Các nhà vận động quyền phụ nữ cho biết trận chiến tiếp theo của họ là đấu tranh để xóa bỏ luật giám hộ phụ nữ, vốn quy định phụ nữ khi ra ngoài phải có đàn ông đi cùng. Ảnh: NYT.
Quân đội Saudi Arabia được trang bị những vũ khí thuộc loại hiện đại nhất Trung Đông nhưng họ lại không thể nắm ưu thế trong cuộc chiến với phiến quân tại Yemen.
Tác giả cuốn "Con đường Hồi giáo" nhận định lý do thực sự đưa đến quyết định của Trump về Jerusalem cũng như giải thích vì sao xung đột Israel - Palestine 70 năm chưa thể hóa giải.